Lạm phát tấn công bữa ăn nhiều gia đình

Hà Anh 15/04/2022 11:03

Giá thực phẩm tăng đột biến do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 kéo dài và cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và gia đình châu Á. Thay đổi triết lý kinh doanh và thói quen ăn uống là cách mà mọi người buộc phải làm để thích ứng với tình hình.

Nhiều người dân ở châu Á phải thắt chặt chi tiêu vì giá thực phẩm tăng vọt. Ảnh: Reuters

Thay đổi thói quen

Theo trang Nikkei Asia, chi phí đã tăng trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Giờ đây, sức ép này càng lớn hơn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Chuyên gia Kenta Goto của Trường ĐH Kansai (Nhật Bản) nhận định chi phí sinh hoạt tăng, cùng với việc các đồng tiền châu Á suy yếu và Mỹ tăng lãi suất có thể kìm hãm kinh tế khu vực. Theo ông Goto, nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm sút, sức mua của châu Á sẽ bị tổn thương.

Trong khi đó, lợi nhuận tại nhà hàng lẩu cay của Ma Hong đã giảm khoảng 1/5 kể từ khi ông mở cửa ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm ngoái. Tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng bởi giá thịt bò ba chỉ tăng hơn 50% và chi phí tăng cao của các nguyên liệu chính khác.

"Chúng tôi vẫn giữ giá các món ăn như trước đây. Với ảnh hưởng của đại dịch, mọi người trên thế giới đều bị ảnh hưởng. Ở Bắc Kinh cũng vậy, chúng tôi không phải là nhà hàng duy nhất chịu thiệt", ông Ma Hong nói.

Các nhà hàng châu Á và hàng rong bán thức ăn đường phố như của ông Ma Hong phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn, hoặc là chịu thiệt hại từ chi phí tăng cao, hoặc tăng giá và chấp nhận nguy cơ mất khách hàng thân thiết.

Giá nguyên liệu thực phẩm tăng đột biến do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và hiện đang được thúc đẩy bởi xung đột ở Ukraine đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ở châu Á, nơi thức ăn đường phố ngon và giá cả phải chăng là một phần không thể thiếu của xã hội và nền kinh tế, đang chịu nhiều áp lực nhất.

Mohammad Ilyas, đầu bếp tại một cửa hàng ở Karachi, Pakistan, cho biết, giá một kg gạo, đủ cho 3-4 người ăn no, đã tăng gấp đôi, lên 400 rupee Pakistan (2,20 USD). “Tôi đã làm việc tại nhà bếp này trong 15 năm qua và hiện nay đang chứng kiến giá gạo và gia vị tăng cao quá mức khiến người nghèo không đủ tiền để ăn", anh Ilyas nói.

Một số doanh nghiệp đang đối phó với áp lực chi phí bằng cách cắt giảm khẩu phần món ăn. Tại một trong những góc ẩm thực đường phố của Jakarta, Indonesia, một người bán hàng đã giảm khẩu phần món cơm rang truyền thống của Indonesia thay vì tăng giá hoặc sử dụng các nguyên liệu kém chất lượng hơn.

Tại Hàn Quốc, bà Choi Sun-hwa, chủ một cửa hàng kim chi cho biết, với 10 won, giờ đây bà chỉ mua được nguyên liệu là 7 cây bắp cải. Vì vậy, bà sẽ không thể tiếp tục duy trì việc kinh doanh nếu không tăng giá.

Kim chi thường được phục vụ như một món ăn miễn phí trong các quán ăn Hàn Quốc, nhưng giờ đây, nó đã trở thành một món ăn xa xỉ. Seo Jae-eun, một khách hàng tại cửa hàng của bà Choi, châm biếm, kim chi nên được gọi là "keum chi", tiếng Hàn có nghĩa là vàng.

"Tôi không thể yêu cầu các nhà hàng cho thêm kim chi vào những ngày này và nó cũng quá đắt để tự làm ở nhà do giá rau quá cao ... nên tôi đã đến đây để mua nó", cô Seo Jae-eun nói.

Bên cạnh đó, sức ép về giá cả cũng đang làm thay đổi thói quen ăn uống của một số người tiêu dùng châu Á. Steven Chang, một nhân viên ngành dịch vụ 24 tuổi, thường xuyên tới ăn mì ở Just Noodles, một cửa hàng mì ramen nổi tiếng ở Đài Bắc, đang cân nhắc lại việc chi tiêu của mình.

Các chính phủ bắt đầu hành động

Theo trang Nikkei Asia, chi phí đã tăng từ trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Giờ đây, sức ép này càng lớn hơn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Chuyên gia Kenta Goto của Trường ĐH Kansai (Nhật Bản) nhận định, chi phí sinh hoạt tăng, cùng với việc các đồng tiền châu Á suy yếu và Mỹ tăng lãi suất có thể kìm hãm kinh tế khu vực. Theo ông Goto, nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm sút, sức mua của châu Á sẽ bị tổn thương.

Tại Singapore, nỗi lo về giá cả leo thang thể hiện rõ trong cuộc khảo sát mới của Ngân hàng Trung ương nước này hồi tháng 2/2022. Khi đó, khoảng 94% chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế, tăng so với mức 56% trong cuộc thăm dò vào tháng 12/2021. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cảnh báo, tiền điện tăng cao chắc chắn sẽ tác động đến người dân nước này.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện vào tháng rồi cho thấy 92% người được hỏi dự đoán chi phí sinh hoạt sẽ tăng trong năm tới. Chia sẻ nỗi lo này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ra lệnh nội các soạn thảo gói hỗ trợ mới để giúp giảm tác động của tình trạng giá nhiên liệu và nguyên liệu thô leo thang. Theo Reuters, gói này dự kiến gồm các biện pháp giúp giảm bớt sức ép đang đè nặng lên doanh nghiệp và hộ gia đình.

Còn tại Hàn Quốc, Chính phủ thông báo gia hạn giảm thuế nhiên liệu đến cuối tháng 7 năm nay để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Thái Lan vào đầu tháng 3 cho biết sẽ giới hạn giá dầu diesel ở mức 30 baht (khoảng 20.369 đồng)/lít.

Một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines đã chi 3 tỉ peso (khoảng 1.318,14 tỉ đồng) để trợ cấp nhiên liệu cho một số đối tượng trong tháng này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng phê duyệt mức trợ cấp 200 peso cho mỗi gia đình nghèo hằng tháng nhưng sau đó tăng con số này lên 500 peso.

Một số chuyên gia nhận định châu Á chưa đối mặt khủng hoảng nhưng không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Ông Kensuke Tanaka, làm việc cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cảnh báo tình hình có thể thay đổi và có thể có nhiều áp lực hơn.

Ông Irfan Qureshi, chuyên gia tại Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận xét, lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo, do đó có thể khiến tình trạng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội thêm nghiêm trọng.

Hà Anh