Chặn trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

H.Hương - T.Như 16/04/2022 07:37

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, hành vi kê khai giá chuyển nhượng bất động sản (BÐS) thấp hơn giá giao dịch thực tế nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp là hành vi trốn thuế. Phía cơ quan quản lý đang ra sức siết lại hiện trạng này.

Các địa phương bắt đầu mạnh tay với hành vi kê khai chuyển nhượng bất động sản
không đúng với giá trị chuyển nhượng thực tế.
Siết từ giai đoạn công chứng
Trước thực trạng này, đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, ngành Thuế đang xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh BÐS, thực hiện ấn định thuế, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật. Cơ quan Thuế thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Ðối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền về điều tra để xử lý nghiêm đối với hành vi trốn thuế.

Ðáng chú ý Cục Thuế TP Hà Nội đã có công văn gửi Sở Tư pháp phối hợp trong công tác tuyên truyền, đấu tranh các hành vi vi phạm trong kê khai giá của hoạt động chuyển nhượng BÐS.

Và Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Hội Công chứng viên TP Hà Nội và các tổ chức trên địa bàn thành phố về việc tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BÐS. Biện pháp cứng rắn của Cục thuế Hà Nội cho thấy cơ quan này quyết không để thất thu ngân sách vì hành vi trốn thuế chuyển nhượng BÐS.

Có thể khẳng định rằng, số tiền thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ nhà nước bị thất thu do tình trạng gian dối trong kê khai thuế giao dịch BÐS là vô cùng lớn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường BÐS “nóng”, hoạt động mua đi bán lại BÐS mạnh.

Trả lại hồ sơ nếu có dấu hiệu vi phạm

Không chỉ Hà Nội, mà nhiều địa phương khác cũng đang mạnh tay với hành vi trốn thuế chuyển nhượng BÐS. Lý do được chỉ ra là công tác chống thất thu thuế là một nhiệm vụ quan trọng luôn được Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo sát sao. Nhiệm vụ này không chỉ góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế trong lĩnh vực BÐS mà còn giúp hạn chế tối đa việc thất thoát NSNN hàng năm.

Thông tin Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3/2022, ngành thuế Bà Rịa-Vũng Tàu đã trả hơn 1.200 hồ sơ sang nhượng, chuyển nhượng BÐS vì có dấu hiệu khai thấp hơn nhiều so với giá thực tế. Trong số này có 155 hồ sơ kê khai, điều chỉnh bổ sung và nộp lại cơ quan thuế.

Ðặc biệt, những hồ sơ nộp lại, khai lại giá trị chuyển nhượng đất tăng từ 2-5 lần so với khai lần đầu. Nổi bật có hồ sơ tăng đến 20 lần. Ðó là trường hợp chuyển nhượng đất tại huyện Ðất Ðỏ từ 500 triệu đồng khai ban đầu đã tăng lên 10 tỷ đồng. Ngoài ra có những hồ sơ ban đầu khai 400 triệu đồng nhưng sau đó khai lại lên 3,5 tỷ đồng; từ 1,5 tỷ đồng kê khai lại thành 9,3 tỷ đồng…

Theo đó, số tiền thuế thu được tăng thêm đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BÐS trong thời gian qua là hơn 3 tỷ đồng.

Tại Long An, từ đầu năm 2022 đến nay, các chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh Long An đã trả lại và yêu cầu điều chỉnh nâng giá đúng với thực tế giao dịch tại rất nhiều hồ sơ. Trong đó, đã có 473 hồ sơ đã được người nộp thuế tự điều chỉnh giá giao dịch phù hợp, tăng thu thuế nộp ngân sách được hơn 2,1 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc cho biết đã chỉ đạo cơ quan thuế, phối hợp với cơ quan ở các địa phương, bộ, ngành để thu thuế BÐS đúng với giá chuyển nhượng BÐS. Vừa qua, trong vòng 15 ngày đầu tháng 1, cơ quan quản lý đã kiểm tra, cho kê khai lại và tăng thu thuế thêm 222 tỷ đồng. Hiện cơ quan quản lý cũng đang tập trung cho thanh tra, kiểm tra các hồ sơ nghi vấn về giá kê khai chuyển nhượng không đúng với giá chuyển nhượng thực tế để xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả với các dự án BÐS.

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng BÐS...

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Ðoàn Luật sư TP Hà Nội), việc mua bán có tiền chênh ngoài hợp đồng bằng hình thức kê khai hai giá khi bán hàng là hành vi vi phạm pháp luật về thuế và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người mua nhà chấp nhận điều đó để đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế. Cả khách hàng và DN đang thấy lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại lâu dài, bởi thực trạng này đã khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch.

Còn luật sư Nguyễn Thế Truyền - Văn phòng Luật sư Thiên Thanh (Hà Nội), cho rằng, để ngăn chặn việc trục lợi của người dân và cán bộ liên quan từ việc kê khai thuế không trung thực thì bỏ cơ chế giá của UBND tỉnh/thành ban hành hàng năm mà để thị trường tự quyết định. Nếu thấy nghi ngờ áp giá thấp thì sẽ thành lập đơn vị thẩm định độc lập và ra chứng thư bảo lãnh. Trường hợp người dân có kê khai giá thấp ở mức nghi ngờ cũng sẽ bị “tuýt còi” phanh lại, sau đó chuyển cơ quan công an vào cuộc.

Ðể nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về thuế nói riêng cho mỗi người dân, doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trước hết, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BÐS cũng như quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế...

H.Hương - T.Như