Giá phân bón 'leo thang'
Giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng cao, trong khi giá thành sản phẩm không tăng tương ứng, thậm chí nhiều mặt hàng giảm. Điều này đã tác động rất lớn đến hàng chục triệu nông dân.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ cuối năm 2021 trở lại đây, giá phân bón liên tục “leo thang” đặc biệt, so với tháng 3/2022 giá phân bón hiện tăng khoảng 5%. Đáng chú ý, có nhiều loại biến động giá theo tuần. Giá phân DAP trung bình 874 USD/tấn, tăng 46% từ năm ngoái đến nay; phân MAP lên tới 935 USD/tấn, tăng 44%; kali ở ngưỡng 815 USD/tấn, tăng 102%.
Trao đổi với báo chí ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, ngành sản xuất phân bón chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu, đa phần lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay mới chỉ có phân bón DAP, MAP mới tự chủ được một phần, nhưng có những loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn như kali, đạm suphat. Đặc biệt đối với kali, mặt hàng này nhập khẩu vào đúng thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine dẫn đến gián đoạn nguồn cung, trong khi Việt Nam lại nhập khẩu 100% từ hai quốc gia này, nên giá lại càng tăng cao.
Theo dự báo trong thời gian tới, giá kali sẽ sớm cán mức 15-16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18-20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng. Thậm chí nếu giá kali nhập khẩu cán mức 1.000-1.200 USD/tấn thì kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24-25 triệu đồng/tấn. Kali, DAP, ure tăng giá, sẽ kéo theo giá NPK lên theo. Với loại phân bón DAP, dự tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 64% trong quý II/2022 và khả năng giá trong nước sẽ lên mức 25 triệu đồng/tấn.
Cụ thể với từng hộ nông dân thì cơn bão giá phân bón cũng đang tác động xấu. Ở Vĩnh Phúc, gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (huyện Bình Xuyên) có 9 sào ruộng vừa cấy lúa và trồng ngô. Mọi năm, chi phí mua phân bón cho mỗi vụ chỉ hết chừng 2-2,5 triệu đồng. Nhưng nay, giá phân bón tăng chóng mặt khiến chi phí đội lên rất lớn. “Sản xuất nông nghiệp vốn dĩ vất vả, bấp bênh nhiều vụ gần như mất trắng vì sâu bệnh, nay giá phân bón tăng cao khiến người nông dân chúng tôi đứng ngồi không yên. Bỏ đất hoang thì không đành lòng mà cố làm thì lo bị lỗ” - bà Thủy chia sẻ.
Thực tế trong sản xuất nông nghiệp, chi phí cho phân bón chiếm tỷ lệ rất lớn, tới 40 – 45% giá trị đầu vào. Do đó, giá phân bón tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp. Giá đầu vào tăng, đồng nghĩa với giá đầu ra cũng tăng và điều này sẽ khiến các sản phẩm nông nghiệp càng khó khăn hơn khi hội nhập vào kinh tế thế giới. Đây là tác động không tốt đối với sản xuất nông nghiệp.
Đánh giá tác động của giá phân bón tăng đối với sản xuất nông nghiệp, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, giá phân bón liên tục tăng cao sẽ đe dọa năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, thậm chí ngay tại thị trường nội địa.
Theo ông Cường, đối với lúa Đông Xuân đang ở giai đoạn bón thúc giúp cho cây sinh trưởng, nếu không bổ sung đủ nguồn dinh dưỡng, năng suất cây trồng chắc chắn giảm. Tương tự với cây ngô, chè, đây cũng là thời điểm cần tăng cường bón phân để kích thích quá trình phát triển. Giá phân bón tăng cao khiến cho bà con nông dân phải đắn đo trước sự lựa chọn nên đầu tư nhiều hay ít để không phải bù lỗ trong quá trình sản xuất.
Đáng lo ngại, giá phân bón tăng mạnh còn kéo theo tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa xử phạt vi phạm hành chính 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể về nội dung ghi nhãn không đúng quy định, chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đảm bảo chất lượng. Trong đó có 53 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phân bón kém chất lượng.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi kinh tế nông nghiệp sang sản xuất xanh, sạch là giảm sử dụng và phụ thuộc vào phân bón vô cơ, tăng cường hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, điều này không những giúp tăng năng suất, sản lượng mà còn là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tác động trực tiếp từ giá phân bón, qua đó giảm giá thành sản xuất phân bón và hướng đến nền sản xuất bền vững hơn.