Mạnh tay xử lý chó thả rông
Thời gian qua, tình trạng thả rông chó không rọ mõm trên đường phố, công viên, sân chơi ở tập thể chung cư tại các quận nội thành Hà Nội khiến người dân rất bức xúc. Việc thả rông chó của một số người thiếu ý thức đã gây không ít nguy hiểm cho những người xung quanh, thể hiện sự coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác…
Vô tư thả rông chó ngoài đường…
Thời gian qua, nhiều vụ việc đau lòng do người dân thả rông chó, dẫn đến chó lao vào cắn người đi đường gây hoang mang cho người dân Hà Nội. Trước tình hình đó, TP Hà Nội đã lập gần 600 đội bắt chó thả rông, trong đó yêu cầu chủ nuôi chó, mèo, phải thực hiện đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh…
Trao đổi với PV, anh Lê Huy Hoàng trú tại quận Đống Đa cho biết : “Tại ngõ nhà tôi gần như 50% người dân nuôi chó thả rông, chó đi đại tiện, tiểu tiện ngang nhiên ngoài ngõ, rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Không những thế, nhiều em nhỏ chơi đùa tại ngõ cũng đã bị chó cắn nhưng cũng may chưa có trường hợp thương tâm nào. Chúng tôi mong rằng cơ quan chức năng xử lý triệt để”.
Theo anh Hoàng, những người dắt chó hay thả chó đi vệ sinh vừa bãi ngoài đường phố, trong công viên cần phải bị xử lý thật nặng thì mới có thể giải quyết được vấn đề này.
Đồng quan điểm trên, anh Phạm Văn Công trú tại quận Thanh Xuân, cho rằng: “Đây là chủ trương đúng đắn đáng lẽ ra phải làm lâu rồi, nhiều người thả chó ra đường mà không rọ mõm, gây nguy hiểm cho người đi đường. Đây là hành vi vô trách nhiệm của chủ nuôi khi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác. Đặc biệt, có tình trạng nhiều người đi xe máy đâm vào chó thả rông dẫn đến bị thương tích, thậm chí tử vong. Hy vọng rằng, mô hình này khi triển khai có thể xử lý tận gốc vấn đề bức xức này”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, hiện tổng đàn chó mèo trên địa bàn TP Hà Nội là 460.000 con (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Nghệ An). Tính từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng chó, mèo nuôi bình quân tăng khoảng trên 6.000 con/năm (tổng đàn năm 2017 là 423.000 con, năm 2021 là 460 ngàn con). Riêng số lượng chó, mèo nuôi tại các quận nội thành có tốc độ tăng nhanh, khoảng trên 2.000 con/năm.
Theo ông Sơn, việc lập đội bắt chó thả rông là một trong các yếu tố để đảm bảo an toàn bệnh dại. Mục tiêu của đội là tuyên truyền đến chủ nuôi chó, mèo các quy định của pháp luật; phát hiện, xử phạt chủ nuôi không xích, rọ mõm chó ở nơi công cộng, ngăn chó dữ tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng…
Lực lượng tham gia đội bắt chó thả rông, phổ biến gồm 6 - 8 người là bảo vệ tổ dân phố, dân quân, công an viên, y tế, nhân viên thú y... Các đội sẽ hoạt động khoảng 1 - 2 lần một tuần, không cố định ngày nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm của chủ vật nuôi như: Không rọ mõm, không xích khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng; để chó vệ sinh bừa bãi, cắn người. Sau 48 giờ từ lúc có thông báo về động vật thả rông bị bắt, nếu không có chủ nuôi đến nhận, UBND cấp xã quyết định biện pháp xử lý.
Tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông
Vừa qua trong Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 – 2030 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký, gửi các sở, ngành, cơ quan liên quan, thành phố yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thống kê chính xác và báo cáo số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xóm trên địa bàn cấp xã đảm bảo quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trên địa bàn cấp xã.
Ngoài ra, hàng năm, trước đợt tiêm phòng, các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó, mèo nuôi và định kỳ tối thiểu 2 lần/năm, cập nhật, báo cáo số liệu các hộ nuôi chó, mèo và tổng đàn chó, mèo tại địa phương. Đồng thời cập nhật dữ liệu đàn chó, mèo tại địa phương trên hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo theo quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
"Các phường, xã, thị trấn quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập đội bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; bố trí khu vực nhốt giữ và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận" - Kế hoạch nêu rõ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng yêu cầu 579 xã, phường, thị trấn phối hợp cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông, động vật mắc bệnh dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh dại cho các thành viên của đội bắt chó thả rông; phối hợp với cơ quan y tế tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho các thành viên đội bắt chó thả rông theo quy định của ngành y tế…
Thành phố cũng đặt ra một số nội dung cụ thể về quản lý chó, mèo nuôi. Cụ thể, đối với chủ nuôi chó, mèo, phải thực hiện đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm, xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường; chấp hành nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; chấp hành việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ…) cho chó, mèo đã được tiêm vaccine dại theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Nghị định 04/2020 của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Người nuôi để chó mèo phóng uế nơi công cộng bị phạt 100 - 300 nghìn đồng.
Theo quy định, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định.