Hành trình gửi 'lời hồi đáp' tới chú cá voi cô độc nhất hành tinh

Minh Tuấn (The Guardian, DW) 18/04/2022 08:00

Được mệnh danh là "bóng ma đại dương", chú cá voi mang tên 52 Blue với tần số độc nhất vô nhị vẫn luôn kiên trì cất tiếng gọi cô độc giữa đại dương bao la từ năm này qua năm khác.

Ở phía Bắc Thái Bình Dương có một chú cá voi. Tất nhiên, trong đại dương bao la ấy có vô vàn cá voi. Thế nhưng chú cá voi này vô cùng khác biệt. Nó là một con cá voi đực thuộc giống cá voi xanh hoặc cá voi vây. Không một ai có thể chắc chắn, vì chưa một ai từng nhìn thấy nó. Bí ẩn, vô hình, chú cá voi này vẫn nổi tiếng khắp thế giới, vì nó là chú cá voi cô đơn nhất hành tinh.

Thông thường, tiếng kêu của cá voi xanh có tần số trong khoảng 15 đến 25 Hz, tương đương với những nốt trầm nhất của đàn piano. Ảnh: The Guardian.

Chú cá voi không bao giờ được lắng nghe

Câu chuyện về chú cá voi cô đơn nhất thế giới xuất hiện vào Chiến tranh Lạnh, khi quân đội Mỹ triển khai mạng lưới các ống nghe dưới nước để phát hiện tàu ngầm của Liên Xô. Trong quá trình này, những người vận hành đã nhận được một số tiếng ồn lạ lùng với một số âm thanh rên rỉ ở tần số thấp mà họ gọi là Quái vật Jezebel.

Tuy nhiên, sau đó, họ đã xác định được đây là âm thanh của những chú cá voi vây và cá voi xanh. Vào cuối những năm 1980, khi Chiến tranh Lạnh dần kết thúc, Lầu Năm Góc đã cho phép các nhà nghiên cứu cá voi có thể tiếp cận mạng lưới ống nghe ngầm này. Trong số họ có William Watkins, một nhà tiên phong trong việc xác định và theo dõi những loài động vật có vú dưới biển qua những âm thanh mà chúng tạo ra.

Năm 1989, nhà khoa học William Watkins thuộc Viện Hải dương Woods Hole (Mỹ) trong lúc làm việc tại Thái Bình Dương đã vô tình phát hiện ra một âm thanh kỳ lạ vốn được ví như những bản tình ca bi ai không lời hồi đáp. Âm thanh phát ra từ một sinh vật đang di chuyển trong làn nước có tần số bất thường 52 Hz. Vậy nên người ta đã đặt tên nó là 52 Blue, hay Cá voi 52 Hertz.

Phân tích ảnh phổ của sinh vật bí ẩn, các nhà hải dương học sau đó dự đoán nó là một con cá voi dài khoảng 30 m, nặng khoảng 180 tấn. Nó bất bình thường, vì chỉ có thể phát ra âm thanh không một con cá voi đồng loại nào có thể nghe thấy.

Cho đến nay, vẫn chưa ai có cơ hội tận mắt chứng kiến "52 Blue" hay ghi được bất cứ hình ảnh nào về chú cá voi này. Ảnh: The Guardian.

Các loài cá voi khác, ví dụ như cá voi xanh có tần số tiếng kêu là từ 10 - 39 Hz, cá voi vây là khoảng 20 Hz. Âm thanh 52 Hz của chú cá voi gây tò mò cao vút một cách kỳ lạ, và đem đến cho nó sự cô độc tận cùng.

Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng thanh âm đặc trưng của 52, dù thấp hơn so với con người nhưng lại cao hơn nhiều so với những tiếng gọi thông thường của loài cá voi xanh khổng lồ, có vây, hay bất kỳ loài cá voi nào khác. Chính vì vậy, một số người tin rằng 52 có thể sở hữu một hình thể biến dạng trong khi một số khác lại cho rằng sinh vật có vú khổng lồ này là “con lai” của cá voi xanh và một loài khác.

Âm thanh cao vút đã tách 52 Blue ra khỏi thế giới. Ảnh: The Guardian.

Cá voi là loài có tập tính xã hội, chúng cần phải "hát" để điều hướng, tìm thức ăn, giao tiếp và tìm kiếm bạn tình. Tiếng kêu của chúng dù cách xa 3 ngàn dặm vẫn có thể được đồng loại nghe thấy, miễn là chúng có cùng tần số. Điều đó có nghĩa là 52 Blue không bao giờ có cơ hội được đồng loại lắng nghe. Nó bị định sẵn sẽ chỉ có thể sống một mình.

"Cô đơn hoặc cố gắng kêu gọi sự kết nối mà chưa bao giờ được hồi đáp là một trong những nỗi sợ lớn nhất của loài người. Chúng ta là sinh vật xã hội. Cá voi cũng vậy. Chúng có các tế bào hình thoi, vậy nên chúng biết yêu, biết ghét, biết trở thành một phần của vòng tròn xã hội nhất định. Nhưng 52 Blue thì bị từ chối cơ hội đó", nhà làm phim Josh Zeman, người từng làm một bộ phim tài liệu về 52 Blue cho hay.

Sau hơn 3 thập kỷ trở thành câu hỏi lớn của giới khoa học, các chuyên gia vẫn chưa thể giải thích tại sao 52 Blue lại kêu ở tần số bất thường này. Các giả thiết được đồng ý nhiều nhất là nó bị dị tật, hoặc là con lai của hai loài cá voi.

Hành trình đi tìm chú cá voi cô đơn nhất thế giới

Vì không có đồng loại nào có thể nghe thấy 52 Blue, các nhà khoa học đã quyết định sẽ lắng nghe nó, cố gắng "hồi đáp" với nó.

Không chỉ có tần số âm thanh cao, hành trình của 52 Blue cũng rất khác thường. Năm 2004, nhân viên của Viện Hải dương Woods Hole đã xuất bản một báo cáo về 52 Blue cho biết nó di chuyển liên tục trên khắp các vùng nước sâu của vùng trung tâm và phía đông lưu vực Bắc Thái Bình Dương. Chú cá voi cô độc này đang thực hiện hải trình rộng nhất so với bất kỳ loài cá voi nào trên thế giới.

Khu vực rộng lớn màu xanh là nơi 52 Blue từng được dò thấy. Ảnh: The Guardian.

Thông thường, các loài cá voi đều di cư đến cùng một khu vực mỗi năm, cụ thể là đến vùng biển nhiệt đới vào mùa đông và đến vùng nước lạnh hơn vào mùa hè. Thế nhưng 52 Blue lại không chọn lối đi đó. Hải trình của nó thay đổi từ năm này sang năm khác và không bao giờ ở một nơi quá lâu. Nó vẫn luôn lang bạt, đi khắp bốn phương, dẫu cho hành trình ấy luôn cô đơn một mình không có ai đồng hành.

52 Blue vẫn luôn độc hành trên hành trình vô tận và không ngừng tiếp tục tiến bước. Ảnh: The Guardian.

Chính vì sở thích đi vô định, không thể đoán trước của 52 Blue mà cho đến tận ngày nay, không một nhà khoa học nào từng tìm được nó, nhìn thấy nó. Tất cả những gì con người biết về cá voi 52 Blue là giọng hát cao vút vừa bi thương, vừa cao ngạo của nó.

Vì mang một câu chuyện đặc biệt riêng mà 52 Blue đã được "thi vị hóa", trở thành một biểu tượng của những con người cô độc, cảm thấy mình thiếu kết nối với thế giới và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Nó xuất hiện trong những ca khúc viết về nỗi cô đơn, trong những cuốn sách giãi bày sự đơn độc. Từ 52 Blue, người ta thậm chí còn "tô vẽ" lên câu chuyện về sự lạc quan, rằng dẫu cô độc, nó vẫn luôn dũng cảm tiếp tục sống, tiếp tục đi tìm sự kết nối với thế giới.

Một số nhạc sĩ và những người kể chuyện trên khắp thế giới cũng đã lấy câu chuyện lạ thường của 52 làm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm của mình. Ban nhạc Anh Dalmatian Rex và Eigentones đã sáng tác ca khúc The Loneliest whale in the world (Chú cá voi cô đơn nhất thế gian) trong khi ca sĩ Laura Ann Bates cũng thu âm lại một bài hát dành riêng cho chú cá voi độc đáo có tên The Loneliest Creature on earth (Sinh vật cô đơn nhất hành tinh). Một cuốn sách ảnh cho trẻ em mang tiêu đề 52 Hertz Wal của tác giả người Đức Agnieszka Jurek cũng lấy 52 làm nguyên mẫu cho nhân vật trong truyện.

Dẫu thế, những gì con người hiểu về sinh vật khổng lồ này vẫn chẳng là gì. Cái mác "cô độc" mà bao người gán vào 52 Blue có phải sự thực hay không? Có thật là 52 Blue chỉ có một mình trong đại dương sâu thẳm? Hay thậm chí liệu 52 Blue có thực sự tồn tại hay chỉ là một "bóng ma" biển cả? Tất cả những câu hỏi này đều đã được đưa ra suốt hơn 30 năm, và chúng ta chỉ có thể tiếp tục chờ đợi câu trả lời.

Minh Tuấn (The Guardian, DW)