Minh bạch tiền công đức: Tại sao không?
Câu chuyện minh bạch quản lý, sử dụng tiền công đức được đặt ra từ hàng chục năm nay, do đó nhiều nội dung mới trong dự thảo Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Mở tài khoản để quản
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo (lần 3) Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Nội dung dự thảo lần này chi tiết hơn so với 2 lần trước. Theo đó, Bộ Tài chính đã nhận được khoảng 1.700 ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Bộ đã nghiên cứu các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó hoàn chỉnh lại dự thảo Thông tư.
Đáng chú ý, đối với quy định “Tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức”, dự thảo quy định: “Mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử” . Việc mở tài khoản quản tiền công đức riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nhằm mục đích minh bạch dòng tiền ra - vào.
Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt phải có ghi sổ đầy đủ. Đối với tiền trong hòm công đức, tiền đặt lễ, tiền khấn… định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, cơ sở di tích phải kiểm đếm, ghi sổ số tiền tiếp nhận. Số tiền công đức tạm thời nhàn rỗi được gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.
Theo Bộ Tài chính, quy định nêu trên nhằm đảm bảo cho việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ được an toàn, thuận tiện. Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của nhiều tổ chức, cá nhân có thể công đức, tài trợ cho di tích trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Thông tư cũng đưa ra cách phân chia việc quản lý, sử dụng tiền công đức đối với một số trường hợp cụ thể. Cụ thể, đối với di tích là cơ sở tôn giáo không có hoạt động lễ hội do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thì tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của tổ chức tôn giáo; hoàn toàn do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng.
Đối với di tích là cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích thì tiền công đức, tài trợ cho di tích được trích một phần để chi cho hoạt động tổ chức lễ hội tại di tích; phần còn lại do tổ chức tôn giáo quản lý và sử dụng.
Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ với di tích thuộc sở hữu tư nhân, tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của chủ sở hữu di tích. Chủ sở hữu có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, đúng mục đích và có hiệu quả…
Có thể thấy, tính công khai, minh bạch của tiền công đức được đặt ra sau không ít lùm xùm về việc thu chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội ở một số địa phương thời gian qua.
Cần công khai, minh bạch
Vấn đề quản lý tiền công đức đã được dư luận quan tâm từ lâu, khi mà việc thu chi tiền công đức tồn tại tình trạng tù mù trong nhiều năm qua. Thậm chí, khi các vụ đột nhập, trộm cắp xảy ra người ta mới biết được số tiền mà các di tích đang sở hữu.
Như vậy, vấn đề khó nhất là tính minh bạch bởi chuyện tiền công đức thường được cho là nhạy cảm. Từ năm 2010, Bộ VHTTDL đã ban hành Chỉ thị 16/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích, trong đó quy định rõ: “Mỗi di tích chỉ nên đặt một hoặc tối đa ba hòm công đức”. Đến năm 2012, Bộ VHTTDL lại ban hành Quyết định số 2245 quy định mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên những ban thờ chính. Khuyến khích tại mỗi di tích (di tích đơn lẻ hoặc di tích thuộc cụm di tích) chỉ đặt một hòm công đức ở vị trí thích hợp. Nhưng thực tế hiếm có di tích nào thực hiện quy định trên.
Trong bối cảnh hiện tại, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh việc ban hành Thông tư là hết sức cần thiết. Bởi hiện nay, việc thu chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội khá lộn xộn. Những lộn xộn này dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và tổ chức lễ hội.
Có một thực tế là người dân có nhu cầu rất lớn trong đóng góp tu bổ di tích, tổ chức lễ hội, vì vậy luôn cần có công cụ pháp luật điều chỉnh để vừa tạo điều kiện cho người dân (và cả các tổ chức) tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này. “Các quy định của Thông tư là rất rõ ràng. Tuy vậy, từ văn bản pháp quy tới thực tiễn cuộc sống có thể có những sai lệch nhất định. Vì thế, sau khi Thông tư được ban hành, việc thực hiện Thông tư cũng sẽ là sự kiểm nghiệm thực tiễn và là cơ sở để chúng ta có những sửa đổi về sau”, TS Bùi Hoài Sơn nói.
Ở một góc nhìn khác, về quy định mở tài khoản quản tiền công đức riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu việc quản lý nguồn tiền công đức tại cơ sở tôn giáo thực hiện qua tài khoản ngân hàng sẽ giúp minh bạch việc sử dụng. Những cá nhân đóng góp tiền vào cơ sở tôn giáo cũng sẽ yên tâm hơn khi biết tiền đóng góp được sử dụng đúng mục đích. Để thực hiện được việc này, chính quyền địa phương phải kết hợp với cơ sở tôn giáo cũng như giáo hội để quản lý vấn đề thu chi.Việc này sẽ tạo được niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng.
TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian Ứng dụng cho rằng: Tiền công đức là tiền của dân, có xu hướng ngày càng lớn nhất là ở nhiều di tích nổi tiếng. Mà đã tiền của dân thì cần được kiểm toán, minh bạch, công khai. Một số người cho rằng một khi người ta tự nguyện công đức, cúng dường thì sẽ không quan tâm tới mục đích sử dụng. Nhưng những người tiếp nhận vẫn cần công khai minh bạch chi tiêu. Với Thông tư trên, rõ ràng Nhà nước không chủ đích lấy tiền công đức từ các di tích, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, mà chỉ điều chỉnh hoạt động chi tiêu sao cho đúng.