Mầm non tư thục: Chao đảo sau dịch bệnh
Trẻ mầm non ở Hà Nội vừa được trở lại trường sau gần một năm nghỉ học. Niềm vui đến trường của cô trò trong ngày đi học lại gắn liền với nỗi lo giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ... đặc biệt là việc thiếu trường học ở khối mầm non tư thục với trên 500 trường phải giải thể trong thời gian qua.
“Đỏ mắt” tìm giáo viên
Chị Nguyễn Thị Hà, một phụ huynh ở quận Đống Đa (Hà Nội), quyết định sẽ tìm cho con một cơ sở mầm non tư thục chất lượng cao ở gần nhà. Tuy nhiên, qua tìm hiểu 2 cơ sở chị định đăng ký cho con học này đều trong tình trạng thiếu giáo viên, nhiều cô giáo vì nghỉ dịch quá dài nên đã chuyển sang làm nghề khác.
Trước thực trạng trên, bà Chu Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội Giáo viên Mầm non Tư thục TP Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Vầng Trăng Tuổi thơ cho biết: Khó khăn nhất của nhà trường khi hoạt động trở lại là nhân sự giáo viên và nhân viên phục vụ. Tình trạng thiếu giáo viên tại trường hiện là vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Đến thời điểm này, giáo viên và nhân viên của trường chỉ còn 50% đang tiếp tục bám trụ. Nguyên nhân do nhiều giáo viên đã chuyển nghề, có những giáo viên vẫn muốn trở lại với nghề thì đang đi làm ở các công ty, nếu có nghỉ phải xin phép đủ 30 ngày, nên khi có thông báo gấp, nhiều người không kịp xoay sở.
Tương tự, cô Nguyễn Lan Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Thăng Long Academy Kindergaten cho biết, sau 1 năm đóng cửa hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường ngoài công lập gặp không ít khó khăn do phải chi trả một khoản tiền lớn để giữ mặt bằng trường lớp, trả lương, đóng bảo hiểm cho giáo viên trong thời gian nghỉ dịch. Khi mở cửa trở lại, vấn đề thiếu giáo viên, thiếu nguồn tài chính để tiếp tục duy trì, trả lương giáo viên, tu sửa trường lớp cũng là một thách thức lớn với các trường.
Cô Hương cho biết, đến thời điểm này, trường có khoảng 75-80% giáo viên đã quay trở lại làm việc, trường cũng có nhu cầu tuyển thêm từ 7-8 giáo viên và hiện đã tuyển được 5 cô, thời gian tới sẽ tiếp tục tuyển dụng để đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo yêu cầu.
Theo tìm hiểu của PV, trên các diễn đàn dành cho chủ trường và giáo viên mầm non tư thục, suốt cả tháng qua tràn ngập các thông tin “tuyển gấp” giáo viên, cô phụ, nhân viên nhà bếp… Nhưng có vẻ như cầu vẫn lớn hơn cung.
Nguy cơ trẻ em thiếu chỗ học
Hà Nội là một trong những địa phương cho trẻ mầm non nghỉ dài nhất cả nước. Từ đầu tháng 3/2022, một làn sóng “bán trường” loang ra do các chủ trường rơi vào tình trạng khánh kiệt về tài chính.
Anh Nguyễn Thế Phong, phụ huynh gửi con ở cơ sở mầm non Tomokid Hàm Nghi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hoang mang khi chủ trường thông báo chính thức đóng cửa. Cũng theo một số phụ huynh, đây là cơ sở mầm non được nhiều người tin cậy vì phương pháp giáo dục hiện đại, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân cư có thu nhập bậc trung trở lên ở khu đô thị Vinhomes Gardenia. Nhưng khi phải đóng cửa kéo dài vì dịch, cơ sở này đã không còn đủ năng lực tài chính.
Cô Thái Hồng, Hiệu trưởng một cơ sở mầm non ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, có hai cơ sở mầm non, mỗi cơ sở đầu tư ban đầu trên dưới 1 tỉ đồng. Nhưng sau mười tháng liên tục phải đóng cửa, cô Hồng và gia đình đã phải quyết định giải thể một cơ sở.
Cô Thái Hồng chia sẻ: Tiền thuê mặt bằng là 30 triệu đồng/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chủ cho thuê giảm cho 50% để duy trì. Đầu năm 2022, mức giảm này rút đi, chúng tôi phải chi trả 70% chi phí. Tôi đã thế chấp nhà vay vốn ngân hàng để trả tiền mặt bằng của một cơ sở, còn một cái khác phải chấp nhận giải thể.
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thanh Huyền, chủ hệ thống mầm non Ong Việt (Hà Nội) cũng cho biết, vừa phải quyết định giải thể một trong hai cơ sở vì sắp khánh kiệt. Theo chị Huyền, tiền thuê mặt bằng mỗi cơ sở là 22 triệu đồng/tháng.
Cô Hoàng Thúy Hằng, Quản lý hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội) cũng cho biết, những ngày này điện thoại cô liên tục nhận được tin nhắn của các chủ trường mầm non hỏi có mua lại thiết bị dạy học, đồ chơi, nhận chuyển nhượng địa điểm đã thuê không.
Đáng lưu ý là hầu hết những cơ sở đang bán tống bán tháo để giải thể lại là những cơ sở có quy mô vừa, nhỏ, đáp ứng nhu cầu gửi con của nhóm phụ huynh bình dân, người lao động ở nông thôn, hay công nhân trong các khu công nghiệp.
So với nhiều địa phương, cơ sở mầm non tư thục ở Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì trong 3 năm xảy ra dịch bệnh, trường chỉ mở cửa được vài tháng, trong đó liên tục một năm ròng rã phải đóng cửa. Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%. Khi các cơ sở mầm non tư thục chao đảo vì dịch bệnh thì sẽ có nhiều trẻ nguy cơ thiếu chỗ học.