Tuyển sinh Đại học 2022: Chờ công bố phương thức lọc ảo
Những điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay đang thu hút sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh. Những thay đổi này tạo cơ hội gì cho các thí sinh và có tác động gì tới công tác tuyển sinh của các trường đại học?
Về vấn đề này, phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã có cuộc trao đổi với TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Thủy Lợi.
PV: Một trong những điểm đáng chú ý của mùa tuyển sinh năm nay là nhiều trường đại học giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và bổ sung nhiều phương thức xét tuyển khác. Việc làm này khiến nhiều học sinh lo lắng về cơ hội trúng tuyển đại học. Ông đánh giá như thế nào về thay đổi này?
TS Trần Khắc Thạc: Hiện nay Bộ GDĐT đang định hướng mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là xét tốt nghiệp THPT và hướng tới là cơ sở để các trường đại học xét tuyển. Trong khi đó, trước đây, kỳ thi này là kỳ thi 2 chung: dùng cho xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên mức độ phân loại của kỳ thi khác nhau. Khi kỳ thi có định hướng khác thì các trường sẽ phải có cách thức, phương án tuyển sinh để làm sao tuyển đúng đối tượng cần.
Ở một góc nhìn chủ quan thì khi có gì đó mới, chúng ta thường có tâm lý đổ xô đi tìm cái mới. Khi Luật Giáo dục đại học ra đời giao quyền tự chủ toàn bộ về công tác tuyển sinh cho các trường thì trong giai đoạn đầu này, các trường cũng đưa ra nhiều phương án tuyển sinh và phương thức xét tuyển khác nhau.
Tôi tin với kinh nghiệm, thực tế triển khai của các trường nói riêng và Bộ GDĐT nói chung sẽ có những định hướng để làm sao chúng ta chỉ có một số phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, việc này cần thời gian để có sự sàng lọc tự nhiên, giống như chúng ta khi muốn có gì mới phải đưa ra các lựa chọn khác nhau để tìm ra các lựa chọn tốt nhất. Tôi cho rằng, chỉ trong một hoặc hai năm tới, các phương thức xét tuyển sẽ đi vào ổn định.
- Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT dẫn tới tình trạng không công bằng, nâng điểm số… để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không đồng tình với quan điểm so sánh giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Bởi thực ra mỗi một phương thức đều có ưu điểm và nhược điểm.
Năm nay là năm thứ 3, chúng tôi sử dụng kết quả học THPT vào xét tuyển. Chúng tôi đánh giá, không phải tất cả các em có điểm học bạ tốt đều có năng lực tốt. Ở bất kể phương thức nào cũng có em thế này, em thế khác. Nhưng chúng tôi vẫn tự tin vào kết quả học bạ THPT. Khi vào trường đại học, các em không có năng lực sẽ tự đào thải. Cho nên chúng ta nên tin tưởng vào quá trình sàng lọc của các trường đại học trong quá trình đào tạo.
Về phía các trường THPT, các thầy cô như những người cha người mẹ của học sinh. Thầy cô làm mọi cách để ôn luyện, quan tâm tới việc học của các em như chính con mình nên ai cũng sẽ mong muốn các con có cơ hội tốt trong tương lai. Việc đâu đó có sự nâng đỡ không thể tránh khỏi.
Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào các thầy cô phổ thông luôn là những người đặt nền móng để các em bước tiếp. Vậy tại sao chúng ta không có niềm tin vào họ? Tôi mong muốn, chúng ta hãy đặt niềm tin vào hệ thống giáo dục. Trong thời gian tới, chắc chắn rằng với sự lãnh đạo của Bộ GDĐT, các trường, thầy cô có nhìn nhận đúng đắn hơn để giúp các em có hành trang tốt nhất để tiến thân lập nghiệp.
- Xu thế một vài năm trở lại đâu, các trường đại học mở ra nhiều ngành đào tạo mới. Trong đó có nhiều ngành không phải là thế mạnh của trường, dẫn tới tình trạng không có sinh viên theo học. Vậy trước khi mở ngành học mới, các trường cần lưu ý điều gì để đảm bảo nguồn lực, chất lượng đào tạo, thưa ông?
Tôi rất hứng thú với cách đặt vấn đề của phóng viên. Các trường đại học hãy làm những gì mà thị trường lao động, xã hội cần hơn là làm những gì đang có. Tuy nhiên rất nhiều ngành các trường đang có, thị trường trước mắt rất cần nhưng không có người học. Chúng ta phải nhìn nhận ở 2 góc độ như vậy.
Năm 2022, Trường Đại học Thủy lợi tuyển sinh 37 ngành và nhóm ngành, trong đó có 6 ngành mới như: An ninh mạng, Kinh tế số và Luật. Đặc biệt có ngành Kỹ sư Thủy lợi tiềm năng, nhà trường vừa nhận quyết định đặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ngành này. Theo đó, tất cả sinh viên theo học ngành này sẽ được Bộ chu cấp toàn bộ kinh phí học tập, chi phí sinh hoạt và sau khi tốt nghiệp ra trường thì công việc làm sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Thủy lợi phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ lo cho các em.
Hiện nay, tất cả các trường khi mở một ngành mới đều đầu tư về con người, kinh phí để xây dựng chương tình đào tạo, trang thiết bị đào tạo, cơ sở vật chất để phục vụ ngành đào tạo đó. Nên trước khi đặt vấn đề mở một ngành học mới, các trường đều có phân tích về xu hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội ít nhất trong 5-10 năm tới như thế nào và đánh giá nhu cầu từng ngành ra sao thì các trường mới tự tin xây dựng đề án và thông báo tuyển sinh chứ không phải không có căn cứ gì khi mở ngành mới.
Riêng khối ngành kỹ thuật, về chất lượng đào tạo, chúng tôi chú trọng phối hợp với nhóm các trường đại học kỹ thuật gồm 7 trường hàng đầu là trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Thủy lợi, Đại học Xây dựng Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, tất cả các kỹ sư đào tạo tại nhóm 7 trường này khi tốt nghiệp sẽ có trình độ tương đương với năng lực bậc 7 - trình độ thạc sĩ. Khi học khối kỹ thuật thuộc nhóm trường này, các em sẽ được công nhận 33 tín chỉ trình độ thạc sĩ. Điều này sẽ có lợi thế lớn khi các em có nguyện vọng học tiếp theo.
- Trước những băn khoăn, lo lắng của thí sinh về những điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay, ông có lời khuyên gì cho các em ở thời điểm này?
Cách đây ít ngày, Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh và hiện nay chúng tôi chưa nhận hướng dẫn cụ thể về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cho nên tôi khuyên các em hết sức bình tĩnh đợi văn bản chính thức của Bộ về quy chế, kế hoạch, quyết định các phương thức lọc ảo như thế nào. Lúc đó các thầy cô sẽ tư vấn tốt nhất để làm sao các em đăng ký được nguyện vọng hợp lý nhất và cơ hội trúng tuyển ngành mong muốn cao nhất.
Tôi tin tưởng các em đã học và tốt nghiệp THPT sẽ đỗ đại học nhưng đỗ ngành nào, trường nào, các em cần cân nhắc. Năm nay, thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển theo hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia và chỉ được đăng ký một lần duy nhất.
Tôi có lời khuyên cho các em, nếu đăng ký nhiều phương thức xét tuyển ở các trường các khác nhau thì khi các em đăng ký trên phần mềm của Bộ, các em phải lưu ý mình đã đăng ký ở trường nào, theo phương thức nào và ngành nào. Quan trọng hơn là các em phải sắp xếp thứ tự ưu tiên như thế nào để trong quá trình lọc ảo. Các em nên đặt ngành mình chắc đỗ và yêu thích nhất phải nằm ở trên. Đấy là lưu ý đặc biệt mà các em phải nhớ và cân nhắc sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên khi đăng ký vào hệ thống thi quốc gia của Bộ GDĐT.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Việc đâu đó có sự nâng đỡ không thể tránh khỏi. Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào các thầy cô phổ thông luôn là những người đặt nền móng để các em bước tiếp. Vậy tại sao chúng ta không có niềm tin vào họ? Tôi mong muốn, chúng ta hãy đặt niềm tin vào hệ thống giáo dục. (Tiến sĩ Trần Khắc Thạc)