'Viettel Money kiến tạo cuộc sống từ quê lên thành phố'

PV 11/01/2022 09:00

Triển khai đầu tháng 12, Viettel Money được xem là bước đi nhằm hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng cuộc sống số cho người dân, kiến tạo xã hội số của Tập đoàn Viettel. Sự ra mắt của tiền di động cùng hệ sinh thái tài chính, thương mại đa dạng cũng giúp tập đoàn này tạo lợi thế để phổ biến phương thức thanh toán không tiền mặt cho đại đa số khách hàng.

Ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel có những chia sẻ xoay quanh sự chuẩn bị và bước đi của Viettel nhằm thực hiện mục tiêu này.

- Viettel có quá trình chuẩn bị triển khai tiền di động (Mobile Money) như thế nào, thưa ông?

Trước khi ra mắt tiền di động tại Việt Nam, Viettel đã có quá trình nghiên cứu, ứng dụng lên đến chục năm với nhiều sản phẩm như BankPlus, ViettelPay. Chúng tôi cũng đầu tư và có kinh nghiệm triển khai các hình thức thanh toán số khác nhau tại 8 quốc gia trên thế giới. Đó là bước đầu để Viettel tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng Mobile Money ở thị trường Việt Nam.

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, hơn 40.000 nhân viên Viettel trên cả nước đã tham gia thử nghiệm sử dụng tài khoản tiền di động để thanh toán, chuyển tiền thay cho các giao dịch tiền lẻ. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi đưa ra đánh giá về chất lượng, trải nghiệm trước khi đưa sản phẩm đến người dùng cuối. Dựa vào những phản hồi từ nhân viên, chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm về luồng trải nghiệm, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và bảo mật cho hệ thống.

- Lợi thế của tập đoàn khi triển khai rộng rãi hình thức thanh toán này là gì?

Nói thêm về khâu chuẩn bị, Mobile Money khi được đưa vào hệ sinh thái của Viettel trước hết phải đảm bảo được yếu tố hạ tầng kỹ thuật và công nghệ. Viettel lại có lợi thế về hạ tầng thông tin mạnh, sóng viễn thông phủ khắp cả nước. Bất kỳ đâu có sóng di động là người dân đã có thể sử dụng dịch vụ của chúng tôi rồi.

Về công nghệ, Viettel Money được phát triển trên nền tảng công nghệ tiên tiến, bảo mật ở mức độ cao nhất, do chính Viettel phát triển và làm chủ. Trong đó, công nghệ lõi tính cước theo thời gian thực (vOCS) có thể xử lý hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày, và có khả năng tích hợp toàn trình các dịch vụ số.

Trong quá trình phát triển hạ tầng hỗ trợ khách hàng, chúng tôi xây dựng hệ thống cùng đội ngũ nhân sự theo dõi chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng 24/7, kết hợp cùng với AI, ChatBot, đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tiêu chuẩn an toàn, bảo mật thông tin cũng được duy trì ở mức độ cao nhất, khi các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, không gian mạng của Viettel đều trực tiếp tham gia kiểm soát an toàn thông tin cho người dùng Viettel Money.

Với mạng lưới điểm giao dịch phủ tới 11.000 xã, Viettel Money đảm bảo ở đâu có sóng viễn thông, nơi đó có hạ tầng dịch vụ số. Tôi nghĩ đây cũng là một sự chuẩn bị mang đến lợi thế cạnh tranh cho Viettel Money.

Song song với đó là chiến lược truyền thông bài bản cho từng nhóm đối tượng khách hàng; cùng chuỗi chương trình khuyến mại hấp dẫn ngay khi ra mắt thương hiệu, khuyến khích khách hàng trải nghiệm và hưởng lợi ngay từ hệ sinh thái thương mại và tài chính số Viettel Money.

- So với các hình thức thanh toán khác, Viettel Money mang lại trải nghiệm khác biệt ra sao?

Viettel Money sở hữu nguồn tiền thanh toán đa dạng hơn cả, trong đó bao gồm: Tài khoản Tiền di động, tài khoản ViettelPay, tài khoản liên kết phục vụ mọi nhu cầu mua bán thường nhật của khách hàng. Trong đó, tiền di động chính là nguồn tiền mới, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai chính thức từ 26/11 vừa qua.

Với Mobile Money, khách hàng Viettel có thể tiếp cận ngay với dịch vụ tài chính số, thanh toán số chỉ với số điện thoại. Chỉ cần 1 chiếc điện thoại "đen trắng" trong tay, khách hàng ấn *998# là đã dễ dàng thực hiện chuyển tiền, mua bán trực tuyến mà không cần đến smartphone hay kết nối Internet. Người dùng không những có thể sử dụng các tiện ích nêu trên thông qua ứng dụng Viettel Money, qua USSD mà còn có thể sử dụng qua website m.vtmoney.vn của chúng tôi.

Tiếp theo là vùng phủ dịch vụ. Thừa kế tiềm lực về mạng lưới viễn thông và cộng đồng người dùng của Viettel, Viettel Money hiện là hệ sinh thái tài chính số có phạm vi phục vụ rộng nhất trên thị trường hiện nay. Không chỉ là 63 tỉnh thành, mạng lưới còn phủ sóng dịch vụ tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đặc biệt, sự chuẩn bị sẵn sàng về không chỉ về mạng lưới mà còn cả hạ tầng, công nghệ giúp Viettel Money lập tức phục vụ mọi nhu cầu của hàng chục triệu khách hàng, mọi lúc, mọi nơi ngay tại thời điểm ra mắt.

Trong vai trò một hệ sinh thái thương mại, tài chính số, Viettel Money là dịch vụ có nhiều tiện ích nhất tính đến thời điểm này, với hơn 300 tiện ích. Tất cả được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng như mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ trong cuộc sống.

- Làm thế nào để hình thức này có thể thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu vùng xa?

Đối với Viettel, việc tiếp cận và phổ cập tài chính số tới nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng tương tự câu chuyện phổ cập dịch vụ viễn thông hàng chục năm về trước. Và đến nay, cũng chính những người dân đó sẽ là đòn bẩy để chúng tôi lan tỏa dịch vụ số mạnh mẽ.

Trước khi nói sâu hơn, chúng ta cần nhìn lại bản chất của Mobile Money. Đây là dịch vụ cho phép người dùng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Người dân cả nước vốn đã quen với tài khoản viễn thông từ rất lâu rồi. Việc sử dụng chính tài khoản viễn thông để mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, từ mớ rau, con cá đến mua hạt giống, phân bón máy móc sản xuất giúp người dân ở nông thôn trải nghiệm ngay cuộc sống không tiền mặt mà chưa cần tới tài khoản ngân hàng, smartphone hay internet. Đây có thể xem là lợi thế đầu tiên giúp người dân tiếp cận dễ dàng với tiền di động so với các loại hình tài chính số khác.

Tiếp đến, với một loại hình dịch vụ mới, chắc chắn không thể thiếu câu chuyện về truyền thông. Viettel đã lên nhiều chiến dịch truyền thông trên các phương tiện báo chí, mạng xã hội để người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể hiểu rõ hơn về dịch vụ của chúng tôi. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 trong hai năm qua cũng khiến chúng ta rất ngại tiếp xúc trực tiếp nên cũng là một cúc huých để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam

Ngoài ra, chúng tôi nghĩ Viettel Money cùng hệ sinh thái đa dạng đủ hấp dẫn người dùng. Việc đăng ký tài khoản cũng rất dễ dàng, chỉ cần có điện thoại, có sim chính chủ là được. So với việc mở tài khoản ngân hàng hay ví điện tử thì đăng ký Viettel Money dễ hơn rất nhiều, giúp người dân phá bỏ rào cản khi tiếp cận với dịch vụ.

Và không chỉ dừng lại ở việc chuyển, nạp, rút tiền, mua bán, Viettel Money còn hoàn thiện hệ sinh thái thương mại, tài chính số với hơn 300 tiện ích như nạp điện thoại, trả tiền điện, nước, mua vé tàu xe, đóng học phí... Từ đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ mở ra cánh cổng kết nối công nghệ, giao thương giữa nông thôn thôn và thành thị.

Chúng tôi cũng triển khai mô hình chợ 4.0 với kỳ vọng phủ khắp 63 tỉnh thành. Đi chợ là thói quen hằng ngày của người dân. Với chợ 4.0 của Viettel Money, bà con đi mua hàng không cần phải mang theo tiền mặt nữa mà chỉ cần điện thoại là đủ. Điều này cũng góp phần thay đổi dần thói quen dùng tiền mặt của người dân, nhất là ở nông thôn.

Nhìn chung, thay đổi thói quen của tập đối tượng này sẽ còn khó khăn nhưng tôi tin với những lợi ích mà hệ sinh thái Viettel Money mang lại thì người dân sẽ đón nhận và hưởng lợi từ dịch vụ.

- Viettel giải quyết nỗi lo về bảo mật của khách hàng khi sử dụng dịch vụ này ra sao?

Như đã nói, Viettel Money được được chúng tôi phát triển trên nền tảng công nghệ tiên tiến do chính Viettel xây dựng và quản lý với các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất. Trong đó, chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS giúp hệ thống hoạt động ổn định, nhanh chóng, đáp ứng số lượng lớn giao dịch và dòng tiền.

Trước khi sử dụng tài khoản Viettel Money, tất cả khách hàng đều được yêu cầu cung cấp danh tính nhằm phục vụ việc xác thực thông tin. Các thông tin của người dùng được bảo mật an toàn tuyệt đối, vì vậy ngay cả khi điện thoại hoặc thẻ SIM bị mất hoặc bị đánh cắp, tiền của người dùng vẫn được giữ an toàn. Ngoài ra, mọi giao dịch đều yêu cầu xác thực 2 lớp gồm mật khẩu do người dùng đặt và mã OTP để đảm bảo an toàn và yên tâm cho người dùng.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người dùng cũng cần phải lưu ý để bảo vệ quyền lợi cho chính mình theo quy tắc 5 không: Không cung cấp mật khẩu Viettel Money và mã OTP cho bất cứ cá nhân, tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào; Không công khai số điện thoại, chứng minh nhân dân, hình ảnh, thông tin tài khoản trên mạng xã hội; Không đặt mật khẩu dễ đoán như ngày tháng năm sinh, dãy số đơn giản (123456...) và nên thường xuyên thay đổi mật khẩu; Không thực hiện giao dịch trên các website, app, link không rõ nguồn gốc; Không sử dụng chung, cho mượn tài khoản Viettel Money.

Nếu tuân thủ theo những điều trên, kể cả khi mất máy thì kẻ gian cũng không thể sử dụng tài khoản để giao dịch được. Nếu trong trường hợp mất điện thoại, khách hàng của Viettel cũng có thể liên hệ trung tâm hỗ trợ 24/7 để khóa dịch vụ, đảm bảo an toàn.

- Ví điện tử đang rất phát triển và phổ biến tại Việt Nam. Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng đây là rào cản cho sự phát triển của tiền di động?

Tôi nghĩ ví điện tử không phải rào cản cho sự phát triển của tiền di động. Ví điện tử đã có mặt trên thị trường từ lâu và khá phổ biến. Bản thân tôi đánh giá hình thức này đã có chỗ đứng và sở hữu tập người dùng nhất định trên thị trường. Tuy nhiên, muốn dùng ví điện tử, người dùng phải có tối thiểu một tài khoản ngân hàng liên kết. Mobile Money thì không. Tôi cho rằng khi Viettel Money cùng với tài khoản tiền di động ra đời, mọi người nên nghĩ đây là một phương thức thanh toán mới với những tiện ích mới. Cho nên, một khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng song song cả internet banking, ví điện tử lẫn Mobile Money nói chung hay đối với Viettel là Viettel Money. Điều này rất bình thường.

Với hạn mức tiền di động là 10 triệu đồng mỗi tháng hiện nay, nhiều người lo ngại sẽ hạn chế thói quen chi tiêu lớn của khách hàng trẻ tuổi. Thực tế đây là hạn mức được áp dụng trong hai năm thử nghiệm dịch vụ. Viettel Money được tạo ra với mong muốn thay đổi thói quen thanh toán của người dùng, giúp họ làm quen với thanh toán không tiền mặt với những khoản tiền nhỏ như cà phê, ăn sáng, gửi xe, đi chợ. Thay vì rút tiền mặt thì có thể rút điện thoại để thanh toán, nên tôi nghĩ 10 triệu vẫn là đủ để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Khi nhu cầu của người dùng cao hơn thì trên hệ sinh thái của Viettel Money, mọi người có thể nâng cấp lên những hạn mức cao hơn như 100 triệu đồng thông qua ngân hàng số.

Viettel Money được tạo ra với mong muốn giúp người dùng làm quen với thanh toán không tiền mặt với những khoản chi nhỏ.

- Kỳ vọng của ông về sự phát triển của Mobile Money tại Việt Nam?

Chúng tôi kỳ vọng Viettel Money sẽ thay đổi thói quen của người dân, từ phương thức giao thương truyền thống sang mua bán và giao dịch không sử dụng tiền mặt.

Ngoài ra, trong vai trò của một hệ sinh thái thương mại, tài chính số toàn diện, Viettel Money với hạt nhân là Mobile Money sẽ phục vụ tối đa mọi nhu cầu mua bán, thanh toán của khách hàng. Việc đa dạng hóa tiện ích, và tối ưu hóa mọi điểm chạm trải nghiệm của khách hàng, từ giao dịch đơn giản nhất như nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện nước, đến việc mua vé máy bay, tàu xe, mua bảo hiểm, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đều đang từng bước kiến tạo cuộc sống mới cho mọi tầng lớp người dân Việt Nam.

Đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới, việc mở ra những cơ hội giao thương, kinh tế cho người dân được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất. Theo đó, Viettel Money sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính, xóa nhòa khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ. Để người dân từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng tới miền núi, hải đảo xa xôi đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán chỉ với số điện thoại.

Là sản phẩm của trí tuệ Việt, phục vụ người Việt, Viettel Money mang tới giải pháp công nghệ tài chính hiện đại, hỗ trợ toàn diện đời sống người dân và đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế, xã hội tại Việt Nam.

PV