Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: An toàn đặt lên hàng đầu

Đức Trân 18/04/2022 07:09

Sáng 17/4, đồng bộ 30 quận, huyện của thành phố Hà Nội bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại một số điểm tiêm cho thấy, những quy trình tiêm vaccine cho trẻ tại đây được chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm ngặt.

Để triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, mọi quy trình đã được chuẩn bị rốt ráo đảm bảo an toàn nhất cho trẻ. Ảnh: MINH QUYẾT

Chuẩn bị chu đáo

Học sinh lớp 6 của Trường Nguyễn Trãi và Trường THCS Nguyễn Tri Phương(quận Ba Đình) được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong ngày 17/4. Mặc dù trời mưa lạnh nhưng từ sáng sớm các thầy cô giáo và nhân viên y tế quận Ba Đình có mặt tại đây chuẩn bị chu đáo, quy trình thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine cho học sinh.

Theo ghi nhận, một số phòng học của Trường THCS Nguyễn Trãi được bố trí để chuyển thành khu vực chờ, phòng đón tiếp, phòng khám sàng lọc trước tiêm, phòng tiêm và theo dõi sau tiêm đảm bảo khoảng cách, thông thoáng. Phụ huynh và học sinh của 2 trường được hướng dẫn và đọc kỹ hướng dẫn để đăng ký tiêm và đảm bảo sức khỏe sau tiêm. Nhiều phụ huynh cho biết rất yên tâm và cũng động viên con giữ tinh thần thoải mái khi tiêm.

Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn tới các bậc phụ huynh khi đưa con em đi tiêm cần phải chia sẻ đầy đủ thông tin tiền sử của trẻ cho cán bộ y tế như tiền sử dị ứng, bệnh nền mãn tính... để các bác sĩ có hướng dẫn và chỉ định cụ thể về điểm tiêm tại bệnh viện (với trẻ có bệnh lý tim mạch…) nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, để có điều kiện chăm sóc và đánh giá sức khỏe của trẻ trước khi tiêm cũng như tư vấn các phản ứng sau tiêm. Đối với trẻ mắc các bệnh mạn tính thông thường như béo phì hoặc những triệu chứng không đặc biệt thì các bác sĩ có thể chỉ định tiêm chủng ngay tại trạm y tế hoặc tại trường học mà vẫn bảo đảm an toàn cho trẻ.

Chị Trần Minh Ngọc (phụ huynh đưa con đi tiêm) chia sẻ: Con tôi chưa mắc Covid-19 nên khi con bắt đầu đi học lại gia đình không yên tâm và rất mong chờ đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 này cho trẻ nhỏ. Từ sáng sớm, vợ chồng tôi đã đưa cháu đến trường để mong được sớm để nhanh chóng được tiêm mũi 2 để yên tâm đi học”

Cháu Nguyễn Đức Nghĩa (học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Trãi) cho hay: Lúc đầu thì cháu cũng hơi lo lắng, nhưng đến đây thấy nhiều bạn nên con hết lo lắng. Tiêm vaccine xong, con muốn sẽ bảo vệ con khỏi Covid-19, sẽ không lây cho những người xung quanh.

Theo ghi nhận, trong ngày 17/4, 150 học sinh lớp 6 của 2 trường được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong đợt này. Bà Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình cho biết: Nhà trường chuẩn bị chu đáo nhất từ cơ sở vật chất, các thiết bị phòng, chống dịch, các điều kiện về bàn ghế sân bãi để đón tiếp. Mục tiêu của nhà trường là phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và đồng thời phối hợp với các y, bác sĩ điều phối điểm tiêm, để làm sao đảm bảo an toàn trong việc tiêm vaccine để cho phụ huynh và học sinh yên tâm khi đến điểm tiêm.

Tại một điểm tiêm khác tại quận Hà Đông, ông Bùi Đức Quang - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hà Cầu, quận Hà Đông cho biết: Trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19, chúng tôi phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về tác dụng, lợi ích khi tiêm vaccine. Thứ hai theo dõi trước khi các cháu tiên phải cần làm gì. Sau khi tiêm xong phải theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.

Được biết, toàn quận Hà Đông có 54.393 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong độ tuổi vaccine phòng Covid-19, tuy nhiên qua khảo sát có khoảng 54% trẻ đã mắc Covid-19 và theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ phải sau từ 3 -6 tháng mới tiêm vaccine.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Hà Nội ngày 17/4. Ảnh: Minh Quyết

Đặc biệt quan tâm đến trẻ có bệnh

Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề an toàn tiêm chủng, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: Trong quá trình tiêm chủng đặc biệt quan tâm tới đối tượng trẻ mắc bệnh bẩm sinh, trẻ có bệnh lý nền, trẻ béo phì hay là trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt là những cháu có tiền sử dị ứng thì đều được khám sàng lọc và phân loại bệnh. Chúng tôi cho rằng cần phải quan tâm đến vấn đề an toàn tiêm chủng, để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em khi thực hiện tiêm chủng. Tất cả những nội dung về mặt chuyên môn ngành y tế đã sẵn sàng phục vụ cho các cháu từ 5 đến dưới 12 tuổi thật sự nhanh nhất, sớm nhất, nhưng an toàn nhất.

Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố có hơn 1.000.000 trẻ thuộc diện tiêm vaccine phòng Covid-19 trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó có hơn 157.000 trẻ thuộc khối mẫu giáo; 744.200 trẻ thuộc khối tiểu học và hơn 102.000 trẻ thuộc khối THCS. Qua thống kê, có hơn 6 nghìn 600 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi không đi học nhưng sinh sống trên địa bàn thành phố.

Theo dự kiến đợt tiêm chủng lần này sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày. Ngành y tế Thủ đô đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, tuyến thành phố để tham gia ứng trực tại các điểm tiêm chủng. Đồng thời, Hà Nội cũng tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng lần này.

Phạm vi triển khai thực hiện theo nguyên tắc triển khai đồng loạt toàn thành phố theo lộ trình hạ dần lứa tuổi. Các khối lớp 6 sẽ tiêm trước, tiếp đó tiêm lần lượt từ khối 5 đến khối 1 và cuối cùng đến trẻ 5 tuổi.

PGS. TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Theo dõi sức khỏe của trẻ ít nhất 3 ngày sau tiêm

Các phản ứng thường gặp ở trẻ là đau đầu, tiêu chảy, đau tại vị trí tiêm, cảm thấy mệt mỏi, có thể ớn lạnh, sốt… Tuy nhiên, các phản ứng này xuất hiện ở liều tiêm thứ 2 nhiều hơn liều tiêm thứ 1. Ngoài ra, trẻ còn gặp các phản ứng như: Buồn nôn, sưng tấy tại chỗ tiêm với tỷ lệ gặp ít hơn, khoảng dưới 10%. Các trường hợp hiếm gặp hơn là nổi hạch, quá mẫn khi phát ban, ngứa, mề đay, mất ngủ, một số trẻ ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm. Riêng các phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ… chỉ xuất hiện với tỷ lệ từ 1/100.000 hay 1/1.000.000.

Chính vì có thể gặp những phản ứng trên, nên trước khi đưa trẻ đi tiêm, các bậc phụ huynh phải theo dõi sức khỏe của trẻ xem các cháu có ăn uống, ngủ, nghỉ ngơi, sinh hoạt bình thường không, đặc biệt với trẻ 5 - 6 tuổi. Đối với trẻ lớn hơn thì theo dõi trẻ có bị mắc các bệnh về viêm đường hô hấp hoặc điều gì bất thường về sức khỏe thì chưa nên đưa trẻ đi tiêm.

Sau khi tiêm chủng, cần theo dõi sức khỏe của trẻ ít nhất trong 3 ngày. Cụ thể, những phản ứng bất thường xảy ra sau khi tiêm luôn ghi nhận sau khi tiêm 30 phút. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh phải để trẻ ở lại điểm tiêm theo dõi sức khỏe trong 30 phút, đây thời điểm quan ngại nhất với phản ứng phản vệ. Phản ứng này phải được phát hiện và xử trí hết sức kịp thời để bảo đảm an toàn cho trẻ.

TS. BS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Tiêm vaccine để nhanh chóng kiểm soát dịch

Một vài gia đình cho rằng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp, nếu mắc đa số là nhẹ nên không có ý định cho con tiêm vaccine phòng Covid-19. Điều này chưa thực sự đúng, trong giai đoạn chủng Delta lưu hành thì tỷ lệ trẻ em mắc thấp hơn so với người lớn nhưng đến khi số lượng người lớn được tiêm chủng ở mức cao thì số ca nhiễm, mắc bệnh ở trẻ nhỏ lại tăng cao hơn do chưa có được sự bảo vệ từ vaccine.

Khi chủng Omicron lưu hành thì tỷ lệ mắc ở trẻ em tăng rất cao so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, đa số là nhẹ, chủ yếu là tình trạng sốt cao và ho là phổ biến trong khi các biến chứng nặng ít được ghi nhận nếu so với người lớn, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Tuy nhiên, các bằng chứng tại một số quốc gia nơi lưu hành Omicron ở giai đoạn sớm lại cho thấy tỷ lệ biến chứng hậu Covid-19 lại tăng cao, có nơi ghi nhận tỷ lệ này lên tới 20% số ca mắc. Đây chính là điểm đáng ngại nhất bởi các biến chứng hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng tới việc phát triển và học tập của trẻ em.

Trong khi đó, vaccine phòng Covid-19 dù không chống được lây nhiễm nhưng vẫn đảm bảo việc giảm các triệu chứng nặng, tử vong cũng như giảm nguy cơ hậu Covid-19.

Ngoài ra, vaccine phòng Covid-19 giúp trẻ phục hồi nhanh hơn sau khi mắc cũng như giảm thời gian tiếp tục lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, việc tiêm phòng Covid-19 cho trẻ nhỏ vẫn cần thiết và nên được khuyến khích để nhanh chóng kiểm soát dịch và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường sớm hơn.

Đ.Trân(ghi)

Đức Trân