Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt

Nghĩa Văn 18/04/2022 07:12

Để hạn chế ảnh hưởng do thiên tai, về lâu dài, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình thủy lợi hư hỏng do thiên tai từ 2020 đến nay, phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu giải pháp chống lũ thượng nguồn sông Ô Lâu, nghiên cứu thêm giải pháp tiêu thoát lũ chủ động của tỉnh Quảng Trị tại các khu vực thấp trũng.

Ông Lê Văn Đương xác định vụ nuôi cá bớp này trắng tay vì mưa lũ.

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, vào giữa tháng 4/2022 trên một số cánh đồng tại tỉnh Quảng Trị lúa vẫn đang còn bị ngập sâu trong nước. Việc bị ngập trong nước lâu ngày khiến cho cây cối bắt đầu thối và bốc mùi hôi. Những diện tích lúa này đã được xác định là mất trắng.

Anh Rôn (trú xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng) cho biết, cây trồng tại địa phương cũng bị ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua, đối với diện tích lúa chưa trổ đồng và bị ngập 2-3 ngày thì đã mất trắng. Số còn lại bị ngập trong thời gian ít hơn thì đang trổ bông, tuy nhiên chưa thể biết năng suất và chất lượng lúa ở diện tích này ra sao.

Ông Lê Văn Đương (trú khu 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) cho hay, vụ nuôi cá bớp năm nay gia đình ông và các hộ lân cận đều bị trắng tay, bởi 9 lồng cá bớp nuôi được gần 2 tháng với trọng lượng từ 150 - 170 gram/con đã chết gần hết. Mỗi vụ cá bớp nuôi khoảng 7 tháng mới có thể thu hoạch, nếu bây giờ nuôi lại thì sợ gặp mùa mưa lũ 2022 nên ông Đương quyết định không gối vụ mà vệ sinh lồng chờ vụ năm tới.

Thống kê, đợt mưa lũ bất thường diễn ra từ 31/3 - 2/4 tại tỉnh Quảng Trị đã khiến 1 người chết; 820 ngôi nhà bị ngập; hơn 11.600 ha lúa bị ngập úng, đổ rạp, nguy cơ mất trắng; gần 3.100 ha ngô, hơn 2.100 ha hoa màu bị đổ ngã, hư hại, hàng trăm ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Tổng mức thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính gần 800 tỷ đồng.

Theo ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục theo dõi tiến triển của diện tích lúa, cây trồng các loại bị ngập trong đợt mưa lụt vừa qua để đánh giá mức độ thiệt hại và trong tuần tới sẽ có kết quả. Trước mắt, huyện lên phương án, đối với diện tích mất mùa từ 40% trở lên sẽ động viên bà con tiêu hủy và dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng để sẵn sàng cho việc sản xuất vụ hè thu trái vụ và lấy đây làm vụ chính trong năm nay. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo lực lượng chức năng hướng dẫn và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ chi phí để bà con mua vôi về vệ sinh đồng ruộng tránh bị ngộ độc hữu cơ.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị vừa chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng, địa phương bàn giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, giải pháp trước mắt cần khẩn trương hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư, phân bón, hóa chất... để người dân ổn định sau thiên tai, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ một phần để người dân các địa phương tái sản xuất kịp thời vụ. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ số lượng giống cho mùa vụ, tỉnh sẽ đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ bổ sung, cùng với đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành lịch thời vụ phù hợp với từng vùng, từng loại giống trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị các ngành chức năng, địa phương cần xác định rõ các giải pháp ngắn hạn, dài hạn trong khắc phục thiên tai. Cần tập trung hỗ trợ lương thực cho người dân trong vùng thiệt hại. Bên cạnh đó, tập trung cho công tác vệ sinh đồng ruộng, khôi phục, xử lý khu vực bị ô nhiễm do mưa lũ. Tiếp tục kiểm đếm thiệt hại mưa lũ tại các địa phương một cách chính xác, khách quan, công khai minh bạch... để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh cùng ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ngân hàng Trung ương có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất do thiên tai, dịch bệnh cho người dân. Về lâu dài, phía UBND tỉnh Quảng Trị sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của Trung ương, các chuyên gia để có phương án chuyển đổi sinh kế, mô hình sản xuất phù hợp với giai đoạn biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Nghĩa Văn