Nhiều trường mầm non ‘từ chối’ đón trẻ vì thiếu giáo viên
Dù trường học đã mở cửa trở lại nhưng các trường mầm non, chủ yếu là các trường ngoài công lập đang đứng trước khó khăn thiếu hụt giáo viên, cơ sở vật chất.
Gần 1 năm phải tạm thời đóng cửa do dịch bệnh, nhiều trường mầm non tư thục phải giải thể, rao bán hoàn toàn hoặc bán một phần đồ đạc, cơ sở vật chất. Còn giáo viên mầm non rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều cô đã có quyết định chuyển nghề.
Thế nên, sau một tuần các trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội mở cửa trở lại, nhiều trường mầm non ngoài công lập hoạt động cầm chừng vì thiếu giáo viên, cơ sở vật chất.
Giáo viên không còn mặn mà
Sau một tuần trở lại trường học, trẻ mầm non khá phấn khởi. Đưa con đến trường từ sớm để kịp giờ làm, chị Lưu Thảo Trang, phụ huynh học sinh lớp 3 tuổi Trường Mầm non An preschool, chi nhánh Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) cho biết: “Con được đi học cả nhà đều mừng. Ở trường con được múa hát, học các kỹ năng cùng các bạn nên từ hôm được đi học, ngày nào con cũng rất vui”.
Trẻ được đến trường học trực tiếp còn là niềm vui chung của các cô giáo mầm non song tại thời điểm này, đại diện Ban Giám hiệu Hệ thống Trường Mầm non An preschool chia sẻ: “Các trường mầm non đã quá vất vả, khó khăn trong thời gian dài phải đóng cửa do dịch bệnh nhưng giờ trẻ quay lại trường, các trường lại có những khó khan riêng”.
Ban Giám hiệu hệ thống trường này cho biết, dù đảm bảo chế độ cho giáo viên trong suốt thời gian nghỉ dịch nhưng đến thời điểm này 20% số giáo viên của trường đã nghỉ việc và chuyển hẳn sang một công việc mới.
Số lượng giáo viên giảm, trong khi số trẻ hiện có trở lại trường trong tuần đầu tiên khá đông nên Hệ thống Trường Mầm non An preschool không nhận học sinh mới mà chờ tới đầu tháng 5.
“Chúng tôi phải chậm lại một nhip để kiện toàn giáo viên và cơ sở vật chất”, đại diện hệ thống trường cho hay.
Sau tuần đầu mở cửa trường học, nhóm lớp mầm non Bầu trời xanh (quận Hoàng Mai) chỉ có 4 giáo viên quay trở lại làm việc. Để bảo đảm giáo viên trông trẻ, nhóm lớp đã đăng thông tin tuyển dụng nhưng đến nay không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Cô giáo Đỗ Thị Hiền, chủ nhóm lớp mầm non Bầu trời xanh cho hay, vì thiếu giáo viên nên nhóm trẻ chưa nhận đón trẻ từ 2 đến 4 tuổi. Hiện nhóm trẻ này chỉ có thể hoạt động cầm chừng với 2 lớp dành cho trẻ mầm non 5 tuổi.
“Công việc của giáo viên mầm non vốn đã nhiều áp lực, lương không cao nên khi dịch bệnh kéo dài các cô giáo đã phải đi tìm công việc mới. Nhiều cô tìm được việc phù hợp hơn với mức lương tương đối bảo đảm cuộc sống. Chính vì vậy mà các cô không muốn quay lại với nghề. Trường đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề thiếu giáo viên”, cô Hiền cho biết.
Quận Hà Đông là một trong số quận có lượng trường mầm non ngoài công lập lớn nhất Hà Nội. Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GDĐT Hà Đông cho biết, đợt dịch vừa qua nhiều trường không hoạt động nhưng vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng. Không thể cầm cự lâu, 30/280 trường mầm non, nhóm lớp tư thục trên địa bàn phải giải thể.
Theo bà Hằng, các cơ sở giáo dục mầm non còn gặp khó khăn khi thiếu hụt hơn 300 giáo viên, trong đó có 113 giáo viên thuộc diện biên chế của các trường công lập; khoảng 30% giáo viên chuyển công việc khác và không có nhu cầu dạy học trở lại.
Ưu tiên trẻ 5 tuổi
Do không đủ kinh phí hoạt động nên 1 trường mầm non tư thực và 61 nhóm trẻ ở quận Hoàng Mai bị giải thể. Các trường tư thục còn lại trên địa bàn đang khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GDĐT quận Hoàng Mai, số lượng trẻ từ các trường bị giải thể dồn lại làm tăng nhu cầu cần gửi, trong khi hầu hết các trường không đủ giáo viên đứng lớp. Việc này dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa thể đến trường, đặc biệt trong độ tuổi 3 - 4 tuổi có được suất học rất khó khăn.
Hiện quận Hoàng Mai ưu tiên chỉ đạo các trường công lập và tư thục còn hoạt động khẩn trương tiếp nhận, sắp xếp lớp cho các bé 5 tuổi đến trường, đảm bảo trẻ hoàn thành chương trình học đúng thời điểm, đủ điều kiện, kỹ năng trước khi chuyển tiếp lên lớp 1 vào năm học tới.
Là địa bàn có lượng dân cư đông, trường công lập đang quá tải nên quận Nam Từ Liêm phải dựa nhiều vào hệ thống mầm non tư thục để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Theo thống kê, toàn quận Nam Từ Liêm có 50 trường mầm non với 23.585 trẻ. Trong đó, trường công lập 9.056 trẻ, trường ngoài công lập 5.104 trẻ, nhóm lớp tư thục độc lập lên tới 9.425 trẻ.
Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GDĐT quận Nam Từ Liêm thông tin, hiện quận có 10 nhóm lớp thông báo giải thể. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, phòng GDĐT ưu tiên chỉ đạo cho các trẻ ở trường bị giải thể chuyển về học tại các trường công lập. Phụ huynh có thể gửi con học trường công lập hoặc hệ thống ngoài công lập theo nguyện vọng. Phòng cũng khuyến khích các chủ đầu tư nhanh chóng thành lập mới các cơ sở mầm non tư thục để cân bằng lại cung và cầu.
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, hiện thành phố có hơn 525.000 trẻ mầm non, trong đó số trẻ theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000 trẻ. Trong những ngày đầu mở cửa trường học, mới chỉ có trên 70% trẻ mầm non đến trường nên các cơ sở giáo dục vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ khó khăn nếu trẻ đến trường đủ trong thời gian tới.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên, theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, Sở sẽ báo cáo UBND thành phố có phương án thi tuyển viên chức để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.