Điều kiện để học hệ hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị năm 2022?
Đối với đối tượng hệ hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu ứng viên phải có bằng tốt nghiệp cấp trước ngày 9/7/2021 một số chuyên ngành trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Kế hoạch số 60-KH/BTCTW, ngày 28/2/2022 về việc đào tạo cao cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng cán bộ năm 2022.
Đào tạo cao cấp lý luận chính trị
Theo Kế hoạch đã ban hành, trong năm 2022 cả nước sẽ tổ chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 12.312 học viên (221 lớp), trong đó có: 94 lớp hệ tập trung, 93 lớp hệ không tập trung và 34 lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị.
Đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo sẽ theo Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Ban Bí thư.
Riêng đối với đối tượng hệ hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị, ứng viên theo học cần phải đáp ứng thêm một trong các tiêu chuẩn (bằng tốt nghiệp cấp trước ngày 9/7/2021):
(1) Tốt nghiệp đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (gồm cả Học viện Trung tâm và các học viện chính trị khu vực). Tốt nghiệp sau đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền;
(2) Tốt nghiệp đại học văn bằng 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền các chuyên ngành: Triết học Mác-Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Kinh tế chính trị học Mác-Lênin; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; Chính trị học;
(3) Tốt nghiệp đại học và đã được cấp giấy xác nhận tương đương trình độ cao cấp lý luận chính trị của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trước ngày 1/6/2016 cho các trường hợp khi đi học là sinh viên, không thuộc đối tượng học cao cấp lý luận chính trị;
(4) Đối tượng học hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị của lực lượng vũ trang sẽ bao gồm: cán bộ dân sự; cán bộ chiến sĩ đã chuyển ngành sang cơ quan dân sự; cán bộ lực lượng vũ trang biệt phái sang cơ quan dân sự; cán bộ lực lượng vũ trang....
Theo Ban Tổ chức Trung ương, việc đào tạo cao cấp lý luận chính trị sẽ thực hiện theo nguyên tắc: tăng đào tạo hệ tập trung, giảm đào tạo hệ không tập trung, thực hiện theo tỷ lệ tập trung/không tập trung là 1/1,2. Về số lượng, lớp tập trung không quá 50 học viên/lớp, lớp không tập trung và lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị không quá 60 học viên/lớp.
Thực hiện xét cử cán bộ đi học đúng số lượng chỉ tiêu phân bổ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, nhất là với hệ tập trung. Sau khi khai giảng lớp cao cấp lý luận chính trị không được thay thế, bổ sung học viên. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương khi cử 1 cán bộ đi học hệ tập trung thì được cử 1,2 cán bộ học hệ không tập trung.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Trung ương cũng yêu cầu cần tập trung đổi mới công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Theo đó, sẽ thực hiện đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các học viện chính trị khu vực, hạn chế tổ chức lớp không tập trung tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ban Tổ chức Trung ương sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát để đảm bảo đào tạo đúng chỉ tiêu, đối tượng, tiêu chuẩn, nếu có sai sót sẽ đề nghị xem xét, xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tiếp tục thực hiện chủ trương thí điểm mở lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (nếu đủ các điều kiện đảm bảo cho việc mở lớp).
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương khảo sát, xây dựng kế hoạch thí điểm để tổ chức các lớp cho phù hợp, hiệu quả, chất lượng.
Bồi dưỡng cán bộ
Trong năm 2022 sẽ có 32 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng, bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo chức danh, trong đó: 2 lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; 4 lớp bồi dưỡng phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; 6 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp ủy cấp tỉnh và tương đương; 20 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp ủy cấp huyện và tương đương.
Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng theo hướng thiết thực, cập nhật kiến thức và đáp ứng yêu cầu người học trong tình hình mới.
Đối với bồi dưỡng nghiệp vụ, cần giảm tối đa lý thuyết, tăng nội dung chuyên môn, nghiệp vụ mới, xử lý tình huống. Đối với bồi dưỡng chức danh, nội dung cần đổi mới theo hướng cập nhật trí thức, kỹ năng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ.
Ban Tổ chức Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các cơ sở đào tạo và cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn hệ thống chính trị.