Vì sao giá dầu mỏ neo cao?

Thanh Đức 19/04/2022 10:02

Thị trường năng lượng toàn cầu sẽ rơi vào thời kỳ đen tối nếu không có dầu mỏ Nga - đó là nhận định của người đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khi nói về việc các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới. Và như vậy, giá dầu mỏ vẫn chưa thể hạ nhiệt. Bằng chứng là ngày 18/4, trung bình giá dầu mỏ trên thị trường thế giới là 107 USD/thùng.

Giá xăng tại Mỹ tăng cao suốt hơn 2 tháng qua. Ảnh: Reuters

Trước tình trạng giá dầu mỏ neo cao và kéo dài, Tổng thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo, đã cảnh báo các quan chức Liên minh châu Âu (EU) rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại và trong tương lai (nếu có) nhằm vào dầu mỏ của Nga có thể tạo ra những cú sốc lớn đối với thị trường năng lượng thế giới. “Nếu vậy, thị trường dầu mỏ sẽ bước vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử”- ông Barkindo nói.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang thiếu hụt khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày do các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga. OPEC cho biết, biến động trên thị trường những tháng gần đây nằm ngoài tầm kiểm soát của tổ chức này, và các nước châu Âu phải có trách nhiệm hơn trước khi đòi hỏi OPEC và OPEC+ tăng sản lượng khai thác.

Theo hãng tin RT, nếu EU tiếp tục cùng Mỹ và Anh thực hiện lệnh cấm vận đối với các sản phẩm năng lượng của Nga, thì châu Âu sẽ chịu hậu quả trước tiên và lâu dài. Sau đó, Mỹ cho dù đã mở kho dầu dự trữ và mở cửa khai thác mỏ thì cũng không thể xoay chuyển tình thế. “Nền công nghiệp của Đức - đầu tàu của EU, có thể sự sụp đổ nếu họ mất đi nguồn cung dầu khí từ Nga. Nhiều nước châu Âu khác cũng sẽ lâm vào tình cảnh tương tự”- bình luận trên RT.

Theo tính toán của William Jackson- Kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi của Capital Economics, trong năm 2021 Nga đã bán khoảng 100 tỷ USD dầu và khí đốt cho châu Âu.

Kinh tế châu Âu được dự báo đối mặt với khó khăn nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc thiệt hơn khi tính toán các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Meghan O'Sullivan - Giám đốc Dự án Địa chính trị năng lượng (Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard) nêu ý kiến: "Châu Âu và Nga có mối quan hệ năng lượng sâu sắc. Vị thế quan trọng của Nga trên thị trường dầu mỏ toàn cầu là một hạn chế lớn đối với những người muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn".

Trong tình thế đó, bất chấp Nghị viện châu Âu nỗ lực với lệnh cấm vận toàn bộ đối với việc nhập khẩu dầu, than, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hạt nhân của Nga, thì không ít quốc gia EU đã phải tìm cách “tự cứu” khi không muốn tham gia điều này. Chẳng hạn như Hungary và Slovakia đã tuyên bố rằng họ có kế hoạch bỏ qua lệnh cấm để tự bảo vệ nền kinh tế của mình.

Thực tế cho thấy, từ ngày 24/2 khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, thị trường khí đốt giao ngay lập tức tăng vọt. Tới ngày 7/3, giá dầu thô trung bình lên tới gần 130 USD/thùng, được coi là “mốc lịch sử”. Trước đó, đầu năm 2020 thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19, giá dầu thô trung bình 40 USD/thùng.

Cũng chính vì lẽ đó, “cuộc chiến dầu mỏ” mà đại diện một bên là Nga còn bên kia là Mỹ và EU đang ở thế giằng co. Mới đây, Ngoại trưởng các nước thành viên EU đã không nhất trí được lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tiếp tục.

“Trước hết, chúng tôi đã thảo luận về việc làm thế nào để đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện hành, tránh những lỗ hổng trong quá trình thực thi. Nhưng chúng tôi cũng đã thảo luận về các bước đi mới có thể thực hiện, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với dầu khí của nước Nga” - ông Borrell nói và cho biết thêm, Ngoại trưởng các nước thành viên EU đã đồng ý tiếp tục thảo luận mà không đưa ra thêm những biện pháp cấm vận.

Nga hiện cung ứng 40% khí đốt nhập khẩu cho EU - nguồn năng lượng thiết yếu cho sưởi ẩm hộ gia đình cũng như sản xuất tại các nhà máy. Lượng khí này tương đương với 25% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả khối. Nhưng có thể mọi chuyện sẽ thay đổi theo chiều hướng khác.

Trong khi đó, người ta thấy rằng dòng năng lượng của Nga đang chảy sang Ấn Độ. Ấn Độ trước đây chưa bao giờ là khách hàng lớn của Nga dù New Delhi phải nhập khẩu tới 80% nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong nước.

Hàng năm, lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm từ 2-5% tổng mức nhập khẩu. Năm 2021, Ấn Độ chỉ nhập 12 triệu thùng dầu của Nga, phần lớn dầu nhập khẩu đến từ các nước như Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Nigeria.

Nhưng lượng dầu thô Nga cung ứng cho Ấn Độ đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo Matt Smith - chuyên gia hàng đầu về dầu mỏ của Hãng tư vấn Kpler, kể từ đầu tháng 3, đã có 5 chuyến tàu chở 6 triệu thùng dầu của Nga lên đường tới Ấn Độ, tương đương với 50% lượng dầu nhập khẩu của cả năm ngoái. Lợi nhuận có thể là nguyên nhân chính.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), dầu phẩm cấp cao Urals của Nga đang được mời chào với mức chiết khẩu cao kỷ lục, với mức giá rẻ hơn từ 25-30 USD/thùng so với dầu Brent.

Thanh Đức