Đắk Lắk: Phụ nữ xã Ea Nuôl giúp hội viên thoát nghèo
Trong thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực giúp hội viên nghèo, đặc biệt là chị em người đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Hội LHPN xã Ea Nuôl, (huyện Buôn Đôn) có 17 chi hội, với 1588 hội viên. Trong đó, hội viên người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50,56% số hội viên toàn xã. Thu nhập của chị em chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nên đời sống còn nhiều khó khăn, số hội viên nghèo chiếm tỷ lệ cao (51%).
Chị H’Điệp Byă, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) cho biết, để giúp hội viên giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, trong thời gian qua Hội LHPN xã đã chỉ đạo các Chi hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nhất là chị em người đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi các phương thức sản xuất, từng bước vượt khó, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”.
Cùng với đó, rà soát số hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương.
Đơn cử như trường hợp của chị H’Nao Bkrông, hội viên thuộc Chi hội phụ nữ buôn Ea Mdhar 1A, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn: 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng và 3 sào cà phê già cỗi, mỗi năm chỉ thu được từ 10 đến 12 triệu đồng. Không đủ ăn chồng chị phải đi phụ hồ để có tiền trang trải cuộc sống. Bản thân chị không biết trồng cây gì và nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2018 chị H’Nao Bkrông được Hội LHPN xã Ea Nuôl, đứng ra tín chấp Ngân hàng Seabank giúp cho chị vay 30 triệu đồng để chuyển đổi cây trồng. Nhờ đó vườn cà phê già cỗi của chị nay thay thế bằng vườn quýt sai trĩu quả.
Tiếp đến năm 2020, chị H’Nao Bkrông tiếp tục được Hội LHPN xã Ea Nuôl, (huyện Buôn Đôn) hỗ trợ 10 con thỏ giống, giúp chị về kỹ thuật chăm sóc thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đàn thỏ của chị mới chăm sóc hơn 1 năm đã sinh được 6 lứa. Thỏ con sau 1 tháng nuôi chị bán với giá từ 120 đến 140 nghìn đồng/cặp. Thỏ không sinh sản được chị nuôi bán thịt với giá 70 đến 75 nghìn đồng/1kg.
Nhờ có nguồn hỗ trợ này, gia đình chị không chỉ cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn có thêm chi phí để trang trải cuộc sống. Từ ngày có khoản thu từ vườn quýt và đàn thỏ, gia đình chị H’Nao Bkrông không những trả được hết số nợ vay Ngân hàng, mà còn cất giữ được 70 đến 80 triệu đồng/1 năm.
Cùng cảnh ngộ với chị H’Nao Bkrông, chị Lương Thị Lan, hội viên nghèo thuộc chi hội phụ nữ thôn Hòa Thanh xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) cũng chia sẻ: Năm 2017 chị Lan được Hội LHPN xã hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, hai vợ chồng chị mừng rớt nước mắt, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, con nhỏ, ruộng không có, cả nhà (4 người) chỉ trông vào 3 sào cà phê, năm được mùa thì mất giá, anh chị phải chạy ăn từng bữa.
Trong lúc khó khăn, được Hội LHPN xã hỗ trợ 1 con bò sinh sản để khởi nghiệp, chị Lan mừng như bắt được vàng. Không chỉ được hỗ trợ bò, Hội LHPN xã còn tạo điều kiện cho chị tham gia tập huấn về cách chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Nhờ đó, mỗi năm con bò cái sinh ra được 1 con bê, cứ thế đến nay đàn bò của chị đã phát triển lên 7 con. Những con bê con nay đã trở thành bò mẹ. Cuộc sống chị Lan không còn khó khăn như trước.
Đầu năm 2021 chị đã hỗ trợ cho chị H’Điêm Niê, hội viên nghèo ở chi hội Buôn Niêng 2, xã Ea Nuôl, một con bò sinh sản với mục đích giúp chị em nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với các trường hợp nêu trên, Hội LHPN xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) còn giúp nhiều hội viên phụ nữ nghèo khác xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả cao. Điển hình như: mô hình nuôi heo sinh sản của chị H’Đer niê và chị H’ Nớt Knul ở Buôn Niêng 3; mô hình nuôi gà siêu trứng của chị Phùng Thị Thùy ở thôn Hòa Nam 1; Mô hình trồng rau sạch của Nguyễn Thị Nguyễn Quý ở thôn Hòa Phú; mô hình trồng cà pháo của chị Hà Thị Du ở thôn Hòa Thanh; mô hình trồng ớt của chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Tân Phú; mô hình sản xuất tinh dầu sả của tổ hợp tác ở thôn Tân Phú...
Hầu hết các mô hình phát triển kinh tế của các hội viên trên địa bàn xã đang đi đúng hướng, phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương, nhiều sản phẩm đã trở thành hàng hóa đem lại thu nhập cao. Tỷ lệ hội viên có thu nhập ổn định ngày một tăng, nhiều hội viên có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó đời sống gia đình hội viên đã được nâng lên”.
Tính từ năm 2017 đến nay, từ các nguồn kêu gọi, vận động ở địa phương, Hội LHPN xã Ea Nuôl đã hỗ trợ cho 41 hội viên phụ nữ nghèo khởi nghiệp với số tiền lên đến 500 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội LHPN xã Ea Nuôl còn tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, ngân hàng Seabank cho hơn 600 hội viên khác vay vốn phát triển kinh tế gia đình, với tổng dư nợ hơn 19 tỷ đồng; phối hợp với Bưu Điện huyện Buôn Đôn hỗ trợ gian hàng khởi nghiệp nhằm giúp chị em tập kinh doanh..