Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát xây dựng nông thôn mới

Tiến Đạt 19/04/2022 18:32

Ngày 19/4, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo.

Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát các nội dung trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, MTTQ các cấp đã tổ chức giám sát được 98.420 cuộc, trong đó cấp tỉnh 2.308 cuộc, cấp huyện 12.256 cuộc và cấp xã 83.856 cuộc, góp phần cùng với Chính phủ thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với công tác xây dựng NTM.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Trong đó, cơ chế giám sát cho hoạt động của Mặt trận nói chung và trong lĩnh vực xây dựng NTM chưa cụ thể.

Mặt khác, vai trò chủ trì phối hợp giám sát xây dựng NTM của MTTQ Việt Nam còn hạn chế, chưa có nhiều hoạt động giám sát có tính chuyên đề, chuyên sâu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, phân tích những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong xây dựng NTM.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về giám sát của MTTQ nói chung, giám sát về xây dựng NTM nói riêng.

Cụ thể, để phát huy vai trò của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, MTTQ Việt Nam giám sát cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói riêng, cần sớm nghiên cứu xây dựng dự án Luật về giám sát của nhân dân để không những thể chế đầy đủ quyền, trách nhiệm, phương thức, cách thức trong hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội của nhân dân mà còn thể chế hóa các quyền dân chủ trực tiếp của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Ở góc độ khác, theo ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam cần gắn với nhân dân, nhân dân thông qua Mặt trận để xây dựng Đảng, Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của mình. MTTQ Việt Nam cần phát huy được trí tuệ của nhân dân, huy động được sức mạnh toàn dân, tập trung giám sát ở cơ sở, thực hiện đồng loạt ở các khu dân cư, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong thôn, làng, ấp, bản.

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam cần tăng cường giám sát việc huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực xây dựng NTM, góp phần vừa nâng cao hiệu quả xây dựng NTM, vừa phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, vai trò của nhân dân trong giám sát xây dựng NTM rất quan trọng và cần được phát huy.

Để làm được điều đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nắm được các kết quả xây dựng NTM trước và trong quá trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM để thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia giám sát của người dân trong xây dựng NTM. Sau khi lấy ý kiến, MTTQ các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá những tiêu chí mà người dân còn chưa hài lòng và tìm ra nguyên nhân để khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau, thể hiện trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học đối với chương trình xây dựng NTM và sự quan tâm ủng hộ đối với công tác Mặt trận.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng NTM đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống của nhân dân trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa nhân dân vùng nông thôn với thành thị. Chính vì vậy, tính hiệu quả của hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cần được phát huy.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, việc tăng cường nhận thức của cấp ủy, chính quyền đối với công tác giám sát của MTTQ Việt Nam là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác giám sát xây dựng NTM. Cùng với đó, tính gắn kết trong hoạt động giám sát cần được thể hiện rõ nét, thông qua việc tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý, trong quá trình giám sát, MTTQ các cấp cần lựa chọn nội dung phù hợp để giám sát, chú trọng đến chất lượng, đi đến cùng trong các vụ việc, giải đáp sau giám sát phải thật thỏa đáng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Đồng thời, MTTQ các cấp phải không ngừng bồi dưỡng năng lực giám sát xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, kết luận trong quá trình giám sát.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, hoạt động giám sát xây dựng NTM cần được triển khai sâu rộng ở cơ sở, chú trọng phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương, đảm bảo khách quan, minh bạch, góp phần triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM thực chất và hiệu quả hơn.

Tiến Đạt