Áp lực dồn lên lãi suất cho vay
Trước áp lực lạm phát, hàng loạt ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng. Thực tế này đang tạo áp lực rất lớn lên lãi suất cho vay. Đặc biệt trong bối cảnh cơ quan quản lý đang nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp phục hồi.
Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động
Đầu tháng 4, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến mới, trong đó ngân hàng này đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, tại kỳ hạn 10 -11 tháng, lãi suất tăng từ 0,3 % lên 6,8%/năm; kỳ hạn 8 tháng tăng 0,2 % lên 6,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1 % lên 6,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 % lên 6,5%/năm.
Còn Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) công bố chương trình cộng thêm đến 0,8% lãi suất khi gửi online so với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy. Theo đó, với giao dịch gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng tại ngân hàng này, khách hàng sẽ nhận ngay lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,8% với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay. Hay Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động tăng, theo đó mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng khi gửi tiết kiệm online (tăng 0,2%/năm); kỳ hạn 18 tháng cũng được Ngân hàng tăng thêm 0,2% lên 6,9%/năm…
Xu hướng tăng lãi suất huy động có thể do thanh khoản ở một số ngân hàng eo hẹp hơn do nhu cầu tín dụng tăng cao. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, quý I tín dụng tăng trưởng ở mức 5,04%, mức tăng có thể nói là ấn tượng so với mấy năm vừa qua và gấp 4 lần mức tăng hồi quý I/2021.
Lãi suất tiết kiệm đang tăng dần và dự đoán còn phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát. Nhưng khi lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực rất lớn lên lãi suất cho vay. Đặc biệt trong bối cảnh cơ quan quản lý đang nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay để cùng DN phục hồi tăng trưởng.
Hiện nay, không ít DN cho rằng, việc tiếp cận vốn còn khá nhiều gian nan, từ điều kiện được vay vốn cho đến đáp ứng về lãi suất. Lãnh đạo một DN ngành dệt may cho biết, công ty đang đi vay tại một số ngân hàng với lãi suất cho vay thấp nhất là 5,5%/năm và cao nhất là 6,2%/năm. Nhưng một số DN cùng ngành phải vay vốn với lãi suất lên tới 7-8%/năm.
Lo ngại lãi suất cho vay tăng
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng điều chỉnh tăng, lãi suất cho vay cũng có thể tăng nhẹ trong thời gian tới. Dù vậy, những tác động của việc tăng lãi suất huy động đến lãi suất cho vay là không đáng ngại. Bởi thông lệ đầu năm, ngân hàng thường có xu hướng tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền, nhất là khi kinh tế đang phục hồi thì nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao.
Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về giảm 2% lãi suất cho vay tại một số lĩnh vực. Khi chính sách này đi vào cuộc sống sẽ giúp mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, không tăng theo lãi suất huy động.
Ở góc độ của ngân hàng thương mại, một lãnh đạo ngân hàng cho biết mặc dù lãi suất huy động đã tăng tại nhiều ngân hàng thời gian gần đây nhưng lãi suất cho vay có thể sẽ không có nhiều biến động.
Lý do trước tiên là bởi không chỉ tại thời điểm này mà trong suốt hơn 2 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các ngân hàng đã thực hiện chỉ đạo và chủ trương tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn vốn hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng vẫn đang phải tuân thủ nghiêm các quy định về giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho DN phục hồi sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ.
Có thể thấy, trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ DN, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là làm sao cố gắng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề lãi suất.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất cho vay… Bên cạnh đó cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để chủ động giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thực tế, từ năm 2020 - 2021, mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp. Điều này hỗ trợ rất tích cực cho DN. Chính sách lãi suất thấp cùng với các biện pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các DN khó khăn vẫn có khả năng tiếp cận được vốn vay ngân hàng đã giúp nhiều DN vực dậy, duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu như có khả năng kiểm soát được lạm phát thì mới có khả năng giảm được lãi suất.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước.
Ngoài ra, kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả, điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Chính vì vậy, thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.