Những thảm họa núi lửa kinh hoàng nhất năm 2021
Trong năm 2021, 80 vụ phun trào đã xảy ra tại 75 ngọn núi lửa trên khắp thế giới, với 32 vụ phun trào mới được ghi nhận.
Từ ngọn núi lửa Etna mang tính biểu tượng của Italy phun trào vào đầu năm, tiếp theo là dòng dung nham của La Palma gây chú ý trong nhiều tuần vào mùa thu, sau đó là thảm họa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai vào cuối tháng 12, dường như 2021 là một năm đặc biệt đối với các núi lửa trên hành tinh.
Tuy nhiên, khi nhìn vào các số liệu thống kê, có thể thấy rằng mức độ hoạt động của những ngọn núi lửa này không có gì đặc biệt. Vào năm 2021, 80 vụ phun trào đã xảy ra tại 75 ngọn núi lửa, với 32 vụ phun trào mới được ghi nhận. So với các số liệu hàng năm trong vài thập kỷ qua, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy hoạt động của núi lửa đang gia tăng.
Tuy nhiên, những ngọn núi lửa năm 2021 dường như thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu đúng thời điểm phần lớn thế giới vẫn còn đang quay cuồng trong hậu quả của đại dịch Covid-19, nhắc nhở con người một lần nữa về sức mạnh khôn lường của thiên nhiên.
Núi lửa Etna, Italy
Có điều gì đó luôn trực trào bùng nổ tại Núi lửa Etna của đảo Sicily, và năm 2021 không phải một ngoại lệ. Etna đã chứng kiến một vụ nổ tro bụi cùng dòng dung nham tràn ngập từ một hoặc nhiều trong số bốn miệng núi lửa trên đỉnh.
Trong suốt năm 2021, tất cả các hoạt động của núi lửa đều diễn ra trên đỉnh núi, nơi những vòi phun dung nham cao tới một km thường xuyên thắp sáng bầu trời phía đông đảo Sicily. Theo định kỳ, các vụ nổ dữ dội hơn đã phóng ra các cột khí khổng lồ và ném các mảnh vỡ cao vào tầng bình lưu, chia cắt các cộng đồng xung quanh trong tro bụi, và đóng cửa sân bay Catania phía dưới chân núi lửa.
Núi lửa Fagradalsfjall, Iceland
Lần đầu tiên sau hơn 800 năm, dung nham lại chảy trên bán đảo Reykjanes. Sau một khoảng thời gian bất ổn, dung nham đã chạm tới bề mặt Trái đất vào giữa tháng 3/2021, thông qua một hệ thống các khe nứt mới với các tia magma cao hơn 300 mét, có thể được nhìn thấy từ thủ đô cách đó 60 km.
Vụ phun trào cuối cùng đã kết thúc vào tháng 9 sau 181 ngày, nhưng hoạt động trở lại của hòn đảo này cho thấy rằng nhiều vụ phun trào hơn có thể đang diễn ra trong tương lai.
Núi lửa Semeru, Indonesia
Nằm ở phía nam đảo Java, Semeru là một núi lửa hình nón nguyên mẫu, có cạnh dốc, rất được yêu thích bởi khách du lịch và những người đi bộ đường dài. Tuy các vụ phun trào của Semeru có xu hướng bùng nổ ở mức độ vừa phải thay vì quy mô lớn, nhưng thường dẫn đến thiệt hại rất lớn về tính mạng.
Núi lửa gần như liên tục hoạt động kể từ năm 1967, lần bùng phát gần nhất bắt đầu vào đầu tháng 12/2021, khi những trận mưa lớn góp phần làm sập mái vòm dung nham ở đỉnh núi. Điều này đã gây ra một vụ phun trào nổ tung một cột tro bụi và ném các mảnh vỡ lên độ cao hơn 12 km, đồng thời tạo ra dòng chảy luồng mạt vụn núi lửa cùng các dòng bùn.
Di chuyển với tốc độ nhanh xuống hai bên sườn, dung nham nhanh chóng chạm đến các ngôi làng dưới chân núi lửa, phá hủy 5.200 tòa nhà, khiến hơn 70 người chết và hơn 10.000 người phải di dời. Semeru tiếp tục hoạt động kể từ tháng 2/2022.
Núi lửa Kilauea, Hawaii
Từ năm 1983 đến năm 2018, núi lửa gần như phun trào liên tục, phun ra dòng dung nham bao phủ khu vực rộng hơn 100 km vuông, chôn vùi gần 800 ngôi nhà và đường bờ biển.
Sau một thời gian ngắn tạm dừng, một vụ phun trào mới bắt đầu vào tháng 12/2020 tại miệng núi lửa Halema'uma'u. Các lỗ thông hơi hoạt động trong tầng miệng núi lửa bắt đầu lấp đầy dung nham, đến cuối tháng 2/2021, miệng núi lửa đã bị lấp đầy bởi một hồ nham thạch khổng lồ sâu hơn 200 mét.
Mọi thứ dường như đã lắng xuống sau tháng 5, nhưng một vụ phun trào mới lại bắt đầu vào tháng 9/2021, khi các khe nứt mới mở ra bên trong miệng núi lửa, tạo ra vòi phun dung nham đạt độ cao hơn 60 mét.
Núi lửa Soufriere, St. Vincent
Năm 1902, một vụ nổ lớn tại núi lửa Soufriere đã từng giết chết gần 1.700 người. Sau hơn bốn thập kỷ yên lặng, một vụ phun trào mới bắt đầu ngay sau lễ Giáng sinh năm 2020. Vào đầu tháng 4/2021, một vụ nổ dữ dội đã thiêu rụi một mái vòm dung nham khổng lồ đã phát triển trong 3 tháng trước đó, tạo ra một cột phun trào cao 8 km, đổ tro bụi trên khắp hòn đảo.
Các vụ nổ lớn tiếp tục diễn ra trong vài tuần tới, tạo ra các dòng chảy luồng mạt vụn núi lửa và các dòng bùn, trước khi hoạt động chết dần vào cuối tháng.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai, Tonga
Trước tháng 12/2021, những phần duy nhất có thể nhìn thấy của ngọn núi lửa ngầm này là các hòn đảo nhỏ của Hunga Tonga và Hunga Ha'apai. Chẳng bao lâu sau, những vụ nổ dữ dội đã xé toạc các hòn đảo và đổ tro bụi khắp quần đảo Tonga.
Vụ phun trào lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/1/2022, khi một vụ nổ khổng lồ, có thể là do sự trộn lẫn của magma và nước biển, tạo ra sóng xung kích quay quanh hành tinh bốn lần, và có thể được nghe thấy từ tận Alaska, cách đó 6.000 km. Một loạt sóng thần với độ cao 15 mét đã quét qua nhiều khu vực trên một số hòn đảo và vượt qua Thái Bình Dương cướp đi sinh mạng của 2 người ở Peru.
Núi lửa Nyiragongo, Congo
Nyiragongo là một ngọn núi lửa ấn tượng, có miệng núi lửa rộng hàng km được lấp đầy bởi một hồ dung nham thoát nước định kỳ, cung cấp cho các dòng dung nham thường đe dọa thành phố Goma lân cận. Năm 2002, một vụ phun trào đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và dẫn đến việc sơ tán một phần tư triệu cư dân.
Vụ phun trào năm 2021 bắt đầu vào tháng 5 theo một cách tương tự. Việc thoát nước của hồ dung nham đồng nghĩa với việc mở ra các khe nứt ở sườn phía nam của núi lửa, từ đó dung nham nhanh chóng chảy ra. Trong vòng vài giờ, các dòng chảy đã đến vùng ngoại ô phía bắc của Goma, dẫn đến việc phá hủy hơn 3.500 ngôi nhà và 20.000 người dân phải di dời.
Núi lửa Taal, Philippines
Núi lửa hình nón Taal khá độc đáo khi tạo thành một hòn đảo trũng - được gọi là Đảo Núi lửa - ở trung tâm của một miệng núi lửa khổng lồ được hình thành từ một vụ nổ lớn thời tiền sử.
Hơn 1.000 người đã thiệt mạng do ngọn núi này vào năm 1911, và thêm hơn 100 người nữa trong vụ phun trào năm 1965, khiến các ngôi làng xung quanh bờ hồ bị xóa sổ.
Lần phun trào gần đây nhất bắt đầu vào tháng 1/2020, khi một vụ nổ dữ dội đổ tro bụi khắp Manila, thủ đô của Philippines, và sau đó phun trào trở lại vào tháng 7/2021. Kể từ đó, Taal tiếp tục tạo ra các đám mây tro và hơi nước theo định kỳ, cùng với sương mù núi lửa có lưu huỳnh (được gọi là vog), gây ra các vấn đề sức khỏe cho người dân địa phương.
Núi lửa Fukutoku-Oka-no-Ba, Nhật Bản
Ẩn mình trong quần đảo Bonin, cách thủ đô Tokyo 1.500 km về phía nam, sự tồn tại của ngọn núi lửa ngầm này hầu như không ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân - thậm chí là của hầu hết các nhà nghiên cứu núi lửa.
Rất nhiều vụ phun trào nhỏ đã được ghi nhận trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, nhưng núi lửa chỉ đang im lặng trước khi thức giấc với một tiếng nổ vào tháng 8/2021. Cột tro bụi khổng lồ cao 16 km thổi vào bầu khí quyển, phủ kín mặt biển gần nơi phun trào, làm tắc nghẽn các bến cảng, gây ô nhiễm vùng biển nuôi cá và làm hư hại hàng trăm tàu thuyền.
Núi lửa La Palma, Quần đảo Canary
Các vụ phun trào tại núi lửa Cumbre Vieja của La Palma thường có xu hướng xảy ra theo từng cụm cách nhau vài trăm năm, lần cuối cùng kết thúc vào đầu thế kỷ 18. Sau vài trăm năm yên tĩnh, núi lửa lại phun trào vào năm 1949 và 1971. Kể từ năm 2017, ngọn núi này đã không ngừng hoạt động, vì vậy khi magma phá vỡ bề mặt vào tháng 9/2021, mọi thứ dường như không có gì bất ngờ.
Trong khoảng thời gian 3 tháng hoặc lâu hơn, các dòng chảy dung nham liên tục đã phá hủy hơn 5.000 tòa nhà, bao gồm tất cả những công trình tạo nên thị trấn Todoque, và xây dựng một vùng đồng bằng mới trên bờ biển phía tây của hòn đảo.
Tổng thiệt hại của đợt phun trào kéo dài 85 ngày ước tính lên tới gần 1 tỷ euro, và sự kết thúc của thảm họa này vào ngày 25/12 là món quà Giáng sinh lớn nhất đối với những cư dân sống lâu năm trên đảo.