Nở rộ các lớp tiền tiểu học
Không lạ khi học tiền tiểu học trở thành phong trào rầm rộ không chỉ ở thành phố mà về đến tận các vùng nông thôn, nơi người nông dân dù vất vả, khó khăn cũng quyết đầu tư tối đa cho con để mong sau này con đỡ khó nhọc hơn bố mẹ.
Đứng đón con trước cổng trường mầm non thời gian này, phụ huynh liên tục nhận được các tờ rơi quảng cáo về các lớp tiền tiểu học, lớp dạy kỹ năng sống… Nhìn sang xung quanh, con nhà hàng xóm đã đọc vèo vèo cả mẩu truyện ngắn, làm toán nhoay nhoáy… trong khi con nhà mình bảng chữ cái còn chưa thuộc hết, phụ huynh nào cứng rắn lắm cũng bắt đầu dao động đi tìm lớp cho cậu con trai/bé gái sinh năm 2016 nhà mình.
Làm cha mẹ, ai cũng mong dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình, kể cả khi điều kiện sống chưa cho phép, một số ông bố bà mẹ cũng sẵn sàng vay mượn để đầu tư cho con, nhất là trong việc học tập thì không ai nỡ từ chối. Vì vậy không lạ khi học tiền tiểu học trở thành phong trào rầm rộ không chỉ ở thành phố mà về đến tận các vùng nông thôn, nơi người nông dân dù vất vả, khó khăn cũng quyết đầu tư tối đa cho con để mong sau này đỡ khó nhọc hơn bố mẹ.
Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Đan, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cho biết cháu mình năm nay vào lớp 1. Con gái chị cũng đi tham khảo của những người có kinh nghiệm đi trước và xin cho cháu theo học một cô giáo dạy tiểu học, học phí 50 nghìn/buổi học kéo dài 1 tiếng.
“Về cháu kể ở lớp cô toàn bắt viết, mỏi hết cả tay nên cháu không thích đi học. Dù vẫn động viên cháu nhưng tôi cũng nói với con rằng ngày xưa có đứa nào đi học trước đâu mà học hết lớp 1 cũng đọc sách vèo vèo, làm toán cộng trừ, tính nhẩm còn nhanh hơn cả người lớn. Khổ nỗi, bây giờ xung quanh nhà nhà đi học, mình không cho cháu theo lỡ mai đến lớp lại tự ti, không theo kịp các bạn” - chị Hoa tâm sự.
Ở Hà Nội, không chỉ tìm đến lớp dạy thêm do các cô giáo tiểu học trực tiếp mở, các bậc phụ huynh còn có vô vàn sự lựa chọn khác nhau khi tìm lớp tiền tiểu học cho con. Trong đó, nhiều cô dạy lớp mẫu giáo hiện nay cũng mở các khóa học “hành trang vào lớp 1” và giới thiệu đến các phụ huynh trong lớp mình. Các trung tâm gần trường, quanh nhà cũng mọc lên như nấm với đủ lời quảng cáo hấp dẫn về chương trình của mình.
Chẳng hạn, trong một tờ rơi được quảng cáo là “Chương trình dạy con tiền tiểu học theo chuẩn đầu ra của Bộ GDĐT” nhận được nhiều quan tâm của các bậc phụ huynh. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia, hiện Bộ GDĐT không hề có chuẩn chương trình tiền tiểu học, thậm chí từ năm 2013, Bộ GDĐT đã cấm không dạy trước chương trình lớp 1.
Cũng có những ngôi trường trực tiếp mở lớp tiền tiểu học với học phí từ vài triệu lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo giới thiệu của trường Mầm non Thực Nghiệm Victory (Hà Đông, Hà Nội), chương trình sẽ bao gồm 20 môn học và 100 giờ học tập và trải nghiệm cùng giáo viên tiểu học tại trường Tiểu học Thực nghiệm Victory.
Nội dung chương trình học bao gồm Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt, môn khám phá, giáo dục thể chất, các môn học năng khiếu, hoạt động ngoại khóa, dã ngoại… Trong đó, đối với môn Tiếng Việt, học sinh bước đầu được làm quen với các chữ cái trong môn tiếng Việt thông qua phương pháp dạy Thực nghiệm.
Về kiến thức, môn tiếng Việt sẽ giúp học sinh nhận biết bảng chữ cái tiếng Việt, nhận biết 6 thanh trong tiếng Việt, học viết các chữ cái, từ đơn giản….
Nhà trường cho biết, sau khóa học tiền tiểu học, học sinh sẽ có thể có những kỹ năng mềm cần thiết tự phục vụ cho cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi của con như biết và thích ứng với nề nếp ứng xử trong trường học: chào cô khi vào lớp, ra vào lớp đúng giờ, không nói chuyện tự do trong giờ; giơ tay khi phát biểu…
Kỹ năng quản lý tài sản cá nhân: nhận biết đồ dùng cá nhân của mình, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; sử dụng đồ dùng đúng lúc, đúng chỗ. Kỹ năng quản lý và sử dụng thời gian…
Trong khi đó, tìm tới các khóa học online được quảng cáo là thuận tiện, học mọi lúc mọi nơi, học theo nhu cầu… có mức học phí dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Đơn cử, một khóa học được quảng cáo là giúp kích hoạt kĩ năng, khởi tạo thói quen, khám phá kiến thức, khởi đầu thuận lợi cho bé có học phí 250 nghìn đồng, kéo dài 15 ngày.
Cấu trúc khóa học gồm 9 chuyên đề, 72 bài giảng, hơn 300 bài tập hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển các kỹ năng, hành vi, thói quen quan trọng và thường gặp để trẻ có một khởi đầu thuận lợi khi bước vào lớp 1.
Đứng trước một rừng sự lựa chọn như vậy, phụ huynh sẽ làm thế nào?
Nhà báo Thu Hà, tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết” chia sẻ: Con bắt đầu vào lớp 1 là bước ngoặt lớn, cần một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện. Nhưng toàn diện chứ không phải chỉ là đi học trước! “Tôi đã thấy rất nhiều bé viết đẹp, đọc tốt, nhưng đi học toàn khóc vì "Đi học con toàn bị ăn hiếp", "Đi học không có vui gì hết”” - nhà báo Thu Hà nói.
Trên thực tế, giáo viên không được tự ý điều chỉnh lịch giảng dạy, tức là tuần đầu tiên vào lớp 1, dù những bạn đã đọc thông viết thạo hay con mới bắt đầu học chữ cái lần đầu thì tất cả lớp đều học một bài giống nhau, với thời lượng tương đương nhau. Tuần đầu tiên là cứ học nét cong, nét thẳng… rồi sau đó đến chữ cái. Những học sinh đã biết trước, đã đọc ro ro, tính nhoay nhoáy lúc đó biết làm gì?
Vì vậy, theo kinh nghiệm của bà mẹ 2 con này, nguy hiểm nhất ở lớp 1, không phải là chưa biết viết, biết đọc, mà là không biết tự lập, không kết nối được với xung quanh, không biết cách bộc lộ cảm xúc, không biết tương tác, không biết cách sống cùng người khác. Tất cả những điều này đều cần dày công mà không chỉ một khóa học vài ngày, vài tháng đã có thể thành thạo.
Mục đích học tập UNESCO gồm: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người".
Vậy nên, nhà báo Thu Hà cho rằng, việc tập viết, tập đọc cứ để cho cô giáo lo. Hãy dạy những kỹ năng rất quan trọng khác đang bị nhà trường bỏ trống, như thể thao, nghệ thuật, giao tiếp, cư xử… lòng ham mê học hỏi, làm việc nhóm, tư duy phản biện, sáng tạo, hiểu và định giá đúng bản thân,…Hãy dạy con những giá trị sống quý giá như sống trung thực, tử tế, chia sẻ, tự lập, tự tin...