Xuất khẩu thủy sản tìm cách thích ứng
Trước khi xung đột xảy ra, Nga và Ukraine là 2 thị trường quan trọng có tiềm năng đang phục hồi tăng trưởng mạnh.
Thông tin trên được ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ra trong hội thảo: “Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga- Ukraine” tổ chức ngày 20/4 tại TPHCM.
Trong năm 2021, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nga đạt 164 triệu USD (tăng 21% so với năm 2020). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Tôm chân trắng, cá tra, surimi, cá ngừ, cá chỉ vàng, cá cơm… là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tại thị trường Ukraine, xuất khẩu thủy sản vào thị trường này thấp hơn. Mặc dù, đây là thị trường lớn thứ 53 trong số hơn 160 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng: “Nga và Ukraine là 2 thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam. Quan trọng ở đây là không chỉ nhờ vào số lượng kim ngạch xuất nhập khẩu mà là tính chất hàng hóa trao đổi giữa hai bên”.
Tuy nhiên, hiện các DN ngành thủy sản đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 chưa kịp khắc phục, DN phải tiếp tục đối diện với tình trạng gián đoạn cung ứng nguyên, nhiên liệu. Ngoài ra, khủng hoảng Nga - Ukraine cũng dẫn tới việc cấm vận, giao nhận hàng hóa bị trì hoãn, đứt đoạn, chi phí vận chuyển tăng cao. Không chỉ vậy, tác động từ lệnh trừng phạt của một số quốc gia phương Tây nhằm vào Nga, DN cũng gặp những trở ngại nhất định trong quá trình thanh toán, các giao dịch không thể hoàn thành.
Trước những khó khăn trong xuất nhập khẩu của ngành thủy sản, đại diện Vasep khẳng định, nhằm đối phó với những khó khăn kể trên, cộng đồng DN thủy sản đã có những giải pháp điều chỉnh hoạt động kinh doanh kịp thời. Tuy nhiên, để có thể xây dựng một chiến lược dài hạn và hiệu quả, DN vẫn cần có các hướng dẫn sát sao hơn từ các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức hỗ trợ DN.
Theo ông Lộc, DN cần có các chiến lược dài hạn để ứng phó với bối cảnh biến động của thị trường. DN cũng cần trang bị và được hướng dẫn các giải pháp về quản trị rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, xử lý tranh chấp để bản lĩnh hơn, có khả năng chống chịu cao hơn và phục hồi hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng hơn trong thời gian tới.
Ông Lộc cho rằng, thay vì bất an DN nên nhìn nhận cục diện ở góc độ tích cực hơn, động lực hơn. Việt Nam có được nhiều lợi thế, thụ hưởng nhiều cơ hội từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia trên thế giới. Song song đó, với sự ổn định về kinh tế, chính trị và kiểm soát tốt tình hình đại dịch, Việt Nam đang là điểm đầu tư, đối tác hợp tác đầy tiềm năng.