Áp lực thi đánh giá năng lực: Cơ hội nào cho thí sinh?
Nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực sẽ tạo thêm cơ hội vào đại học cho thí sinh, song cũng đang làm gia tăng áp lực khi cùng một lúc các em phải vất vả ôn thi theo “mục tiêu kép”.
“Chạy đua” đăng ký thi đánh giá năng lực
Năm 2022 là năm thứ năm, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực. Hiện có 84 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, trong đó có 10 trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Số ngành học sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển là 1.266.
So với năm ngoái, quy mô của kỳ thi năm nay được mở rộng hơn nhiều. Số lượng thí sinh tăng 14.000 em so với năm 2021, tăng hơn 20.000 em so với 2020. Số tỉnh, thành tổ chức cũng tăng gấp ba lần, so với khoảng 5-7 địa phương như các năm trước.
Ở đợt thi đầu tiên tổ chức vào ngày 27/3 vừa qua, có tới hơn 82.000 thí sinh “chạy đua” giành suất sớm vào đại học.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã phải tổ chức ở 80 điểm thi tại 36 cụm thi ở 17 tỉnh, thành phố. Trong khi đó, đợt 1 năm 2021, kỳ thi này chỉ tổ chức ở 7 tỉnh, thành với 21 cụm thi, 65 điểm thi.
Ở phía Bắc, số trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển hiện đã lên đến 65 trường.
Theo số liệu từ Đại học Quốc gia Hà Nội, tính đến thời điểm đầu tháng 4, số lượng thí sinh đăng ký dự thi cho 3 đợt thi Đánh giá năng lực học sinh THPT là 5.083 em. Trong khi đó, số chỗ phục vụ cho 3 đợt thi đầu tiên là 6.000 em.
Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị này đặt chỉ tiêu có hơn 50.000 lượt thí sinh dự thi đánh giá năng lực trong năm nay. Tuy nhiên nhu cầu thí sinh đăng ký dự thi vượt quá quy mô dự tính của trường dẫn đến hiện tượng nhiều thí sinh không thể đăng ký dự thi.
Đây là một thực tế bởi hiện nay có rất nhiều học sinh không thể đăng ký dự kỳ thi này.
Em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho hay: “Tại đợt thi vào tháng 2, em may mắn đăng ký dự thi thành công nhưng điểm thi không như mong muốn. Để đăng ký tham gia kỳ thi vào đợt tới, em đã túc trực nhiều ngày để đăng ký online nhưng luôn rơi vào tình trạng nghẽn mạng. Đến thời điểm này em vẫn chưa đăng ký được nên rất lo lắng”.
Ôn thi vất vả nhưng để có một tấm vé dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của năm nay cũng không hề dễ dàng.
Chị Nguyễn Hồng Nhung (quận Ba Đình, Hà Nội) thở phào khi con trai (học lớp 12, Trường THPT Việt Đức) đăng ký thành công đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 5 tới đây.
Chị Nhung cho hay, lẽ ra đây là quyền lợi của thí sinh nhưng thời điểm này không phải thí sinh nào muốn dự thi đánh giá năng lực cũng có thể đăng ký thi được. Để có cơ hội dự thi, mẹ con chị Nhung đã phải ngồi canh liên tục từ thời điểm hệ thống bắt đầu mở đăng ký. Cứ vài giây mẹ con chị lại bấm F5 một lần. Cứ như thế mất gần một ngày, con trai chị mới nắm chắc một suất dự thi đánh giá năng lực.
“Không hề đơn giản, tôi nói với con, đăng ký dự thi được đã là may mắn rôì còn thi được hay không lại là chuyện khác. Thế nên tôi động viên con cố gắng ôn thi cho tốt để không bỏ lỡ cơ hội”, chị Nhung cho biết.
Cần đánh giá, giải trình minh bạch
“Dần dần sẽ thành kỳ thi thứ 2 song song với kỳ thi tốt nghiệp THPT, muốn thi được, các em lại phải học thêm”.
“Như vậy liệu có tạo nên sự hỗn loạn trong tuyển sinh khi mà chưa biết có sự công bằng ở đây hay không”,
“Quá căng thẳng cho học sinh cuối cấp, thời điểm này các em đã thi đánh giá năng lực, nghĩa là các em ít nhất là đầu năm lớp 12 đã phải hoàn thành chương trình học để có thời gian ôn luyện. Như vậy, việc thi cử sẽ gia tăng áp lực”.
Đó là quan điểm của nhiều phụ huynh trước thực tế hàng chục nghìn thí sinh đang “chạy đua” dự thi các kỳ thi đánh giá năng lực.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ GDĐT) cho hay, thi đánh giá năng lực là xu hướng tiếp cận thế giới, phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vì vậy, chúng ta nên ủng hộ phương thức tuyển sinh này.
Tâm lý lo lắng, căng thẳng trước một kỳ thi là điều dễ hiểu, song TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, thi đánh giá năng lực không phải kỳ thi bắt buộc. Thế nên, gia đình không nên đặt quá nhiều sức ép cho con cái khi năng lực của con không phù hợp.
Trước băn khoăn về tính minh bạch của việc có nhiều các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm, kỳ thi đánh giá năng lực nên chỉ có một, hai kỳ thi do một hoặc hai trung tâm khảo thí có uy tín tổ chức.
Việc có nhiều các kỳ thi đánh giá năng lực do nhiều đơn vị tổ chức sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn trong tuyển sinh, người dân sẽ hoài nghi về tính minh bạch của kỳ thi.
TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự quản lý, kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
Mặt khác, các đơn vị tổ chức thi cũng phải thường xuyên giải trình minh bạch, đánh giá kết quả trong nhiều năm tổ chức thi, hiệu quả của kỳ thi như tỉ lệ sinh viên khá giỏi, lưu ban, bỏ học… để có sự điều chỉnh trong những năm sau.
“Công bố kết quả đánh giá, giải trình minh bạch chính sẽ tạo ra niềm tin với công chúng để họ ủng hộ và tham gia kỳ thi”, TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay.