Sở GDĐT tỉnh Gia Lai: Hành trình 90 năm hình thành và phát triển
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tích đáng tự hào sau 90 năm hình thành và phát triển.
Từ khi thành lập đến nay, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã từng bước khắc phục những khó khăn, đi lên từ một điểm xuất phát rất thấp và còn chịu sự tác động của dịch bệnh và thiên tai, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Từ buổi đầu chập chững
Sở GDĐT tỉnh Gia Lai được thành lập cùng thời gian thành lập tỉnh Gia Lai - Kon Tum, ngày 20/9/1975. Ban đầu có tên là Sở Giáo dục Gia Lai - Kon Tum với quy mô nhỏ bé và đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, trong điều kiện hết sức thiếu thốn; toàn tỉnh lúc bấy giờ chỉ có khoảng 25.000 học sinh và hơn 600 giáo viên cho tất cả các cấp học.
Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI từ ngày 11/11 - 19/11/1976 đã đề ra: Tích cực đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có chất lượng, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho giáo dục. phát triển bậc học mẫu giáo và phổ thông, đảm bảo tất cả trẻ em đến tuổi được đi học.
Phát động phong trào xóa mù chữ, cán bộ, giáo viên, thanh niên tham gia xóa mù chữ đã khắc phục khó khăn về đời sống, về phong tục tập quán đi đến các buôn làng để dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm học 1977-1978 đã xóa mù chữ cho 40.000 người và 100 xã; hệ thống trường phổ thông phát triển ở các khu kinh tế mới; bậc mẫu giáo đã có 12.500 trẻ đến trường.
Giai đoạn 1986-1990, khó khăn của những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Nhưng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, trước mắt thanh toán nạn mù chữ trong dân, phát triển mạng lưới trường lớp, trợ cấp khó khăn cho giáo viên, xây dựng quỹ giáo dục, nâng chế dộ sinh hoạt phí cho học sinh các trường dân tộc nội trú…
Đến năm 1990, đa số các làng trên địa bàn tỉnh đã có lớp tiểu học, các xã đều có trường trung học cơ sở và các huyện đã có trường trung học phổ thông, tất cả các trẻ em trong độ tuổi được đến lớp, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, bổ túc văn hóa được phát triển, Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã và trường chuyên nghiệp được nâng cao chất lượng hoạt động…
Tuy nhiên công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh giai đoạn này vẫn còn nhiều yếu kém; cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học; chất lượng và hiệu quả giáo dục thấp.
Giai đoạn 1991-2005, cùng với sự tái lập tỉnh Gia Lai, ngày 12/8/1991, Sở GDĐT tỉnh Gia Lai được tái thành lập và cùng thực hiện công cuộc đổi mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành Giáo dục đã cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp chăm lo ngày càng tốt hơn và được xã hội hóa ngày càng rộng. Đến năm 1995, toàn tỉnh có 469 trường công lập và bán công; 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số có lớp học, nhiều làng có lớp 4, lớp 5; hệ thống trường dân tộc nội trú tỉnh, huyện được xây dựng và củng cố. Công tác chống tái mù chữ, chống thất học được nhiều lực lượng xã hội tham gia. Chất lượng dạy và học được nâng lên, số học sinh giỏi đạt giải toàn quốc ngày càng cao và đội ngũ giáo viên dạy giỏi tăng lên nhiều.
Đến năm 2005 đã có 50% số xã phổ cập trung học cơ sở; đội ngũ giáo viên được tăng cường đáng kể; chương trình kiên cố hóa trường lớp được đẩy mạnh; phân hiệu Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai đã tuyển sinh khóa đầu tiên; Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục địa phương.
Thành tích đáng tự hào
Từ khi thành lập đến nay, ngành Giáo dục đã từng bước khắc phục những khó khăn, đi lên từ một điểm xuất phát rất thấp và còn chịu sự tác động của dịch bệnh và thiên tai, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ GDĐT, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương, ngành Giáo dục đã đạt được những thành tích đáng tự hào.
Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 762 trường mầm non và phổ thông, tổng số 411.659 học sinh và 23.602 cán bộ và giáo viên. Chất lượng giáo dục được nâng lên, quy mô giáo dục phát triển phù hợp với điều kiện của từng địa bàn dân cư. Hoạt động dạy, học được chỉ đạo theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho người học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt tỷ lệ 97,98%, vượt mức trung bình chung của cả nước. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 90,6%; cấp Tiểu học đạt 99,9%; cấp Trung học cơ sở đạt 92,6%; cấp Trung học phổ thông đạt 56,7%. Trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 54,33%.
Với những thành tích đạt được, năm 1995 Sở GDĐT được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 1998 được Bộ GDĐT tặng Cờ công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học - chống mù chữ và năm 2009 tặng Cờ công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở, năm 2011 tặng Cờ công nhận Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.