Hai 'điều kiện' để phát triển Khu kinh tế Vân Phong
Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, “điểm nhấn” là thu hút đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong.
Để tạo đột phá và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Vân Phong, dự thảo quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với định hướng ngành nghề quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó xác định quy mô vốn tối thiểu tương ứng với từng ngành nghề, lĩnh vực để đảm bảo các dự án có quy mô đủ lớn tương xứng với tiềm lực của nhà đầu tư chiến lược. Trên cơ sở Danh mục này, nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền đề xuất dự án đầu tư cụ thể để thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để trở thành nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải đáp ứng 3 điều kiện: Có năng lực tài chính và kinh nghiệm tương ứng với ngành nghề cụ thể tại khoản 3 Điều 7; Có cam kết bằng văn bản về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam; Được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 6 Điều 7. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung trình tự, thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại khoản 7 Điều 7 theo 3 trường hợp khác nhau theo hướng công khai, minh bạch, rõ ràng để lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược đảm bảo thực sự có năng lực và kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế, được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện các cam kết, nhất là cam kết thực hiện đúng các nội dung và tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cam kết không chuyển nhượng Dự án trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng. Nhà đầu tư chiến lược còn có nghĩa vụ hỗ trợ ứng trước kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động tại khu vực bị ảnh hưởng từ dự án.
Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ không được hưởng ưu đãi và phải chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không đáp ứng các điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân và các điều kiện khác về nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, để đảm bảo giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư kinh doanh trong Khu kinh tế Vân Phong, dự thảo Nghị quyết quy định Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong được giao thực hiện nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Khánh Hòa theo đúng quy định pháp luật.
Liên quan phát triển Khu kinh tế Vân Phong, thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, về chủ trương thu hút, tiêu chuẩn nhà đầu tư chiến lược đa số ý kiến cho rằng chủ trương thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với Nghị quyết 09.
Tuy nhiên cần lưu ý: Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định: Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc “đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam” (khoản 4 Điều 7 của Dự thảo Nghị quyết).
Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản 25.000 tỷ đồng trở lên đối với điều kiện về năng lực tài chính tại điểm a khoản 3 Điều 7 vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.
Đặc biệt, ông Cường cũng thông tin có ý kiến đề nghị chưa ưu đãi cho xây dựng trung tâm thương mại, khu phi thuế quan, khu đô thị, khu du lịch, sân golf vì không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát triển Khu kinh tế Vân Phong chưa có chính sách mới đột phá, do đó nên chăng Quốc hội cho áp dụng cho cơ chế đặc thù thí điểm khấu trừ chi phí liên quan đến nghiên cứu phát triển trong tính thuế thu nhập.
Đó là phương pháp rất phổ biến trên thế giới, có thể áp dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế, hoặc chí ít là các nhà đầu tư chiến lược, miễn là đầu tư phát triển và đổi mới sáng tạo.