Nguồn nước ô nhiễm và những lồng cá bè
Ưu thế về diện tích nước mặt, thời gian qua tỉnh Đồng Nai phát triển mạnh lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, sau thời kỳ tăng trưởng “nóng”, các khu nuôi trồng thủy sản trở thành một trong những nguồn cơn làm ô nhiễm môi trường nước.
Ông T., người nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán) vẫn nhớ như in sự cố tai hại đến từ cơn mưa đầu mùa, tháng 5/2019, đã cuốn phăng hàng chục tấn cá của gia đình. Còn theo ngành chức năng, thời điểm đó, hơn 1.000 tấn cá lồng bè trên sông La Ngà đã bị chết. Nguyên nhân được xác định do có sự biến đổi bất lợi về môi trường, khiến chỉ tiêu về môi trường nước vượt ngưỡng quy chuẩn khiến cá chết hàng loạt.
Người nuôi cá ở đây cho rằng nguyên nhân cá thường chết vào đầu mùa mưa là do mật độ nuôi quá dày, nước sông tồn đọng nhiều chất thải các loại nên khi nắng to, mưa lớn, lượng ô xy bị tiêu biến khiến cá ngộp thở dẫn đến chết hàng loạt. Trong khi đó, chất thải sinh hoạt của hàng trăm hộ nuôi cá cũng đổ thẳng xuống sông cùng với chất thải của cá làm cho ô nhiễm càng tăng.
Được biết, nhiều chủ lồng bè sử dụng nội tạng động vật, cơm, thức ăn thừa công nghiệp… cho cá ăn. Họ hạn chế cho cá ăn cám để giảm tốn kém, chỉ cho cá ăn cám lúc cá còn nhỏ. Vì thế, ô nhiễm nước là điều không thể tránh khỏi. Người dân sống gần khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Định Quán cho biết, những ngày gió lớn hay nắng to thì mùi hôi từ sông bốc lên rất khó thở.
Tương tự, ở làng cá Tân Mai (TP Biên Hòa), lồng bè san sát nhau, dày đặc. Đáng ngại là ý thức bảo vệ nguồn nước của các chủ lồng bè, người nuôi chưa cao. Gần như mọi loại chất thải sinh hoạt của người nuôi cá đều thả xuống sông. Rác và nước thải sinh hoạt từ các kênh, cống trong thành phố chảy ra sông, đọng lại ở các lồng, bè khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở những khu vực trên càng trở nên trầm trọng hơn.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, nếu nói các lồng bè gây ô nhiễm môi trường nước mặt thì chưa chính xác lắm, bởi xung quanh các khu vực nuôi cá lồng bè ở TP Biên Hòa có 5-6 dòng suối đổ ra, lượng nước thải chưa qua xử lý từ các con suối này cũng tương đối lớn, có thể là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nước mặt ở khu vực nuôi cá lồng bè tại đây.
Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai mới đây khiến nhiều người quan ngại. Theo đó, tất cả các khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông đều ô nhiễm hữu cơ do trong quá trình nuôi trồng thủy sản phát sinh nhiều thức ăn dư thừa, chất thải sinh hoạt của các hộ dân dẫn đến vượt khả năng tự làm sạch nguồn nước.
Điển hình như “thủ phủ” nuôi cá bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán), kết quả quan trắc tại vị trí cầu số 1 suối Tam Bung có 6/17 thông số vượt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A2. Cụ thể, E.Coli, Amoni cùng vượt 4,6 lần; COD, Fe đều vượt 2,3 lần; Nitrit vượt 1,9 lần; BOD5 vượt 1,5 lần. Còn tại khu vực cá bè Ba Xê (TP Biên Hoà) có 6/17 thông số vượt so với quy chuẩn gồm: Fe, Amoni, Nitrit, COD, Coliform, tất cả đều vượt từ 1,1-1,4 lần, riêng vi sinh E.Coli vượt 34 lần. Chất lượng nước giảm so với đợt 3 và cùng kỳ năm 2021. Cũng tại TP Biên Hòa, khu vực nuôi cá bè Tân Mai, quan trắc tại 3 vị trí hợp lưu suối Săn Máu, giữa làng cá bè và hợp lưu suối Linh vào thời điểm quan trắc ghi nhận có 5/17 thông số vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1-4,6 lần. Ngoài ra, các khu vực nuôi hàu trên sông Bà Hào của huyện Nhơn Trạch có 4/18 thông số vượt chuẩn; dự án nuôi tôm tại Rạch Tràm, Rạch Tắc Le Le và Rạch Vũng Gấm cũng tại huyện này cũng có từ 2-6/17 thông số vượt chuẩn.
Những con số này cho thấy việc nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ tại tỉnh Đồng Nai đã có tác động nhất định đến môi trường nước mặt. Theo một cựu cán bộ ngành Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai thì nuôi thủy sản gây ô nhiễm môi trường không những tác động hiệu quả nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước đầu vào của các nhà máy cấp nước sinh hoạt.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh có cuộc “thị sát” các khu vực nuôi cá lồng bè tại TP Biên Hòa và huyện Định Quán. Ông Lĩnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng, đẩy nhanh việc quy hoạch lại các làng cá bè; đặc biệt tổ chức tốt vấn đề vệ sinh, không để ô nhiễm nguồn nước sông.
Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản đề nghị UBND huyện Định Quán và UBND huyện Thống Nhất tăng cường kiểm soát nguồn thải trên địa bàn huyện có hoạt động xả thải vào sông La Ngà; hướng dẫn người dân chăn nuôi thu gom, xử lý các loại chất thải chăn nuôi tránh tình trạng xả thải chưa qua xử lý xuống suối Tam Bung; hướng dẫn người dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các khu trồng trọt dọc theo sông La Ngà tránh tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào nguồn nước mặt gây nguy hại cho thủy sinh.