Một suy nghĩ nhỏ về đạo làm thầy
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản hoả tốc yêu cầu xác minh thông tin một số trường Trung học cơ sở (THCS) yêu cầu học sinh kém phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) năm học 2022-2023; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Còn “nếu có” gì nữa khi mà phụ huynh lẫn học sinh Hà Nội mấy ngày qua xôn xao, lo sợ trước thông tin một số trường THCS yêu cầu học sinh đang học lớp 9 có học lực không thật tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10.
Kiểu đơn phụ huynh tự nguyện không cho con thi vào lớp 10 THPT về bản chất không khác gì việc nhà trường “gợi ý” phụ huynh nộp tiền vào “Sổ vàng”- quỹ “đen” của trường, hay là viết đơn xin cho con em mình được học thêm.
Phi lý và phản giáo dục, nhiều ý kiến của cả phụ huynh lẫn giáo viên nhận xét.
Đáng chú ý, có thể coi lá “thư ngỏ” của một người cho biết mình là giáo viên đang dạy một trường THCS ở Hà Nội, có đoạn: “Hàng năm, cứ vào dịp này là các trường THCS của Hà Nội lại cấp tập làm công tác hướng nghiệp. Gọi là hướng nghiệp cho lịch sự chứ họ làm công tác "chặn đường" thi, cấm học sinh lớp 9 thi vào 10 THPT”. Người này viết tiếp: “Lẽ ra họ không cần làm động tác đó. Bởi chỉ tiêu công lập chỉ có 70%, thì đằng nào chả có 30% các em sẽ phải đi học các trường nghề và các trung tâm giáo dục thường xuyên. Hà cớ gì các trường phải làm công tác hướng nghiệp và phân luồng cho mệt?”. Cách làm là nhà trường sau khi lọc ra những em có lực học trung bình trở xuống, thì gọi phụ huynh đến và “thông báo”: Con của anh/chị ý thức chưa tốt, học rất yếu, không có khả năng thi vào 10 THPT. Nếu anh/chị làm đơn tự nguyện xin không thi vào 10 thì nhà trường tạo điều kiện cho con anh/chị tốt ngiệp, như vậy con anh chị vẫn được đi học trường nghề, vừa học nghề vừa học văn hóa, sau 3 năm vẫn có bằng 12, lại có bằng nghề, muốn học đại học vẫn được. Còn các anh/chị vẫn cố tình đăng kí thi vào 10 thì sẽ không được tốt nghiệp!
“Nghe thế ai chả sợ con mình không được tốt nghiệp THCS? Thế là tự nguyện làm "Đơn xin tự nguyện không thi vào 10". Vậy là phụ huynh tự nguyện nhé!”, lá thư chốt lại.
Thì ra, việc này đã phổ biến nhiều năm ở Hà Nội chứ không phải năm học này mới “xuất hiện” theo kiểu lẻ tẻ, để cho Sở, Bộ GDĐT, chính quyền thành phố phải chỉ đạo xem xét, xóa bỏ ngay. Thật cũng khó hiểu khi nhà trường nỡ “loại trước” học sinh của chính trường mình, tước đi quyền lợi chính đáng của các em. Việc làm ấy chắc rằng không nhằm mục đích giúp các trường THPT công lập “giảm tải”, cũng không hẳn để thực hiện tốt chủ trương hướng nghiệp ngay từ THCS, nhưng chắc chắn các trường THPT dân lập (tư thục) sẽ sẵn có nguồn “đầu vào” hơn.
Làm như vậy, với tư cách là người thầy, nhà giáo dục, họ có nghĩ là mình đã tạo ra vết thương trong lòng học sinh, trong lòng lớp trẻ không? Bị thầy cô “sàng lọc” không được thi vào THPT với nhận xét học lực yếu kém, không khác gì bị một án kỷ luật rất nặng. Các em sẽ mang theo vết thương ấy suốt đời, rất có thể nhiều em sẽ bị thui chột, mất ý chí vươn lên. Những mộng mơ tuổi đầu đời còn đâu vì như thể trên trán đã bị khắc mấy chữ “học dốt”.
Nhà trường là nơi sự bình đẳng phải được thực hiện rõ nhất, tốt nhất, để cho tất cả học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Công sức học sinh theo học ngần ấy năm trời, công lao cha mẹ vun vén cho con ngần ấy năm trời nào có nhỏ nhặt gì. Hy vọng của các bậc phụ huynh đặt cả vào con em mình không lẽ lại bị chính thầy cô giáo dập tắt. Việt Nam ta có truyền thống hiếu học từ ngàn đời. Biết bao ông bố bà mẹ, biết bao gia đình, biết bao dòng họ dẫu có nghèo đến mấy thì cũng quyết tâm cho con cháu ăn học tới nơi tới chốn. Lịch sử cũng ghi lại nhiều tấm gương sáng chói về những học trò con nhà nghèo (nói như bây giờ là xuất phát điểm thấp) nhưng vẫn chuyên cần học tập, vẫn không thôi mơ ước vươn lên bằng con đường học vấn. Trong số những tấm gương tiền nhân vô cùng đáng trân trọng ấy, có người thành tài ra giúp đời giúp nước bằng kiến thức thu nhận được từ những chiếc đèn đom đóm.
Mỗi thời mỗi khác, nhưng điều căn cốt không bao giờ khác được cho dẫu vật đổi sao dời là làm thầy thì phải thương yêu học trò, nâng đỡ học trò, dạy cho các em biết tin vào chính bản thân mình để nuôi dưỡng khao khát vươn lên, chứ không phải là gạt học trò sang một bên và làm các em mất niềm tin.