Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động bảo vệ Mẹ Trái Đất
Trong thông điệp nhân ngày quốc tế Mẹ Trái Đất 22-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã nêu ra tình trạng khủng hoảng chồng khủng hoảng trong bối cảnh hiện nay - bao gồm các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, sự biến mất của môi trường tự nhiên và tình trạng ô nhiễm môi trường - đòi hỏi thế giới phải có những hành động cứng rắn và quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề này.
Trong bài phát biểu, ông cho biết: "Trái đất đang phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng cùng lúc: sự biến đổi khí hậu, sự mất đi của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học cùng tình trang ô nhiễm chất thải toàn cầu. Điều này đã và đang đe dọa đến hạnh phúc và sự tồn tại của hàng triệu người dân trên thế giới.
Ông cho rằng “nền tảng” cho một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh bao gồm “nước sạch- không khí trong lành - khí hậu ổn định”. Tuy nhiên những yếu tố này đang bị xáo trộn, "khiến các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới bị lâm nguy".
Nói về hy vọng tạo ra một chuyển biến tốt hơn, ông Guterres nhắc lại sự tham dự của toàn thế giới trong Hội nghị Stockholm 50 năm trước, nhấn mạnh rằng đây được xem là “Sự khởi đầu của phong trào môi trường toàn cầu. Kể từ đó, chúng ta đã thấy những gì có thể xảy ra khi chúng ta cùng chung tay hành động.
Cũng chia sẻ trong bài phát biểu, Tổng Thư kí cho biết: "Chúng ta đã thu nhỏ lỗ thủng tầng Ozon, mở rộng các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái, chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu pha chì, ngăn chặn hàng triệu ca tử vong sớm. Và chỉ trong tháng trước, chúng ta đã khởi động một nỗ lực toàn cầu mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn và chấm dứt ô nhiễm nhựa”.
“Chúng ta đã chứng minh rằng phối hợp cùng nhau có thể giải quyết những thách thức lớn, định hình nên một môi trường lành mạnh mà chúng ta hằng mong muốn”.
Tổng Thư ký kêu gọi cộng đồng quốc tế cần làm nhiều hơn nữa để "ngăn chặn thảm họa khí hậu".
Ông cho rằng “Chúng ta phải hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Để giữ được mức này, các chính phủ phải cắt giảm lượng khí thải 45% vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050. Các quốc gia phát thải chính phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải bắt đầu từ năm nay”.
Tổng Thư kí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo sạch". Ông cho rằng “Chúng ta phải nhanh chóng đầu tư vào khả năng thích ứng và khả năng phục hồi”.
Hướng tới cuộc họp Stockholm+50 dự kiến diễn ra vào tháng 6/2022, ông kêu gọi "hãy đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta mang tham vọng và hành động cần thiết để giải quyết tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng đối với hành tinh. Bởi vì chúng ta chỉ có một Mẹ Trái Đất. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ".
Stockholm+50 là cuộc họp quốc tế do Đại hội đồng LHQ triệu tập sẽ được tổ chức tại Thụy Điển vào ngày 2 - 3/6. Cuộc họp mang đến cơ hội cho các quốc gia và các bên liên quan hợp tác, chia sẻ kiến thức chuyên môn và giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan tới nhau để có các hành động và thay đổi cần thiết.