Ra mắt sách về tranh dân gian đồ thế Việt Nam
Với suy nghĩ tranh dân gian Việt Nam vẫn có những khoảng trống lớn trong nghiên cứu, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã bắt tay vào tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã về tranh dân gian Việt Nam.
Sau nhiều tháng tìm hiểu tư liệu và khảo sát điền dã dọc miền tổ quốc, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cho ra mắt cuốn sách: “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam”.
Nhân "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam", tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu cuốn sách dày gần 350 trang với hơn 1.000 ảnh minh hoạ, in màu toàn bộ trên giấy couche đến với độc giả. Cuốn sách là tư liệu về tranh đồ thế trên mọi vùng miền của Việt Nam và các nước trên thế giới.
Nhớ lại hành trình đi tìm tư liệu về tranh dân gian đồ thế, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết chị gặp nhiều khó khăn trên chuyến hành trình đơn độc.
Trong quá trình đi dọc từ Bắc vào Nam, chị đã được đi qua các vùng miền tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, thời gian này chị luôn tranh thủ để nghiên cứu tranh dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo ở các địa phương. Đây cũng là một quá trình tích lũy dài hơi từ năm 2015 cho đến nay.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, riêng dòng tranh dân gian đồ thế có không gian sống riêng, đó là trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với dòng tranh làng Sình khi nghiên cứu thì phải tham gia rất nhiều nghi lễ theo vòng đời con người: đầy tháng, đầy năm, trưởng thành…
"Chính vì vậy, để cho ra đời cuốn sách về tranh đồ thế, chị đã phải mất nhiều thời gian và công sức. Với hơn 1.000 ảnh minh họa, ảnh tranh để khắc họa tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục thể hiện qua cách sử dụng tranh. Ngoài ra, tranh đồ thế cũng là một dòng tranh đặc thù, tương đối nhạy cảm trong bối cảnh xã hội đang lên án việc sử dụng hàng mã gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, hỏa hoạn", chị Hòa nói.
Không dừng lại ở đó ngay cả việc làm quen với các tăng ni, pháp sư, thanh đồng, thầy cúng là tương đối vất vả, khó khăn trong thời gian đầu. Được sự giúp đỡ của những nhà nghiên cứu, nghệ nhân tranh đồ thế, ở mọi vùng miền của đất nước thì cũng đã tương đối hoàn thiện được cô đọng lại trong quyển sách: “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa nhu cầu tồn tại về các khía cạnh vật chất, con người còn có nhu cầu về tinh thần, cần được có cảm giác an toàn. Con người còn tồn tại thì còn tôn giáo, tín ngưỡng.
Nếu như tranh dân gian kính hiện nay chỉ phổ biến ở Nam Bộ, tranh Hàng Trống, Đông Hồ phổ biến ở Bắc Bộ thì tranh dân gian đồ thế của người Kinh Việt Nam hiện diện ở mọi nơi, hiện diện vào các lễ nghi vòng đời của con người, ngày Rằm, mồng Một...
Mặt khác, thông qua cuốn sách, tác giả muốn khẳng định một trong những thành tố cấu thành nên văn hóa Việt Nam là tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục. Tranh dân gian đồ thế Việt Nam lại là một thành tố không thể thiếu trong tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục. Chính vì lẽ này mà việc gìn giữ, bảo tồn được tranh dân gian đồ thế Việt Nam cũng là gìn giữ và bảo tồn được văn hóa Việt Nam.
“Qua đây tôi mong muốn ở Huế sẽ có một bảo tàng tranh dân gian Huế, và xa hơn là một bảo tàng tranh dân gian Việt Nam và thế giới tại Hà Nội, để du khách trong và ngoài nước có thể tìm hiểu về tranh dân gian Việt Nam, so sánh với tranh dân gian các nước khác trên thế giới. Người nước ngoài khi du lịch sang Việt Nam họ thường mong muốn tìm hiểu đặc trưng riêng của Việt Nam và tranh dân gian Việt Nam là cách truyền tải, lan tỏa văn hóa Việt Nam rõ nét, dễ tiếp thu nhất”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa bày tỏ.