Nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết, giá lương thực tăng cao đã tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang năm 2023.
Khủng hoảng kéo dài
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân 2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB, Chủ tịch Malpass nhấn mạnh, xung đột và các hệ quả của vấn đề này đang gây khó khăn cho người nghèo trên toàn thế giới.
Giá lương thực hiện tăng tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đang tăng cao hơn so với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là điều đáng lưu tâm do CPI là thước đo mức độ tác động tới người nghèo - đối tượng chủ yếu hàng ngày chi tiêu cho lương thực - thực phẩm.
Theo ông Malpass, tình trạng thiếu lương thực, năng lượng và phân bón - mặt hàng thiết yếu cho vụ mùa đang gây ra cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí có thể tiếp diễn sang năm tới.
Vấn đề lương thực hiện nay khá nghiêm trọng, giá cả tăng cao tác động tới người dân tại các quốc gia nghèo, đặc biệt ở những vùng nông thôn khó khăn. Việc thiếu lương thực khiến người nghèo có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng các loại thực phẩm kém dinh dưỡng hơn.
Thực tế là từ trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, đã xuất hiện những cảnh báo về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Giá lương thực toàn cầu đã liên tục tăng kể từ tháng 6/2020 và hiện ở mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ trong 12 tháng qua, giá lương thực thế giới đã tăng tới 40% và xu hướng này không hề có dấu hiệu giảm.
Biến đổi khí hậu cũng đang làm ảnh hưởng đến mùa vụ ở khắp nơi trên thế giới. Hiện tượng La Nina quay trở lại từ cuối năm 2021 đã dẫn đến hạn hán ở Nam Mỹ và mưa quá nhiều ở Đông Nam Á. 2 nhà sản xuất lúa mì quan trọng khác là Mỹ và Canada cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong năm ngoái.
Giá của các nguyên liệu đầu vào tiêu tốn nhiều năng lượng như nhiên liệu, phân bón và thuốc trừ sâu cũng ở mức cao trong 2 năm qua, khi đại dịch Covid-19 kéo dài. Các biện pháp hạn chế đi lại khiến nhiều nông trại thiếu người thu hoạch. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu tăng cùng các vấn đề về chuỗi cung ứng đẩy giá thành lên.
Ở một diễn biến khác, nhu cầu sản xuất dầu diesel sinh học tăng cao đã làm tiêu tốn một lượng lớn lương thực. Diện tích trồng cây lương thực bị chuyển đổi sang các loại cây công nghiệp ngày càng nhiều. Và, những cuộc xung đột ở khắp nơi trên thế giới làm cho tình trạng thiếu lương thực trở nên tồi tệ hơn.
Bất chấp việc gia tăng năng suất bằng công nghệ, ngành nông nghiệp toàn cầu vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. 3 năm qua, trong khi dân số thế giới tăng ở mức 1.05%/năm thì sản lượng lương thực chỉ tăng được 0,7%/năm (theo báo cáo của FAO), một con số thực tế để nói lên rằng, chúng ta đang "đói" hơn.
Tuy vậy, người đứng đầu WB cho rằng, kho dự trữ toàn cầu hiện vẫn đủ lớn và có thể giúp cải thiện tình hình khi được phân phối, hỗ trợ cho các quốc gia.
Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực
Sau cuộc làm việc với Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, Pháp - quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn nhất của EU đã thúc đẩy một sáng kiến có tên là “FARM”, gồm một cơ chế phân phối lương thực toàn cầu cho các quốc gia nghèo hơn.
Sáng kiến này khơi dậy nhiều hy vọng về nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế giúp hệ thống lương thực ở các nước đang phát triển trở nên linh hoạt hơn và giảm bớt căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu.
Giới chuyên gia cho rằng, với tiềm lực lớn của mình, các nước phát triển cần nghiêm túc tìm ra giải pháp căn bản đảm bảo sự ổn định của thế giới. Đáng mừng, EU đã cho thấy tín hiệu tích cực với một chiến lược “ngoại giao lương thực” để thế giới vượt qua một giai đoạn khó khăn và cũng giúp EU khẳng định vị thế quốc tế.
Mặt khác, truyền thông quốc tế cho biết, EU đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu lương thực, hỗ trợ cung cấp nhiên liệu cho nông nghiệp ở nhiều nước. Đồng thời cho thấy ý chí mạnh mẽ về việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương do mất cân bằng an ninh lương thực, điển hình như gói viện trợ 225 triệu Euro cho Bắc Phi và Trung Đông vừa được công bố vào tuần trước; thêm 300 triệu Euro hỗ trợ hoạt động nông nghiệp cho các nước Tây Balkan...
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch WB Malpass, Hội nghị mùa Xuân 2022 đã dành thời gian thảo luận về vấn đề an ninh lương thực, và ông hy vọng các quốc gia sẽ chủ động có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ cuộc khủng hoảng lương thực và phân bón hiện nay.
Sau khi kết thúc buổi họp báo, ông David Malpass cũng đã nhắc lại cam kết xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD trong 15 tháng tới để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất đang chịu ảnh hưởng từ nhiều cuộc khủng hoảng. Đây là cam kết hỗ trợ tài chính lớn nhất từ trước tới nay của WB.
Theo Tiến sĩ Martin Frick, Trưởng Văn phòng đại diện WFP tại Đức, tình trạng an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do 3 nguyên nhân chính là xung đột, biến đổi khí hậu và tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, tác động của biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân căn bản nhất khiến lương thực thiết yếu ngày càng thiếu hụt.
Thậm chí, tình trạng này có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng trong những năm tới. Vì vậy, mục tiêu quan trọng căn cơ nhất của thế giới là phải thích ứng hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp tổng thể để khôi phục an ninh lương thực.
Theo báo cáo của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, thế giới hiện có 855 triệu người lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Ở châu Phi, cứ 5 người thì có 1 người phải đối mặt với nạn đói. Còn theo Chương trình lương thực thế giới, gần một nửa trong số 30 triệu người Yemen hiện không đủ thức ăn. Ở Bangladesh, 29 triệu người thiếu ăn, Indonesia cũng có 26 triệu người không đủ lương thực trong năm qua.