Vở 'Không còn đường nào khác': Góc nhìn mới về Tuồng
Nhắc tới những vở Tuồng đề tài chiến tranh cách mạng, khán giả sẽ không thể bỏ qua vở “Không còn đường nào khác” của tác giả Văn Sử đã từng được trình diễn trong những năm 80 thế kỷ trước và được phục dựng vào năm 1994. Mới đây, vở diễn lại được tái hiện lại qua bàn tay của đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ và ê-kíp sáng tạo.
Vở tuồng “Không còn đường nào khác” của tác giả Văn Sử được dàn dựng dựa trên cuốn truyện ký cùng tên của Văn Phác và “Chiến sĩ rừng dừa” của Bích Thuận. Vở diễn khắc họa hình ảnh về nữ tướng Nguyễn Thị Định và phong trào đồng khởi Bến Tre.
Cuộc đời hoạt động cách mạng anh hùng quả cảm, quyết đấu tranh giữa lòng địch của vị nữ tướng này và mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa bà cùng các đồng chí, đồng bào để bên nhau đấu tranh với lũ giặc tàn ác, vô nhân tính… đã được tái hiện một cách nghệ thuật.
Những đau thương của những năm địch lê máy chém đi khắp miền Nam, dùng tiền bạc lung lạc, làm một số kẻ phản bội lại đồng đội, dùng vũ khí để giết hại bà con… tất cả như sống lại trên sàn diễn Tuồng. Vở diễn cũng xúc động khi người xem được chứng kiến sự bao bọc, thậm chí không tiếc hi sinh tính mạng để bảo vệ cán bộ của nhân dân.
Là người gắn bó với vở diễn từ những sáng tạo đầu tiên của đạo diễn Đoàn Anh Thắng ở đợt diễn năm 1986, NSND Lê Tiến Thọ như sống lại những ngày tháng miệt mài lao động đó. Rồi gần chục năm sau, ông lại nỗ lực làm mới qua lần phục dựng năm 1994 cũng đã được nhận xét là vở diễn đậm chất Tuồng hơn với những trò diễn, lời tự sự, nói lối, hát…
Kinh nghiệm nhiều năm tích góp trong nghề đã giúp ông rất nhiều với lần làm đạo diễn cho vở diễn được phục dựng lần thứ ba này. Ông đã mạnh dạn thêm vào màn mở đầu và vĩ thanh, gắn với các vấn đề thời sự hiện nay, khiến vở diễn dễ tiếp nhận hơn.
Với NSND Lê Tiến Thọ, Tuồng như ngấm vào máu. Thế nên, vở diễn rất đậm chất Tuồng nhờ vào sự trau chuốt từng lời thoại sao cho mỗi lời thoại đều giàu nhạc tính, dễ bắt vào nói lối, vào ca và vào việc vận dụng nhuần nhuyễn cách nói, cách hát, các động tác hình thể, trình thức múa của tuồng truyền thống.
Nhiều lớp diễn rất giàu chất liệu Tuồng cổ như lớp bà Tư mẹ cô Ba Định dùng dao cắt cái bớt trên mặt con, cái bớt bị địch dùng làm cơ sở để nhận dạng… nhằm che mắt kẻ thù. Hay lớp miêu tả nỗi đau xé lòng của chú Hai khi con gái bị giết hại. Rồi lớp một chiến sĩ kéo cô Ba Định nằm xuống lòng thuyền, sẵn hy sinh để bảo vệ lãnh đạo…
Cũng phải nói tới sự chuyên nghiệp của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam khi các vai diễn đã hoàn thành rất tốt sự chỉ đạo của đạo diễn, gắn khớp với nhau một cách nhuần nhuyễn để cho ra vở diễn hấp dẫn. Nhiều thế hệ diễn viên đã vào vai chính như thời kỳ đầu là NSND Mẫn Thu trong vai Ba Định, sau đó là NSND Minh Gái và nay là NSƯT Lộc Huyền đã được trao truyền một cách xứng đáng.
Cùng với đó là các diễn viên tài năng ở từng vai đã lao động để diễn xuất, múa, há tạo ra trên sân khấu nhiều không gian sống động chỉ qua những động tác tiêu biểu của tuồng, vừa ước lệ, vừa lãng mạn lại cũng rất hiện đại.
Với một vở Tuồng ra đời từ năm 1986, đến nay đã gần 40 năm mà vẫn nhận được lời khen ngợi từ nhiều người, quả là điều khá thần kỳ. Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thế Khoa cho rằng, vở diễn rất xúc động và có giá trị giáo dục sâu sắc. Nên đưa những vở diễn như thế này về phục vụ cho bà con xứ dừa Bến Tre…
Vở diễn rất Tuồng mà rất hấp dẫn, tiết tấu nhanh, các cảnh diễn, lớp diễn nối tiếp nhau sống động và xúc động được khán giả tiếp nhận hào hứng với những tràng vỗ tay liên tục khi kết thúc mỗi cảnh diễn.