Làm giàu từ nghề trồng nấm rơm
Thời gian qua, sau mỗi vụ thu hoạch lúa nông dân đã tận dụng nguồn rơm rạ để làm nấm rơm. Ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu mô hình này hiện đang ngày càng phát triển mạnh giúp nhiều nông dân vươn lên khá giả.
Cũng như bao nghề khác, nghề làm nấm cũng không phải là dễ dàng. Trồng nấm cần phải có sự cần mẫn sớm hôm, vừa đòi hỏi có sự đúc kết kinh nghiệm và học hỏi kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao theo mong muốn.
Dù tuổi còn trẻ, nhưng anh Võ Văn Lăng, ấp Ninh Phú, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân đã có kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng nấm rơm.
Anh cho biết, đâu phải cứ trồng là trúng, mà mười mấy năm qua anh cũng đã trải qua không ít lần thất bại. Nhưng với bản tính cần cù, siêng năng, chịu học hỏi và không nản lòng trước khó khăn, vì thế những năm gần đây mô hình trồng nấm rơm của gia đình anh luôn trúng mùa và bán được giá cao.
Tận dụng đất trống xung quanh nhà và dưới bóng mát của vườn cây trái, mà diện tích trồng nấm của gia đình anh lăng hiện nay đã tăng lên hơn 4 ngàn mét vuông.
Sau khi ủ rơm và chất rơm thành từng vồng, cấy hơn 1.800 chai meo nấm, vụ nấm có thời gian gần 2 tháng và cho thu hoạch nhiều đợt nấm tươi. Do anh Lăng có kinh nghiệm hay để làm ra nấm rơm có chất lượng tốt, nên thương lái đã đến tận nhà hợp đồng bao tiêu thu mua sau mỗi lần thu hoạch nấm.
Trao đổi với phóng viên, anh Võ Văn Lăng - ấp Ninh Phú, xã Ninh Quới và ông Võ Như Ý - Chủ tịch UBND xã Ninh Quới chia sẻ: “Nói thì dễ nhưng phải nhiều năm kinh nghiệm trong nghề trồng nấm và có phương tiện mới có thể làm được. Nhất là kỹ thuật trồng nấm, trời thì lúc mưa lúc nắng, khi mưa đậy vòng ra làm sao, khi nắng tưới giữ độ ẩm cỡ nào? Nấm sao cho trắng, cho mập, hái bền. Đây là cả vấn đề mà người trồng nấm phải biết cách để xử lý cho đúng. Quan trọng là người trồng phải rải rơm đều, canh tới ngày chất rơm đừng để rơm sống quá hoặc chín quá.
Sau khi chất xuống vòng, khoảng 7 ngày đậy lại, 4 ngày trở tơi, khoảng 14 đến 15 ngày là cho thu hoạch, nếu như nấm trúng, thu hoạch 20 ngày mới hết. Chỉ riêng việc hái nấm thôi cũng đòi hỏi phải biết ý, tay phải nhẹ nhàng, biết cách tách ra từng cụm nấm, nếu như không biết và không khéo sẽ động đến những phôi làm cho nấm sẽ vuột, thối hết, trúng thành thất”.
Ở vùng ngọt của huyện Hồng Dân hiện nay có rất nhiều nông dân làm nghề trồng nấm rơm; trong đó, riêng xã Ninh Quới có hơn 120 hộ. Khi ủ rơm, chất vồng và vô meo chăm sóc kỹ lưỡng, thì sau hơn nửa tháng sẽ cho thu hoạch nấm, mỗi lần thu cách nhau khoảng 10 ngày.
Trung bình khi ủ một chai meo sẽ cho thu về được 2 kg nấm tươi, giá nấm hiện nay từ 40 - 50 ngàn đồng/1 kg, nông dân đã có lãi khá cao với hơn 20 ngàn đồng/chai meo. Đơn cử như gia đình anh Võ Văn Lăng đầu tư 1.800 chai meo, vụ nấm này anh có lãi gần 40 triệu đồng, sau khi đã trừ đi chi phí.
Anh Võ Văn Hoạch, ngụ khu vực ấp Ninh Phú, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân trồng 1.200 mét vòng nấm rơm cho thu hoạch thường xuyên.
Anh Hoạch cho biết: “Tôi làm nghề chất nấm này đã hơn 20 năm. Đối với tôi, nấm rơm trồng được quanh năm kể cả mùa mưa hay nắng, nhưng phải chịu khó đi mua rơm nguyên liệu ở xa”.
Một ghe rơm hơn 20 tấn của anh Hoạch mua ở ở tỉnh ngoài về trồng đợt này được 1.200 mét vòng. Nếu như chất trung bình không trúng, không thất thì thu hoạch được 60 triệu đồng tiền bán nấm, với thời giá 40.000 - 50.000 đồng một ký nấm rơm, chỉ trong vòng 1 tháng mà lời được 25 triệu đồng trở lên.
Theo những người gắn bó với nghề trồng nấm lâu năm ở xã Ninh Quới huyện Hồng Dân, nấm rơm trồng phát triển nhanh lắm, mới tượng hình bằng tăm nhang nhưng ít hôm thì thu hoạch.
“Không gì mê bằng thu hoạch nấm, có ký là có tiền. Khi cao điểm 1.000 mét nấm của tôi hái lên đến 300 ký buổi sáng, còn buổi chiều cũng có mà ít hơn. Ngày bán nấm thu hoạch trên từ vài triệu đến hơn 10 triệu đồng, mê lắm. Nấm hái bao nhiêu thì có mối đến cân, phần nhiều là người ta sấy xuất khẩu, và bán cho người tiêu dùng”, anh Hoạch phấn khởi kể chuyện thu hoạch nấm rơm.
Ông Võ Như Ý, Chủ tịch UBND xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân nhận xét, “Nghề trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kép, thứ nhất tạo thu nhập cho bà con nông, thứ hai là tận dụng được phụ phẩm trong nông nghiệp. Ngoài ra sau khi thu hoạch nấm tận dụng nguồn rợm mục bà con tiếp tục làm phân trồng hoa kiểng. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nhiều nông dân vươn lên khá, giàu”
Trồng nấm không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm cho nông dân mà vừa hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường đang được địa phương này tiếp tục nhân rộng.