Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương: Sử dụng nhiều năm nhưng chưa được nghiệm thu
Được triển khai xây dựng từ năm 2004, đến nay mặc dù đã đưa vào sử dụng nhưng nhiều hạng mục của dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương vẫn chưa được nghiệm thu.
Chưa thể quyết toán do nhà thầu dừng thi công
Tháng 4/2003, dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt do Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư, có tổng nguồn đầu tư là hơn 345 tỷ đồng, với 45 gói thầu. Dự án chính thức được khởi công xây dựng từ năm 2004.
Theo quyết định phê duyệt, dự án trên có quy mô 500 giường bệnh với 6 công trình chính và nhiều công trình phụ trợ gồm các Khoa: Khám và điều trị ngoại trú (một phần khu nhà A hiện nay), Ngoại (khu nhà D hiện nay), Nội nhi (khu nhà C hiện nay), Truyền nhiễm, Dinh dưỡng - bán trú và Trung tâm Nghiệp vụ kỹ thuật (khu nhà B hiện nay)…
Đến năm 2009, dù còn một số hạng mục thi công chưa hoàn thiện nhưng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đã được đưa vào sử dụng một số phòng, nhà tại các khu A, B, C và D với lí giải do nhu cầu cấp bách để thực hiện việc khám, chữa và điều trị bệnh phục vụ nhân dân.
Mặc dù một số công trình của dự án đã hoàn thành do thiếu hồ sơ, điều kiện nên không thể phê duyệt, quyết toán theo quy định. Một số hạng mục đang triển khai thì nhà thầu dừng thi công, chưa được nghiệm thu, bàn giao. Bên cạnh đó, một số hạng mục có sự thay đổi so với hồ sơ thiết kế ban đầu nhưng chưa có sự thống nhất với đơn vị tư vấn thiết kế dẫn đến đơn vị tư vấn thiết kế chưa ký biên bản nghiệm thu, bàn giao… Đây là nguyên nhân chính khiến những bất cập tại dự án này vẫn tồn tại và chưa được giải quyết trong thời gian dài.
Theo thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, các nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa hợp tác nhằm giải quyết các vướng mắc đã khiến việc giải quyết các tồn tại liên quan gặp nhiều khó khăn. Đến nay, một số hạng mục đã xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động.
Không thể kéo dài mãi
Nhằm giải quyết các tồn tại trên, năm 2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đã thuê Công ty CP Sơn Thành tư vấn quản lý dự án độc lập để giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án. Tuy nhiên, đơn vị này mới tư vấn giải quyết được vướng mắc là hạng mục trạm xử lý nước thải thì đến năm 2018, công ty đã xin thôi tư vấn quản lý dự án độc lập tại dự án này. Chủ đầu tư đã liên hệ với nhiều công ty, đơn vị khác nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào ký hợp đồng hợp tác.
Việc giải quyết các vướng mắc tại dự án này càng gặp nhiều khó khăn hơn khi theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công và bảo trì công trình xây dựng thì thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu đối với các dự án có quy mô như dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đều thuộc Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng).
Tháng 1/2022, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND tỉnh Hải Dương xem xét, chỉ đạo, giao chủ đầu tư dự án và các đơn vị tham gia thực hiện dự án khẩn trương thi công hoàn thiện các hạng mục công trình xây dựng thuộc dự án. Đồng thời gấp rút hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu và quyết toán công trình theo quy định. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc này vẫn dậm chân tại chỗ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Tăng Bá Bay - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay về mặt thủ tục, dự án chưa được bàn giao, nghiệm thu dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm và có dấu hiệu xuống cấp. Nguyên nhân do công trình không được bảo trì sửa chữa trong khi cứ sử dụng sẽ xuống cấp nhanh.
“Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương là đơn vị trực tiếp sử dụng công trình. Về mặt nguyên tắc vẫn do chủ đầu tư và các nhà thầu. Các sở, ngành chỉ một phần nào đó thôi. Trong phạm vi trách nhiệm, Sở Xây dựng thấy công trình hiện chưa hoàn thiện đưa vào sử dụng, nghiệm thu và quyết toán. Công trình sử dụng nhiều năm chắc chắn đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng xuống cấp đến đâu thì phải đánh giá chất lượng công trình” - ông Bay nói.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại đây đều tăng cao. Trung bình mỗi năm có trên 345.000 lượt người đến khám và điều trị ngoại trú, hơn 55.000 lượt người điều trị nội trú. Số lượng phẫu thuật, thủ thuật tăng dần qua các năm, đặc biệt là phẫu thuật loại đặc biệt, phẫu thuật loại 1.
Có thể thấy, dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương là 1 dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc, điều trị, đảm bảo sức khỏe của nhân dân. Việc hàng loạt các hạng mục chưa được nghiệm thu, đang có biểu hiện xuống cấp sẽ không bảo đảm an toàn cho tài sản, con người tại bệnh viện và tạo bức xúc trong nhân dân.
Tỉnh Hải Dương cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại dự án này. Đồng thời kiểm tra, xác định có hay không các sai phạm trong quá triển triển khai thực hiện dự án để xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị liên quan. Qua những tồn tại của dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cũng là bài học đặt ra trong công tác quản lý dự án, nhất là đối với những đơn vị chưa có kinh nghiệm, chuyên môn quản lý dự án sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương và các đơn vị tham gia thực hiện dự án cần khẩn trương thi công, hoàn thiện các hạng mục công trình xây dựng thuộc dự án, hoàn thiện hồ sơ dự án để nghiệm thu và quyết toán công trình theo quy định.