Những thanh âm hữu ích
Đối với bà con nhân dân tổ dân phố 12, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, tên người cựu chiến binh - thương binh Chu Mạnh Sơn luôn hết sức gần gũi bởi những việc làm thiết thực. Với đồng đồng chí đồng đội, anh tạo ra những thanh âm hữu ích, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái…
Anh hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Tổ 12, phường Ngọc Lâm, đồng thời làm Giám đốc Công ty Cổ phần Trường Sơn 27/7 Hà Nội - một trong những đơn vị có nhiều đóng góp thiết thực, nhất là ngành nghề xe đặc dụng, thiết bị nạng chống hỗ trợ thương bệnh binh, người khuyết tật trên địa bàn quận Long Biên và các tỉnh thành lân cận.
Trong năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất gặp không ít khó khăn, song người thương binh Chu Mạnh Sơn cùng các đồng chí đồng đội trong công ty đã tiến hành tổ chức trao tặng 2 chiếc xe lăn loại tốt cho Khu điều dưỡng thương bệnh binh Số 1 Hà Đông, thành phố Hà Nội. Cùng với đó, anh tham gia các đợt vận động để xóa đói giảm nghèo trên một số địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc. Người thương binh gương mẫu Chu Mạnh Sơn đã luôn tạo ra những thanh âm hữu ích, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái với đồng chí đồng đội, nhất là với các thương bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình người khuyết tật.
Cựu chiến binh - thương binh Chu Mạnh Sơn sinh năm 1959 tại Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội; anh hiện ở Tổ 12, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đã gắn bó với mảnh đất Long Biên gần hai mươi năm cũng là ngần ấy năm mồ hôi công sức và trí tuệ của người thương binh họ Chu cùng đồng đội dành cho nghề sản xuất, lắp đặt những chiếc xe lăn, xe đặc biệt, thiết bị nạng dành cho thương bệnh binh và người khuyết tật.
Từng có mặt tại chiến trường Campuchia từ năm 1977 đến năm 1987 trong đội hình Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư 341A, tham gia chiến đấu giải phóng các vùng đất Xiêm Riệp, Bát Đom Boong và bị thương năm 1979 với tỷ lệ 41%, song khi trở về cuộc sống đời thường, Chu Mạnh Sơn đã vượt qua nỗi đau thương tật, vượt qua những khó khăn thời hậu chiến. Anh kiên quyết vượt qua những khó khăn thử thách còn là để làm thay những đồng đội đã hy sinh. Đó là các liệt sĩ Trần Văn Kim, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Văn Phước, Đinh Văn Toản... những đồng đội chí thân của anh đã không còn nữa. Họ mất trên tay anh và đồng đội. Có người các anh đã đón được về đất mẹ, có người vẫn còn nằm ở chiến trường.
Từng có nhiều năm tháng chiến đấu ở chiến trường nước bạn Campuchia, đã tôi rèn bản lĩnh người chiến sĩ - thương binh họ Chu trong những lúc cam go đối diện với khó khăn khi phải mưu sinh, lập nghiệp đúng trong giai đoạn cả nước đều lạc hậu, nghèo nàn. Chính những thời khắc chiến đấu cùng đồng đội ở chiến trường đã cho Chu Mạnh Sơn sự bền bỉ, kiên trì và cả những suy nghĩ mới mẻ, quyết tâm phải làm một điều gì đó để giúp cho chính mình, gia đình mình và đồng đội.
Thật may mắn cũng là sự chia sẻ đến tận cùng với anh, chị Ngô Thị Kim Thoa, người bạn đời tấm cám của anh luôn sát cánh bên chồng, không chỉ động viên mà còn đồng hành với anh ở những thời khắc khó khăn nhất. Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn, đầu những năm 80, người con gái họ Ngô đã mạnh dạn và kiên quyết nghỉ chế độ 176 về cùng với chồng xây dựng những viên gạch đầu tiên, và sau này trở thành một trong những thành viên cốt lõi của Công ty Cổ phần Trường Sơn 27/7 Hà Nội.
Thân sinh ra người chiến sĩ - thương binh Chu Mạnh Sơn là cụ Chu Văn Phú - một trong những chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn 48 tham gia nhiều chiến dịch với những chiến công đã đi vào huyền thoại. Chính tấm gương của người cha - người chiến sĩ chống Pháp đã như trao truyền ngọn lửa cho Chu Mạnh Sơn. Cụ Chu Văn Phú đã mất, song mỗi khi nhắc tới cha mình, chúng tôi đều cảm nhận rất rõ sự xúc động bồi hồi của anh.
Với nền nếp gia đình luôn được giáo dục phải biết lấy chữ đức, sự giúp đỡ mọi người, nhất là những người khó khăn, ba người con của gia đình Chu Mạnh Sơn - Ngô Thị Kim Thoa là Chu Thị Phương Nam, Chu Thị Kim Ngân, Chu Thành Công đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm và đã lập gia đình ổn định, càng góp phần tạo nền tảng vững chắc để anh có điều kiện giúp đỡ được xã hội và đồng đội nhiều hơn.
Kể từ khi thành lập công ty, đến nay nhất là trong khoảng hai mươi năm gần đây (2000-2022), người cựu chiến binh - thương binh Chu Mạnh Sơn đã làm rất nhiều việc có ích, trao tặng nhiều phần quà gồm xe lăn, nạng chống, gạo, muối, nhu yếu phẩm cho các trung tâm thương bệnh binh các tỉnh thành: Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh... Tuy số lượng không lớn nhưng tấm lòng của người cựu chiến binh - thương binh là rất đáng ghi nhận. Đây cũng là điểm sáng rất cần được nhân rộng, tuyên truyền để thế hệ trẻ thấy rõ thêm trọng trách của mình.
Đối với chính quyền phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, nhất là các hoạt đồng của Chi hội Cựu chiến binh do anh làm Chi hội trưởng luôn được đánh giá cao với rất nhiều Bằng khen, Giấy khen, Bằng ghi nhận, Bằng chứng nhận cho cá nhân và tập thể Chi hội. Trong căn nhà nhỏ ngõ 27 - Long Biên 1, các bức tường đều treo kín Bằng khen, Giấy khen, Huân Huy chương. Người khác tự hào với nhà cao cửa rộng, riêng vợ chồng Chu Mạnh Sơn - Ngô Thị Kim Thoa lại tự hào sự đơn sơ, giản dị nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của con cháu trong sắc màu lấp lánh Huân Huy chương.
Trao đổi với chúng tôi, anh luôn trăn trở phải làm điều gì đó tốt hơn nữa cho gia đình và xã hội, nhất là đối với đồng chí, đồng đội, các đối tượng chính sách chịu nhiều thiệt thòi, những người thiếu khuyết những phần cơ thể luôn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Câu chuyện với anh thường là những chuyến đi nặng tình nặng nghĩa, những thân phận nhọc nhằn khắp các tỉnh thành phía Bắc. Tập thể đơn vị anh và Chi hội đang chuẩn bị cho chuyến đi dâng hương nghĩa tình đồng đội nơi thành cổ Quảng Trị. Các thành viên ai cũng mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho chuyến đi. Như những thanh âm hữu ích, chính từ những chuyến đi như thế, đã thắp thêm ngọn lửa nhiệt thành và trách nhiệm trong cuộc sống bộn bề phía trước.
Các thành viên trong Chi hội do cựu chiến binh - thương binh Chu Mạnh Sơn làm Chi hội trưởng luôn ý thức và hết sức gương mẫu trong gia đình và trong các hoạt động xã hội. Các thành viên luôn xác định đói cho sạch, rách cho thơm. Đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường, nay trở về có được gia đình, tổ ấm đã là rất đáng quý.
Bởi vậy, trong những lúc cuộc sống gặp nhiều cam go, thử thách, thậm chí là sự cám dỗ về vật chất, song các anh - những người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn giữ vững được truyền thống và bản chất tốt đẹp của mình. Mỗi cuộc sinh hoạt Chi hội luôn như một cuộc giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tìm tòi và hướng tới những việc làm thiết thực, hữu ích. Ai cũng sẵn sàng dành thời gian, trí tuệ và nguồn vật chất ít ỏi của mình để giúp đỡ những người còn chịu nhiều thiệt thòi hơn mình trong cuộc sống.
Phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội luôn đề cao các giá trị truyền thống, trân trọng sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, những người có công trong đó luôn trân trọng những đóng góp dù còn nhỏ của mỗi con người cụ thể, Chi hội cụ thể, trong đó có Chi hội Cựu chiến binh Tổ 12. Năm tháng thời gian trôi đi, những thanh âm hữu ích luôn còn lại. Như ngoài kia sông Hồng đang lặng lẽ dâng mật phù sa cho mướt mát đôi bờ. Cũng như sông, những người lính, người thương binh dù thiếu khuyết một phần thân thể vẫn gắng đem hết trí tuệ và sức lực của mình góp vào mùa màng chung, góp nên thành cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ngày nào cũng thế, vợ chồng người cựu chiến binh - thương binh Chu Mạnh Sơn - Ngô Thị Kim Thoa đều dậy rất sớm và khởi đầu ngày mới bằng những công việc giản dị, quen thuộc của mình. Chiếc xe của anh lại lăn bánh chuyên chở hàng hóa, chuyên chở nghĩa tình tới khắp nơi, góp phần làm đẹp thêm xóm mạc, phố phường. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh thương binh họ Chu như vẫn còn trẻ lắm, tiếng cười luôn rạng rỡ và những suy nghĩ thì luôn hướng về những công việc hữu ích ở đời. Được gần anh, chứng kiến những việc làm thiết thực của anh và đồng đội, chúng tôi như càng tin thêm, yêu thêm cuộc sống này.