Từ tam giác quỷ đến thung lũng tử thần
Cái tên "Tam giác quỷ Bermuda" từ lâu đã khiến người ta rợn tóc gáy. Nhưng nó không chỉ có ở một vùng biển bí ẩn và hung dữ mà có cả trên đất liền với tên gọi là "Thung lũng tử thần". Một điểm như vậy thuộc về Thung lũng Parvati ở bắc Ấn Độ. Mới đây một người phụ nữ có tên Manica đã kể về sự “biến mất” của em trai mình, Agarwal, 32 tuổi:
"Nó lia điện thoại từ bên này sang bên khác và tỏ ra rất vui khi cho chúng tôi xem những ngọn núi phủ tuyết của dãy Himalaya. Nhưng khi Agarwal bất ngờ cúi xuống như thể đang nhặt thứ gì đó, cuộc gọi bỗng nhiên bị ngắt kết nối. Đó là lần cuối cùng gia đình liên lạc với Agarwal rồi không còn bất cứ dấu vết nào khi đi vào thung lũng tử thần Parvati”.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Discover, nhà khoa học Nathaniel Scharping cho rằng hóa ra khu vực Tam giác quỷ Bermuda lại là nơi đông đúc các phương tiện tàu bè và máy bay qua lại. "Bất cứ khu vực nào có nhiều tàu thuyền đi ngang qua có thể ghi nhận nhiều vụ tai nạn hơn là khu vực có ít hoạt động. Thêm vào đó, sự thật là Tam giác Bermuda thường xảy ra bão và điều này có thể khiến tàu thuyền, kể cả máy bay biến mất"- ông Scharping giải thích.
Nhưng đó cũng chỉ là một cách lý giải trong vô số cách giải thích nguyên nhân dẫn tới những vụ mất tích bí ẩn ở vùng biển được gọi là Bermuda. Trong thực tế, những gì đã xảy ra ở “tam giác quỷ” này còn ghê gớm hơn nhiều.
Những vụ mất tích bí ẩn và kinh hoàng trên đại dương
77 năm trước, một phi đội bay gồm 5 máy bay ném ngư lôi của quân đội Mỹ bất ngờ bị mất tích khi bay qua vùng Tam giác quỷ Bermuda. Cho tới tận bây giờ, không biết bao nhiêu cuộc tìm kiếm nhưng vẫn chỉ là vô vọng. Tam giác quỷ Bermuda nằm giữa bang Florida của Mỹ, đảo Pueto Rico và quốc đảo Bermuda, với những vụ mất tích bí ẩn của tàu thuyền và máy bay, nó đã có tên trên bản đồ thế giới như một vùng lãnh hải “có chủ quyền” dù không ai nhận mình là chủ sở hữu.
Trở lại với vụ phi đội máy bay Mỹ mất tích 77 năm về trước. Đó là một ngày bình thường như bất cứ ngày nào, nhưng đó lại là ngày định mệnh khi 5 máy bay ném ngư lôi của Hải quân Mỹ biến mất khi đang chuẩn bị tham gia một cuộc tập trận. Có tới 14 phi công đã mất tích trong vụ này, cùng với đó là 13 thành viên của phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, tìm kiếm.
Vào lúc 2 giờ 10 phút chiều ngày 5/12/1945, phi đội 19 gồm 5 máy bay ném ngư lôi TBM Avenger được lệnh cất cánh. Đội hình bay của phi đội được sắp xếp thành hình tam giác. Về lịch trình bay, đầu tiên phi đội 19 sẽ bay về phía Đông để thực hiện một cuộc ném bom. Sau đó, 5 chiếc TBM Avenger sẽ quay về phía Bắc qua đảo Grand Bahamas trước khi đổi hướng về phía Tây Nam và quay trở lại căn cứ.
Hầu hết các thành viên tham gia cuộc tập trận đều là các phi công lành nghề, đã có kinh nghiệm ít nhất 300 giờ bay. Phi đoàn trường, Trung úy Charles C. Taylor cũng là phi công dày dặn kinh nghiệm với hơn 2.500 giờ bay tích lũy và từng tham chiến ở mặt trận Thái Bình dương trong Thế chiến II.
Vào lúc 15 giờ, phi đội 19 thực hiện thành công màn thực hành ném bom tại bãi san hô cạn Hens and Chicken Shoals thuộc quần đảo Bahamas. Sau đó, nó bay qua khu vực Bermuda để trở về căn cứ thì những sự việc kỳ lạ bắt đầu xảy ra: Phi đội 19 bỗng bay chệch hướng với kế hoạch ban đầu. Phi đoàn trưởng, Trung úy Charles C.Taylor báo cáo cả 2 la bàn trên máy bay của mình đã bị hỏng, khiến cả phi hành đoàn bị lạc đường. 4 máy bay còn lại dường như cũng gặp trục trặc tương tự. Tiếp đó, cả phi đội bay vào một đám mây dày kèm mưa to và gió giật mạnh khiến các phi công bị mất phương hướng.
Phi đoàn trưởng Taylor liên lạc với trung tâm giọng đầy lo lắng: "Cả hai la bàn của chúng tôi đều bị hỏng. Chúng tôi đang cố gắng tìm hướng Florida. Chúng tôi đã bay một quãng đường dài nhưng la bàn không phản hồi. Có lẽ chúng tôi đang ở trong quần đảo Florida Keys, nhưng tôi không biết cách nào để trở về căn cứ ".
Đây là một thông báo hết sức vô lý của phi đoàn trưởng Taylor bởi một tiếng trước đó, phi đoàn 19 đã bay qua Bahamas. Tuy nhiên, Taylor lại tin rằng chiếc máy bay của mình bằng một cách nào đó đã lạc hướng và bay xa cách đó hàng trăm dặm.
Về lý thuyết khi la bàn hỏng và lạc đường, các phi công sẽ bay về hướng mặt trời lặn để trở về đất liền, nhưng Taylor lại đưa ra một quyết định khá khó hiểu khi bay xa hơn ra biển theo hướng Đông Bắc do tin rằng Phi đội 19 đang bay ở vịnh Mexico. Vào thời điểm Taylor nhận ra sai lầm, các máy bay trong phi đội 19 đã chuẩn bị cạn kiệt nhiên liệu.
Đến 7 giờ 30 phút tối, Hải quân Mỹ đã quyết định cử 2 chiếc thủy phi cơ trinh sát PBM Mariner để tìm kiếm phi đội 19. Nhưng rồi 1 giờ sau đó, một trong hai chiếc thủy phi cơ PBM Mariner đã biến mất một cách bí ẩn trên màn hình radar.
Vụ mất tích bí ẩn của 14 phi công thuộc phi đội 19 và 13 thành viên máy bay cứu hộ PBM Mariner đã mở ra một trong những cuộc tìm kiếm trên không và trên biển lớn nhất thời bấy giờ. Đã có hàng trăm tàu và máy bay được huy động đi khắp Đại Tây dương, Vịnh Mexico cũng như một số vùng nội địa của Florida để tìm kiếm tung tích. Nhưng rồi bất chấp mọi nỗ lực và thời gian cứ thế trôi đi, người ta không tìm thấy bất kỳ một dấu vết nào của phi hành đoàn và những chiếc máy bay mất tích.
Và cũng từ đó, Tam giác quỷ Bermuda càng trở nên đáng sợ hơn.
Ngược thời gian, những câu chuyện xung quanh Tam giác quỷ Bermuda bắt đầu từ thời Christopher Columbus, nhưng nó được đặc biệt chú ý từ thế kỷ 20 khi tàu chở hàng của Hải quân USS Cyclops với hơn 300 người trên tàu bị mất tích trong khu vực này. Đây là một trong những câu chuyện bí ẩn nhất về các vụ đắm tàu. Con tàu bị mắc kẹt trên biển sau khi bắt đầu hành trình từ New York đến Genova, Italy. Có 7 thành viên thủy thủ đoàn cùng thuyền trưởng Benjamin Briggs, vợ và con gái 2 tuổi của ông ở trên tàu, tại thời điểm này con tàu chứa đầy rượu. Vào tháng 12/1872, một con tàu của Anh đã tìm thấy tàu Mary Celeste ngoài khơi quần đảo Azores, gần Tam giác quỷ với mọi thứ hầu như nguyên vẹn, ngoại trừ toàn bộ thủy thủ đoàn đã biến mất cùng với thuyền cứu sinh.
Đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được tại sao một nhóm thủy thủ đoàn hoàn toàn lành nghề vào một ngày thời tiết tốt với con tàu của họ hoàn toàn không hỏng hóc tự nhiên lại biến mất?
Vào năm 1881, tàu Ellen Austin dài 64m đang trên đường từ London đến New York khi tiến gần Tam giác quỷ Bermuda thì phát hiện ra một con tàu không người lái đang trôi dạt phía trước. Thuyền trưởng Baker của Ellen Austin đã cử một nhóm thủy thủ đoàn của mình sang rồi kéo con tàu này đi theo. Nhưng sau đó vài ngày thì con tàu vô chủ tự nhiên tách ra và đột ngột biến mất. Đáng kinh ngạc là 1 tuần sau, thuyền trưởng Baker lại tình cờ phát hiện ra con tàu đang trôi dạt phía xa. Sau nhiều giờ nỗ lực, Ellen Austin đuổi kịp con tàu và bàng hoàng phát hiện ra nhóm thủy thủ đoàn của ông đã mất tích mà không bao giờ có cơ hội để làm sáng tỏ.
Vào năm 1918, một con tàu khổng lồ đã lên đường từ Brazil đến Baltimore qua khu vực Bermuda, mang theo 10.800 tấn quặng mangan với khoảng 309 thuyền viên trên tàu. Khởi hành suôn sẻ nhưng rồi người ta không hề nghe được bất kỳ tin tức nào từ tàu USS Cyclops nữa. Các trung tâm tìm kiếm, cứu hộ đã rà soát toàn bộ khu vực nhưng không hề tìm được chút manh mối nào. Không có phần còn lại của con tàu hoặc bất kỳ thủy thủ đoàn nào trên tàu được tìm thấy. Sự biến mất không để lại bất kỳ một chút dấu vết nào đã đưa Cyclops lọt vào danh sách hơn 100 tàu và máy bay đã biến mất một cách kỳ lạ ở Tam giác quỷ Bermuda.
Có lẽ vụ mất tích bí ẩn ở vùng biển ghê sợ này “ở thời hiện đại” là vào tháng 12/1967, một du thuyền có tên Witchcraft rời khỏi Miami. Cuộc hành trình của “những quý ông” trên chiếc du thuyền sang trọng dài 7m là để tận hưởng khung cảnh tuyệt vời của đêm giáng sinh Miami. Tuy nhiên, sau khi cách bờ biển chỉ 1,6km, lực lượng bảo vệ bờ biển nhận được cuộc gọi từ thuyền trưởng nói rằng, con tàu của ông đã đâm phải thứ gì đó. Khi đội cứu hộ tiếp cận được khu vực tàu Witchcraft phát tín hiệu gặp nạn thì họ thấy một vùng biển trống không, không có dấu hiệu của bất kỳ con tàu nào bị mắc kẹt hoặc thậm chí có mặt tại đây trước đó.
Điều kỳ lạ nhất trong vụ này là Witchcraft là một con tàu hiện đại đắt tiền nó có rất nhiều thiết bị cứu sinh, bao gồm áo phao, xuồng cứu sinh, pháo sáng, thiết bị báo hiệu sự cố... nhưng chúng không hề được sử dụng và con tàu cứ thế mất tăm. Người ta đã “lộn ngược cả đại dương lên” để tìm kiếm nhưng cho đến nay vẫn không có dấu hiệu gì về con tàu này.
Thung lũng của tử thần
Trở lại với câu chuyện của Agarwal, người đàn ông 32 tuổi mất tích bí ẩn trong một cuộc du ngoạn ở Parvati (Ấn Độ). Đã từ lâu, vùng đất thuộc địa phận bang Himachal Pradesh đã cực kỳ nổi tiếng, khi Thung lũng Parvati được mệnh danh là “Tam giác quỷ Bermuda của Ấn Độ".
Không có số liệu thống kê chính thức, nhưng truyền thông Ấn Độ cho biết ít nhất 21 du khách đã mất tích tại đây trong khoảng 30 năm. Người dân địa phương khẳng định con số thật còn cao hơn thế. Các bức tường nhà vệ sinh công cộng trên các con đường xung quanh Parvati dán đầy các tấm áp phích tìm kiếm những người mất tích.
Nhưng theo Aditya Kant- tác giả cuốn sách lấy bối cảnh Thung lũng Parvati thì bất chấp các vụ biến mất bí ẩn, du khách vẫn tìm tới đây một phần là vẻ đẹp hùng vĩ của nó, một phần là vì tò mò, “họ muốn được dựng tóc gáy hoặc có người lại muốn mình bỗng được đưa đến một thế giới khác đầy kỳ lạ”- Kant nói.
Tới nay, Thung lũng Parvati dù đã đông du khách hơn nhưng vẫn âm u và bí ẩn. Vùng thượng lưu của thung lũng không có đường dành cho xe cơ giới. Cách duy nhất tới đó là đi bộ xuyên rừng, thường là dọc theo những con đường hẹp ngoằn ngoèo trên những sườn núi cao. "Thung lũng này nguy hiểm bởi các con dốc hẹp dần khi bạn leo lên cao"- Manu Mahajan, một người leo núi thuộc Hiệp hội Cứu hộ Himalaya chia sẻ. Mahajan đã từng tham gia vào nhiều cuộc tìm kiếm khác nhau trong nhiều năm. “Nhưng thông thường kết quả cũng có nghĩa là tìm thấy hài cốt của một người đã chết”- Mahajan nói.
Còn có một thung lũng chết chóc nữa, cũng rất nổi tiếng: Đó là Thung lũng Bennington, được ví như địa điểm "hút" người mất tích. Bennington là một vùng thuộc phía tây nam Vermont (đông bắc nước Mỹ) bao quanh là núi Glastenbury. Với quá nhiều chết chóc và những điều bí ẩn, nó được người đời gọi là “Tam giác quỷ trên cạn”, khi liên tiếp xảy ra những vụ mất tích kỳ quái.
Đầu tiên là Middie Rivers- một hướng dẫn viên du lịch. Rivers dẫn đầu một nhóm leo núi trở về trại của họ vào tháng 11/1945. Chỉ trong một lần Rivers vượt lên trước cả nhóm nhưng vẫn không khuất tầm mắt mọi người, đột nhiên anh hoàn toàn biến mất như bị những ngọn gió ma quái cuốn đi.
Người dân trong vùng đến nay vẫn kể lại câu chuyện về Paula Welden- một nữ sinh viên đại học trẻ tuổi xinh tươi mất tích vào năm 1946. Cô đã được người dân địa phương cảnh báo rằng chỉ với một chiếc áo khoác mỏng màu đỏ thì hãy coi chừng thời tiết dị thường của ngọn núi này. Nhưng cô vẫn đi vào thung lũng và 1 ngày sau không ai còn thấy cô nữa. Mọi nỗ lực tìm kiếm tung tích cô sinh viên đều không thu được kết quả.
Kỳ quái hơn, đó là vào tháng 10/1946, Paul Jepson, 8 tuổi đã biến mất ngay tại trang trại gia đình mình trong thung lũng. Mẹ Paul đã để cậu bé chơi gần chuồng lợn trong khi bà đang cho chúng ăn. Lúc sau quay lại, bà đã không thể tìm thấy con của mình mà chỉ lạnh buốt khi quanh mình là những cuộn gió ào ạt thổi.
Vào năm 1949, cựu binh James Tetford đã biến mất khỏi một chiếc xe buýt trước sự chứng kiến của 14 hành khách. Trên xe, Tetford ngủ gật nhưng khi đến trạm cuối thì không ai còn thấy anh ta đâu.
Những sự kiện không giải thích được liên quan đến Thung lũng Bennington đã khiến người ta nảy ra các suy đoán điên rồ. Chuyện càng trở nên ly kỳ hơn với lời đồn về UFO và người khổng lồ Bigfoot trong khu vực này. Có người còn cho rằng đây là vùng đất bị nguyền rủa liên quan tới hiện tượng siêu nhiên như những cơn gió kỳ quái cuốn bất cứ ai khi nó muốn. Những vụ mất tích cùng với ánh sáng, âm thanh và mùi lạ dẫn đến các thuyết âm mưu về sự xuất hiện của UFO.
“Gió điên là thủ phạm của những vụ “bắt cóc” bí ẩn. Người ta thường chỉ nhìn thấy nạn nhân lần cuối là từ 3 đến 4 giờ chiều và hầu hết đều nằm trong 3 tháng cuối năm, khi những cơn gió bất ngờ rượt đuổi nhau trong thung lũng”- mẹ của Paul Jepson buồn rầu nói khi nhớ lại sự mất tích bí ẩn của con trai mình.
Ma trận giả thuyết
Nếu như cách giải thích về bí ẩn Thung lũng Parvati và Thung lũng Bennington thiếu thuyết phục, thiên về siêu nhiên, thì với Tam giác quỷ Bermuda, các nhà hải dương học tới nay vẫn không thôi tìm cách “giải mã” nó. Sự bí ẩn kéo dài hàng trăm năm của Tam giác Bermuda đã khiến nó trở thành chủ đề luôn được quan tâm. Một số người nêu giả thuyết cho rằng đây là khu vực có người ngoài hành tinh hoạt động, trong khi nhiều người tin dưới lòng đại dương kia là một thành phố và một nền văn minh khác dưới nước. Tuy nhiên, các câu chuyện này được xem là hư cấu nhiều hơn là những sự thật có bằng chứng.
"Ma trận" giả thuyết đã xuất hiện với hàng loạt các cách lý giải khác nhau. Giới khoa học nghiêng về giả thuyết một số vụ mất tích diễn ra nhanh và nghiêm trọng chính là do rơi vào xoáy nước dữ dội (hay còn gọi là “hố đen đại dương”) khi các vụ phun trào khí Methane từ đáy biển, kéo các con tàu, kể cả máy bay chìm xuống "nghĩa địa" trong lòng biển khơi. Theo đó, nếu lượng lớn khí Methane thoát ra từ đáy đại dương, nó có thể tạo ra các bong bóng lớn đủ làm nước biển biến động dữ dội. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, có thể chỉ vài giây, tới mức mà những người trên các phương tiện không có đủ thời gian để phát tín hiệu cầu cứu hoặc trốn thoát khỏi tàu.
Một giả thuyết khác cũng được cho là từ cơ sở khoa học cho là lúc xảy ra tai nạn đã xuất hiện hiện tượng "vòi rồng nước", giống như lốc xoáy trên đại dương, gây ra hiện tượng hút nước cực mạnh vào vòi rồng, đồng thời gây ra nhiễu loạn từ trường, làm sai lạc la bàn.
Tuy nhiên, giả thuyết về khí Methane dưới đáy biển phun trào đã bị bác bỏ bởi nhà địa chất khảo sát địa chất người Mỹ Bill Dillon. Ông Dilton cho biết, không có bất cứ bằng chứng nào về việc khí Methane phun lên từ đáy biển ở khu vực này trong thời gian gần đây. Lần cuối cùng một hiện tượng tương tự như vậy xảy ra là vào 15.000 năm trước. Còn với giả thuyết về từ trường nhiễu loạn khiến la bàn bị lệch hướng thì cũng không có bằng chứng nào cho thấy từ trường ở Tam giác Bermuda bất thường và điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào bản đồ từ tính của khu vực.
“Ma trận” giả thuyết về Tam giác quỷ Bermuda cũng như những “Thung lũng tử thần” vẫn đang tiếp tục thử thách trí tuệ của con người. Nó vẫn tồn tại như những thách thức, những bí ẩn không lời giải, mặt khác cũng là lời cảnh báo rằng hiểm nguy có thể đến vào lúc bất ngờ nhất. Vì vậy, hãy cảnh giác!
Tờ International Business Timesđưa tin, những miệng hố rộng 500m và sâu 46m tại vùng biển Na Uy có thể do khí gas rò rỉ từ những quặng dầu khí nằm sâu dưới đáy biển gây ra. Khí gas tích tụ ở lớp trầm tích trước khi tạo ra các vụ nổ ở đáy biển và vùng nước xung quanh. "Vô số miệng hố khổng lồ tồn tại ở đáy biển khu vực trung tây biển Barent có thể là kết quả của những vụ nổ khí gas quy mô lớn. Vùng miệng hố chắc chắn là một trong những điểm nóng giải phóng khí methane ở Bắc Cực"- nhóm nghiên cứu tại Đại học Na Uy cho biết.
Phát hiện này có thể đưa đến giải thích khoa học cho những vụ mất tích bí ẩn xảy ra trên đại dương, trong đó có Tam giác quỷ Bermuda. Công bố trên được Liên đoàn Khoa học Địa chất châu Âu xác nhận khi biết rằng khả năng đe dọa an toàn tàu thuyền chính là bọt khí Methane. Từ khi được ghi nhận vào năm 1851, ước tính khoảng 8.127 người đã mất tích ở Tam giác Bermuda. “Những quặng khí Methane đóng băng có thể phát nổ dữ dội, đủ khả năng nhấn chìm các con tàu lớn trong nháy mắt. Tại vùng biển Bermuda cũng thường xuyên xuất hiện vòi rồng với sức gió lên đến 190 km/h, phổ biến vào mùa hè khi không khí ẩm ướt và nước biển ấm nóng. Đó có lẽ là cách giải thích hợp lý hơn cả về vùng biển dữ dội này”- đại diện nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Na Uy nói.