An toàn, minh bạch thị trường chứng khoán

PHƯƠNG CHI 24/04/2022 07:07

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước phải phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật.

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế.

Trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác phải yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Bộ Công an được yêu cầu chủ động nắm tình hình để thực hiện các biện pháp phù hợp, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Thị trường chứng khoán vẫn chưa hết nóng khi tiếp tục có nhiều đối tượng thao túng giá cổ phiếu bị bắt giam. Nhìn lại những vụ việc vừa qua, giới chuyên gia cho rằng, thời điểm này cần nhất là thanh lọc để mang lại sự trong sạch cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán “lao dốc”

Từ đầu tháng 4/2022, một số vụ việc và thông tin tiêu cực đã tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index giảm từ 1.492 điểm vào cuối tháng 3 xuống 1.384 điểm vào ngày 20/4, tương đương mức giảm 7,2%. Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM) là một trong những công ty đầu ngành trong lĩnh vực đầu tư tài chính ở Việt Nam phân tích: Thông tin những vụ xử lý vi phạm của các lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 29/3, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt giữ với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán.

Tiếp theo đó, ngày 5/4/2022, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của các nhà đầu tư thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng của 3 Công ty Ngôi sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Vụ việc của Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh khiến các nhà đầu tư lo lắng việc điều tra sẽ được mở rộng sang các công ty khác, nhất là đối với các công ty bị nghi ngờ về thao túng giá cổ phiếu và các công ty có tình hình tài chính không tốt, không minh bạch trong việc phát hành trái phiếu.

Hàng loạt các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, đã tăng nóng từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực, đồng loạt bị bán tháo và giảm mạnh ảnh hưởng đến toàn thị trường chung.

Chưa dừng lại, ngày 20/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiếp tục có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 cá nhân về tội thao túng thị trường chứng khoán, gồm: Đỗ Thành Nhân - chủ tịch Công ty CP Louis Holdings, thành viên hội đồng quản trị Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land; Trịnh Thị Thúy Linh - giám đốc hành chính Công ty CP Louis Holding; Đỗ Đức Nam - tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên - nhân viên dịch vụ tài chính Công ty CP Chứng khoán Trí Việt.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài các nguyên nhân khách quan trên, thị trường chứng khoán cũng một phần chịu tác động tâm lý vì thông tin các vụ việc khởi tố, bắt tạm giam một số cá nhân, lãnh đạo sai phạm trên thị trường.

Tuy nhiên những tác động tâm lý chỉ là ngắn hạn, nhà đầu tư trên thị trường cần bình tĩnh bởi triển vọng và dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực.

Những hành động quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý nên nhìn nhận ở góc độ tích cực nhằm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính, hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Có đáng lo ngại?

Trao đổi tại buổi tọa đàm về thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: Không chỉ Việt Nam mà các thị trường quốc tế đều trải qua những giai đoạn phát triển nóng như thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới.

Thị trường chứng khoán vẫn rất tiềm năng

Liên quan tới một số vụ việc thao túng thị trường chứng khoán vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng... giám sát, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử nghiêm các hành vi thao túng giá chứng khoán.

Theo ông Hồ Đức Phớc, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Nhưng nhiều tin đồn thất thiệt thời gian qua đã gây lo lắng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Dù vậy, thị trường vẫn rất tiềm năng, bằng chứng là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh tay mua vào khi nhiều nhà đầu tư cá nhân đua nhau bán và giá nhiều cổ phiếu lao dốc.

Với trái phiếu doanh nghiệp, vừa qua có xảy ra một số sai phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng đây là sai phạm cá biệt, còn đại đa số doanh nghiệp đều phát hành trái phiếu đúng quy định.

Ông Phớc tin tưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển và là kênh huy động vốn hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có những biện pháp nhằm hạn chế tối đa những lỗ hổng, nhược điểm, tăng cường tính minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Nghĩa, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh thị trường chứng khoán. Có thể thấy, xung quanh các nước Đông Nam Á có tới 40-50% dân số đầu tư chứng khoán.

Cá biệt như Đài Loan (Trung Quốc) có tới hơn 70% dân số đầu tư chứng khoán. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5% dân số nên dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn.

“Yếu tố thứ 2 là kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh và mạnh, đây là một trong những điểm vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán. Thị trường vẫn sẽ rất tiềm năng nếu kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là ở các ngành dịch vụ công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Cho rằng nhà đầu tư không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích: Hiện thị trường bức xúc khi các nhóm “thổi giá” hoạt động mạnh mẽ mà không có động thái giám sát, cảnh báo vì những động thái này sẽ giúp tránh được hiện tượng mất niềm tin thị trường. Bởi điểm yếu lớn nhất thị trường hiện nay là chưa thực sự minh bạch.

Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai, số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo nhà đầu tư song song với hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch định hướng phát triển.

Vấn đề đặt ra là việc làm sạch thị trường chứng khoán phải là ưu tiên hàng đầu, nhưng đó cũng là một bài toán không dễ.

Để quản lý tốt hơn, TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị, phải để Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ chứ không thể để thuộc Bộ Tài chính như lâu nay.

Bởi thị trường chứng khoán có tính rủi ro cao không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất.

“Trong tương lai, nếu Ủy ban Chứng khoán nhà nước được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng thị trường chứng khoán minh bạch. Việc này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn nếu có sự thay đổi về tổ chức”, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng kiến nghị một cơ chế bình ổn thị trường. “Hiện nay, chúng ta rơi vào tình trạng khi chứng khoán giảm không có ai mua, khi tăng không ai bán. Trong khi Mỹ có 11 công ty, Nhật có 4 công ty chuyên làm nhiệm vụ để bình ổn thị trường chứng khoán”, TS Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng.

Kiểm soát điều kiện phát hành trái phiếu

Đáng chú ý, về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hoàn chỉnh các thể chế, chính sách, nhất là Nghị định 153 sửa đổi, quy định điều kiện được phát hành trái phiếu, do ở ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cần phải quy định vốn vay/vốn chủ sở hữu, cân đối giữa vốn vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu ở mức hợp lý.

Rồi quá trình doanh nghiệp thành lập bao nhiêu năm hay các vấn đề liên quan như doanh nghiệp có lãi hay không có lãi… Ngoài ra, nếu có xếp hạng tín nhiệm đầy đủ sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn doanh nghiệp phát hành.

Trước mắt, cần quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

Cần phải chú trọng phát triển thị trường chứng khoán chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là những vấn đề rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.

Ở một góc nhìn khác, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đông Á cho rằng thời gian qua, doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là phát hành.

Điều này cho thấy hình thức phát hành này quá dễ dàng. Còn khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành thì sẽ khó khăn hơn nhiều. Đó là nguyên nhân hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân… Chưa kể, chất lượng hậu kiểm là doanh nghiệp phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không.

Ông Huỳnh Anh Tuấn nêu hạn chế: Ngay quy định về các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cần vốn khoảng 2 tỉ đồng trở lên thì các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối cũng có thể dễ dàng lách luật giúp chuyển thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thực tế, dù có mác “chuyên nghiệp” nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về doanh nghiệp mà chỉ thông qua kênh môi giới.

Chưa kể, các tập đoàn lớn không đứng ra phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua công ty con, không có thương hiệu, còn người mua trái phiếu chỉ nhìn tập đoàn lớn là rất rủi ro... “Do đó, cần quy định để kiểm soát được điều kiện phát hành trái phiếu, nếu không các tập đoàn đều không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con, là hình thức mượn kẽ hở của pháp luật”, ông Tuấn kiến nghị.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI nhận định, việc cơ quan chức năng kiểm soát việc giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán nhưng thực sự vẫn theo xu thế chung của thị trường thế giới. Dù vậy, việc lành mạnh hóa thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời

Thị trường chứng khoán được mệnh danh là thị trường mà “tiếng vo ve của con muỗi ở đầu vào sẽ trở thành tiếng bom ở đầu ra”. Nếu không có những giải pháp kịp thời, mạnh và đúng để giữ lòng tin thị trường thì nguy cơ sẽ rất khó lường.

Để ngăn chặn nguy cơ “khuếch đại” tác động tiêu cực, tranh thủ “đục nước béo cò”, Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp mạnh và kiên quyết đối với những sai phạm trong hoạt động giao dịch chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, tác động tiêu cực và nguy cơ lan rộng, gây bất ổn thị trường và tổn thất tài sản cho doanh nghiệp.

Chỉ đạo của Thủ tướng đã thể hiện rõ qua các công điện “khẩn”, cho thấy cách tiếp cận vấn đề kiên quyết, làm rõ tình thế, vấn đề, trách nhiệm và chỉ đạo phối hợp hành động. Các công điện nêu rõ thông điệp: Xử lý vụ việc đúng người, đúng tội, không quy kết sai phạm cá nhân và tạo tình thế “tát nước theo mưa”, gây tổn hại cho doanh nghiệp và làm bất ổn môi trường kinh doanh.

PHƯƠNG CHI