Ai sẽ là chủ điện Elysee?

THẾ TUẤN 24/04/2022 10:10

Hôm nay, 24/4, cử tri Pháp bỏ phiếu vòng hai bầu Tổng thống. Hai ứng cử viên cao phiếu nhất vòng một là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron (45 tuổi) và bà Marine Le Pen (54 tuổi) sẽ “so găng” trận cuối trước khi một trong hai người bước vào điện Elysee. Đây cũng là lần thứ hai sau 5 năm, hai đối thủ tái đấu, khi mà vào năm 2017 ông Macron đã thắng bà Le Pen ở vòng hai của cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống nước Pháp.

Đương kim Tổng thống Pháp Macron vận động tranh cử tại thành phố Strasbourg.

Cho dù được giới quan sát nhận xét khá tích cực khi có những bứt phá “ngoạn mục” trong cuộc đua, nhưng chỉ còn đúng một tuần thì cuộc bỏ phiếu quyết định vòng hai diễn ra, vào ngày 17/4 bất ngờ bà Le Pen bị Cơ quan phòng chống tham nhũng của Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc bà cùng một số thành viên trong đảng của bà (đảng Tập hợp quốc gia - RN) biển thủ khoảng 670.000 USD khi còn là thành viên của Nghị viện châu Âu - theo The Guardian, giai đoạn 2004-2017.

Nói như Luật sư Rodolphe Bosselut thì thật thất vọng với cách hành xử của OLAFT (Cơ quan phòng chống tham nhũng của EU), coi đây là một phần của chiến lược “thao túng” nhằm gây bất lợi cho bà Le Pen. Tuy nhiên, những người ủng hộ vẫn tin rằng những cáo buộc đó không ngăn được bà Le Pen bước vào điện Elysee “sau ngày bỏ phiếu lịch sử 24/4/2022”; cho dù những thăm dò dư luận mới nhất thì ông Macron đã chiếm ưu thế.

Cụ thể, với 16 cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành kể từ cuộc bỏ phiếu vòng một (ngày 10/4) tới trước ngày bỏ phiếu vòng hai (ngày 24/4) cho thấy đương kim Tổng thống Macron dẫn trước bà Le Pen từ 7-12%.

Cũng cần nhắc lại, chiến dịch tranh cử vòng một của bà Le Pen với khẩu hiệu “Nước Pháp trên hết” đã tập trung vào chi phí sinh hoạt của người dân, tuổi hưu trí, công việc... đã giúp bà giành được 23,2% số phiếu (ông Macron giành được 27,8% số phiếu). Ở vòng hai, giới quan sát cho rằng có thể có bất ngờ vì những người bỏ phiếu cho ông Eric Zemmour- người chủ trương chèo lái nước Pháp giống như bà Le Pen, có thể quay sang dồn phiếu cho bà.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, có thể lá phiếu quyết định lại đến từ khoảng 7,7 triệu cử tri đã ủng hộ ứng cử viên cực tả Jean-Luc Melenchon sau khi đã rời đường đua sau vòng đầu.

Vì thế, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 trước giờ G không dễ đoán định. Hôm nay, 24/4, gần 50 triệu cử tri Pháp sẽ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai. Vậy, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay liệu sẽ có những bất ngờ và người dân Pháp kỳ vọng gì vào cuộc bầu cử lần này?

Điểm đáng chú ý nhất, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 diễn ra trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử nền chính trị Pháp. Trước hết, đó là tác động của đại dịch Covid-19. Các đảng phái và các ứng cử viên lớn tại Pháp đã khởi động cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp từ cách đây hơn 1 năm (bao gồm 12 ứng viên). Khi vận động tranh cử, 11 ứng viên đều nhắm vào tình hình dịch Covid-19 ở Pháp, với đích nhắm tới là chính phủ của ông Macron đã “không bảo vệ được người Pháp”.

Nhưng rồi khi chiến dịch tranh cử bước vào hồi quyết liệt thì đại dịch Covid-19 cũng giảm nhiệt, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm bắt đầu bãi bỏ gần hết các biện pháp hạn chế để quay trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng một bất ngờ khác lại đến: Đó là cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2.

Đây là một biến cố địa chính trị lớn nhất tại châu Âu kể từ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Điều đó đã chi phối toàn bộ các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên, thu hút hầu như toàn bộ mối quan tâm của dân chúng Pháp trong hầu hết cả tháng 3 và tháng 4, và làm thay đổi một cách căn bản cán cân lực lượng giữa các ứng cử viên.

Thời gian đầu cuộc chiến tại Ukraine, các đối thủ đã không bỏ lỡ cơ hội công kích Tổng thống, cho rằng ông có thái độ “không rõ ràng”. Tuy nhiên, từ chỗ là một ứng cử viên bị hoài nghi, ông Macron đã bứt phá như một Tổng tư lệnh quân đội “xứng tầm”.

Dù các nỗ lực ngoại giao dồn dập mà ông Macron thực hiện với Tổng thống Nga V.Putin không giúp ngăn chặn được cuộc chiến nhưng trong con mắt nhiều người dân Pháp, ông Macron vẫn thể hiện được vai trò của mình là một nhà lãnh đạo châu Âu hiếm hoi có vị thế đối thoại được phía Nga coi trọng.

Nhưng, cũng chính cuộc chiến này và hệ lụy trực tiếp mà nó mang lại là sự gia tăng vật giá, nguy cơ khủng hoảng năng lượng. Lập tức, bà Le Pen cũng như nhiều ứng cử viên khác đã lấy đó làm vũ khí để tấn công ngược lại ông Macron, tạo nên một kịch bản mà càng sát ngày bầu cử càng có khả năng diễn biến khó lường.

Vậy, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp liệu có bất ngờ?

Bà Le Pen trong một cuộc mít tinh tại thành phố Nantes. Nguồn: AFP/Getty.

Trước khi cuộc bỏ phiếu vòng một bắt đầu (ngày 10/4), khi chiến tranh quay trở lại giữa trung tâm châu Âu sau nhiều thập kỷ hòa bình, người Pháp có xu hướng tin tưởng nhiều hơn vào một nguyên thủ quốc gia có kinh nghiệm về đối ngoại và quốc phòng và ở khía cạnh này, ông Macron vượt trội các ứng cử viên khác bởi tất cả các đối thủ của ông Macron, từ bà Le Pen, ông Mélenchon, ông Zemmour cho đến bà Pécresse đều chưa từng có kinh nghiệm làm lãnh đạo cấp cao, càng không có lịch sử đối ngoại quốc tế nào.

Vì thế, không ít người dự đoán đương kim Tổng thống Macron sẽ chiến thắng ngay từ vòng một; trong khi đối thủ bám đuổi là bà Le Pen có thể chỉ giành được khoảng 16-16,5% số phiếu.

Nhưng rồi, kết quả bầu cử vòng một đã không mang lại chiến thắng “ngay lập tức” cho ông Macron. Thay vào đó, bà Le Pen lại vọt lên một cách bất ngờ để tiếp tục đường đua vào điện Elysee. Tại vòng đua quyết định này, bà Le Pen vẫn giương cao khẩu hiệu “Nước Pháp trên hết”, với những hứa hẹn cải thiện những vấn đề an ninh, y tế, sức khỏe, sức mua... cho người dân Pháp.

Hiện mức lạm phát ở Pháp vào khoảng 4,5%, tuy chưa cao bằng “người láng giềng bên kia eo biển Manche” là Vương quốc Anh (7%), nhưng với nhiều cử tri Pháp thì đó vẫn là điều khó chấp nhận.

“Hứa hẹn kiềm chế lạm phát, cải thiện sức mua, cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng trợ cấp cho người lao động để đối phó với việc chi phí cuộc sống gia tăng, điều mà ông Macron hay bà Le Pen cũng phải đối diện. Các thăm dò cho thấy, ở cuộc bầu cử vòng hai, có tới 85% số người ủng hộ bà Le Pen cho biết sẽ đi bỏ phiếu; trong khi đó con số dành cho ông Macron là 77%. Cho dù điều đó không quyết định vì nó không dựa trên số cử tri tuyệt đối nhưng cũng cho thấy cuộc đấu đầu của hai ứng cử viên còn sót lại là rất gay cấn”- một bình luận trên Le Point.

Trong một cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện bởi Ipsos Sopra Steria, cách biệt giữa ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đã thu hẹp đáng kể sau vòng một. Tuy nhiên, ở vòng hai, “cử tri sẽ ít cảm tính hơn vì họ biết rằng đó sẽ là quyết định quan trọng khi chỉ được chọn 1 người và loại bỏ 1 người”. Khó có thể nói ai sẽ “chắc chắn thắng”, thay vì chỉ có thể dự đoán một trong hai người ai có “nhiều khả năng thắng”.

Dẫu thế thì ngay trước giờ cử tri đi bỏ phiếu vòng hai, một số thăm dò công bố vào ngày 22/4 cho thấy cơ hội dành cho ông Macron vẫn nhiều hơn so với bà Le Pen. Những người ủng hộ ông Macron cho rằng đã số cử tri vẫn đánh giá cao khả năng lãnh đạo đất nước của đương kim Tổng thống và cũng chưa chuẩn bị tâm lý chấp nhận một người có tư tưởng cực hữu “chỉ có nước Pháp” như bà Le Pen.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này dẫu có bị lu mờ trước chiến sự tại Ukraine, nhưng vẫn được châu Âu chú ý. Vì rằng, trong quá khứ vị trí nước Pháp tại châu Âu đã được khẳng định. Ở thời hiện tại, Pháp vẫn là một trong những quốc gia hàng đầu của EU, cả về kinh tế lẫn đối ngoại. Chính vì thế, không ít lo ngại từ các chính phủ EU nếu như bà Le Pen với những tập trung ưu tiên cho các vấn đề đối nội nếu đắc cử.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 hôm 10/4, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen đứng nhất và nhì trong 12 ứng viên. Theo Hiến pháp, nếu không có ứng viên nào giành được hơn 50% phiếu bầu tại vòng một thì chỉ có 2 ứng viên cao phiếu nhất được bước vào vòng hai. Vì thế, sau vòng bỏ phiếu thứ nhất, ông Macron với 28,4% số phiếu bầu; bà Le Pen với 24,2% số phiếu bầu đã lọt vào vòng hai trong cuộc tái đấu sau 5 năm; trong khi thủ lĩnh đảng cánh tả Nước Pháp không khuất phục, ông Jean-Luc Melenchon đứng thứ ba với khoảng 21% phiếu bầu đã buộc phải dừng bước.

Bước vào vòng hai của cuộc bầu cử (hôm nay, 24/4), đương kim Tổng thống Macron nói với CNN: “Tôi không muốn một nước Pháp sẽ có đồng minh duy nhất là những người theo chủ nghĩa dân túy và bài ngoại quốc tế. Đó không phải là chúng ta. Tôi muốn một nước Pháp trung thành với chủ nghĩa nhân văn, với tinh thần khai sáng”. Còn bà Le Pen cam kết nếu chiến thắng “sẽ trở thành Tổng thống cho tất cả người Pháp”. Bà Le Pen cũng không quên kêu gọi những người không bỏ phiếu cho ông Macron ủng hộ bà trong vòng hai.

THẾ TUẤN