Nhà hát Công an Nhân dân kỷ niệm 40 năm thành lập

Hoàng Minh 25/04/2022 08:23

Tối ngày 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Công an Nhân dân (CAND) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Đến dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và đông đảo nghệ sĩ các thời kỳ của Nhà hát Công an Nhân dân.

Nhà hát CAND tiền thân là Đoàn Nghệ thuật CAND trực thuộc Cục Công tác chính trị, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND được đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ký Quyết định thành lập số 1625/QĐ-BNV ngày 27/4/1982. Đoàn Nghệ thuật CAND có chức năng, nhiệm vụ phục vụ nghi lễ trong CAND, biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, tuyên truyền về truyền thống của lực lượng CAND; giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ thẩm mỹ và tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Khi mới thành lập, tổ chức bộ máy của Đoàn Nghệ thuật CAND gồm: Đội Nhạc lễ, Đội Ca múa nhạc, Đội Kịch nói và Đội Chính trị, hậu cần. Đến tháng 8/1990, Đội Nhạc lễ được chuyển sang Tổng cục Cảnh sát nhân dân, hiện nay thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Các đại biểu dự buổi lễ.

Ra đời muộn hơn so với các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khác, tổ chức của Đoàn gồm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, cộng thêm những khó khăn về kinh phí, thiết bị, phương tiện, nơi làm việc chật hẹp...; đặc biệt giai đoạn từ năm 1982 đến 1995, khi cơ chế hoạt động chưa ổn định, lại phải chịu áp lực lớn trước những khó khăn chung của đất nước, có những lúc tưởng chừng đứng trước nguy cơ giải thể. Nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ VHTTDL, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của tập thể cán bộ, diễn viên đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên để phát triển. Quá trình thành lập cho đến nay, tổ chức bộ máy của Đoàn có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ.

Nhằm củng cố, tạo điều kiện cho Đoàn Nghệ thuật CAND đủ sức hoạt động độc lập trên lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp về sân khấu kịch nói và ca múa nhạc, ngày 11/3/2008, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 262/QĐ-BCA(X13) tách Đoàn Nghệ thuật CAND thành Đoàn Kịch nói CAND và Đoàn Ca múa nhạc CAND thuộc Cục Công tác chính trị.

Theo đó, Đoàn Kịch nói CAND và Đoàn Ca múa nhạc CAND là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, đây là điều kiện quan trọng giúp hai Đoàn tăng cường lực lượng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong giai đoạn mới.

Suốt chặng đường 40 xây dựng và trưởng thành, Nhà hát CAND luôn bám sát chức năng nhiệm vụ của mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, biểu diễn đáp ứng kịp thời yêu cầu chính trị, đối ngoại, giao lưu quốc tế; biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Với thế mạnh của mình, Nhà hát CAND tập trung xây dựng các vở diễn về đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi hình tượng người chiến sỹ CAND, phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập của cán bộ, chiến sĩ CAND.

Trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát CAND đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Trên lĩnh vực nghệ thuật sân khấu kịch nói, những ngày đầu mới thành lập, Đội Kịch nói, tiền thân của Đoàn Kịch nói CAND chỉ có 8 diễn viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất nghèo nàn, do đó Đoàn đã tìm chọn dàn dựng các kịch bản ngắn, ít nhân vật, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ biểu diễn cơ động, xung kích của Đoàn lúc bấy giờ.

Nhìn lại chặng đường 40 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Nhà hát CAND đã đạt được nhiều kết quả, thành tích đáng tự hào góp phần vào thành tích chung của lực lượng CAND, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát từng bước trưởng thành, được khán giả cả nước dành cho những tình cảm yêu quý, mến mộ; 23 nghệ sĩ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú (trong đó, 5 Nghệ sỹ nhân dân, 18 Nghệ sỹ ưu tú).

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập, Nhà hát CAND được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây là niềm vinh dự, tự hào, thể hiện sự quan tâm và ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đối với những đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát CAND.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông gửi lời chúc mừng đến cán bộ, nghệ sĩ các thời kỳ. Thứ trưởng cũng bày tỏ, Nhà hát CAND không chỉ là thiết chế văn hóa của lực lượng Công an nhân dân mà còn là thiết chế văn hóa có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống các thiết chế văn hóa của đất nước. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Công an nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để gặt hái được những kết quả, thành tích nổi bật, riêng biệt và rất đáng trân trọng.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Nhà hát đã luôn chủ động xây dựng, tìm chọn, đặt hàng và dàn dựng thành công nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng như các vở kịch nói về đề tài an ninh trật tự và đề tài xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Nhà hát, của Ngành và của đất nước. Nhiều vở diễn đã để lại dấu ấn sâu đậm, những mốc son đặc biệt ở từng giai đoạn như “Đường đua trong bóng tối”, “Những quân bài định mệnh”, “Bản danh sách điệp viên”, “Con đò của mẹ”; …và nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật khác đã gắn liền với tên tuổi của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng, được công chúng yêu mến, điều đó đã làm nên tên tuổi của Nhà hát Công an nhân dân…

Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu chị đạo tại buổi lễ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề nghị, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Nhà hát CAND thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, của Bộ CA về công tác văn hóa, văn nghệ. Thứ hai là coi trọng bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống, đồng thời không ngừng tìm tòi, đầu tư, xây dựng nhiều tác phẩm có chất lượng để giới thiệu rộng rãi hơn nữa cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và bạn bè quốc tế về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, những chiến công, thành tích, hành động dũng cảm, tấm gương, hình ảnh đẹp của cán bộ chiến sĩ CAND trong thực hiện nhiệm vụ vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Thứ ba là duy trì thường xuyên công tác phối hợp với các cấp, các ngành, với các cơ quan chức năng để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong CAND.

Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu quốc tế nhằm học tập nâng cao chất lượng nghệ thuật. Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ CA tin tưởng rằng Nhà hát CAND sẽ tiếp tục đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, chăm lo xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Vở nhạc kịch "Người cầm lái".

Tại buổi lễ, Nhà hát CAND đã công diễn vở nhạc kịch “Người cầm lái” do Thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh viết kịch bản nhạc kịch và làm tổng đạo diễn. Vở nhạc kịch “Người cầm lái” gồm 3 hồi “Quê hương”, “Tiếng vọng non sông” và “Chuyến tàu định mệnh”. Xuyên suốt vở diễn “Người cầm lái” đã truyền tải hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau như khi Nguyễn Sinh Côn lúc 5 tuổi cùng cha mẹ và anh cả Khiêm từ Nam Đàn vào kinh thành Huế; Nguyễn Sinh Côn với nỗi đau đầu đời và tuổi thơ đầy sóng gió khi Mẹ Hoàng Thị Loan và em Nguyễn Sinh Sin lâm trọng bệnh rồi mất; Nguyễn Tất Thành một thanh niên tuổi đôi mươi đã lập trí lớn ra đi tìm đường cứu nước năm 1911; Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động ở Pháp, Mỹ, Quảng Châu... Già Thu khi Người trở về nước năm 1941.

Một số hình ảnh vở nhạc kịch "Người cầm lái":

Hoàng Minh