Tránh lạm dụng chỉ định điều trị hậu Covid-19
Lạm dụng tâm lý lo lắng của người dân sau khi mắc Covid-19, thời gian qua nhiều phòng khám, bệnh viện tư, bệnh viện công đua nhau mở các gói dịch vụ khám hậu Covid-19, với mức phí từ 2 triệu đến gần chục triệu đồng/lượt... Trước thực trạng đó, Bộ Y tế vừa có Công văn chấn chỉnh các cơ sở khám, chữa bệnh không được lạm dụng chỉ định điều trị hậu Covid-19.
Hoang mang với thực phẩm chức năng hậu Covid-19
Với sự xuất hiện của Covid-19 và hậu Covid-19, chưa bao giờ thị trường thực phẩm chức năng, thuốc bổ lại nhộn nhịp đến thế - đó là nhận định không chỉ của nhiều người dân mà còn của các nhân viên y tế.
Với 203 triệu chứng khác nhau có thể xuất hiện sau khi hồi phục do mắc Covid-19, hậu Covid-19 đang tác động rất lớn tới sức khỏe cũng như khả năng sinh hoạt, làm việc của các “cựu F0” và quy luật tất yếu về cung - cầu cũng áp dụng trong trường hợp này, người dân có nhu cầu tăng cường sức khỏe để chống lại hậu Covid-19 thì vô số các loại thực phẩm chức năng được bày bán.
Tuy nhiên, lợi dụng tình trạng này, một số tổ chức, cá nhân đã tung ra thị trường các sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Một ví dụ cụ thể, gần đây, trên trang web phamgiadongy.vn quảng cáo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên tâm liên Phạm Gia như sau: “Vừa qua Xuyên tâm liên chính thức được Bộ Y tế cấp phép cho sử dụng điều trị Covid. Xuyên tâm liên Phạm Gia đặc biệt có chứa thành phần chính Xuyên tâm liên, kết hợp cùng các thành phần thảo dược... Sử dụng Xuyên tâm liên Phạm Gia giúp bổ phế, hỗ trợ giảm biểu hiện tăng tiết đờm, ho nhiều, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, khản tiếng do ho kéo dài”.
Với những lời “nổ” như vậy, không ít người đã tin dùng và sử dụng sản phẩm này để điều trị những triệu chứng hậu Covid-19 như ho, khản giọng… Nhưng theo thông báo mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nội dung này có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo và cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Không chỉ sản phẩm trong nước, thị trường các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ có xuất xứ từ nước ngoài cũng đang nhộn nhịp với đủ mọi mức giá khác nhau. Một tài khoản trên mạng xã hội quảng cáo: “Khi mắc Covid phổi bị tổn thương thì hậu nhiễm rất yếu sức, lại hay mệt, phổi thở căng không được. Sức khoẻ đi xuống rất nhiều. Vậy nên sau khi điều trị xong mọi người nên dùng thuốc bổ phổi phục hồi phổi được nhà em mua trực tiếp từ phamarcy của Nga ạ, giúp phục hồi phổi bị tổn thương, phục hồi tế bào phổi đã bị xơ hóa sau mắc Covid”.
Nói là vậy, nhưng với mẫu mã cũng như hướng dẫn hoàn toàn bằng tiếng Nga như loại thuốc nói trên, có lẽ khó có người có thể tìm hiểu được về thành phần, công dụng cũng như cách sử dụng.
Chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong khi đó, BS Đỗ Anh - Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạc.h Mai cho rằng, so với thực phẩm chức năng, thuốc bổ thì chế độ dinh dưỡng cân đối và bổ sung đủ nước mới là chìa khóa quan trọng cho sự hồi phục của người mắc Covid-19. Chế độ dinh dưỡng hợp lý còn có tác dụng giúp cải thiện chức năng phổi đối với bệnh nhân hậu Covid-19.
Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc Covid-19 Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế các bộ, ngành về việc khám, chữa bệnh hậu Covid-19.
Theo Bộ Y tế, hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm virus SARS-CoV-2 có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid-19, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác (theo Tổ chức Y tế thế giới và Viện NICE - Vương Quốc Anh).
BS Đỗ Anh khẳng định, khi người bệnh có chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, protein, hạn chế đồ chế biến sẵn thì không cần phải uống thêm vitamin hay thuốc bổ. Còn trong trường hợp không bổ sung được đầy đủ dinh dưỡng từ thực phẩm, nên tham khảo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng để bổ sung các vi chất cần thiết.
Các triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng: Có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi mắc Covid-19 và đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực… Khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu Covid-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe.
Người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2...
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 hiện nay, số lượng người mắc Covid-19 đã gia tăng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó một số người dân xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/thành phố, Y tế các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.
BSCKII Nguyễn Hồng Hà - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương:
Thực phẩm chức năng có thể là “con dao 2 lưỡi”
Có một nghịch lý rất phổ biến là hầu hết chúng ta ngại uống thuốc khi cần vì lo sợ tác dụng phụ, độc gan, độc thận, kháng thuốc, nhưng lại rất dễ dàng chấp nhận ăn hay uống một loại thực phẩm chức năng nào đó được quảng cáo là tốt cho cơ thể. Thế nhưng, dù là thuốc bổ hay thực phẩm chức năng có tác dụng tới đâu cũng có thể là “con dao 2 lưỡi” bởi tất cả các thứ ta ăn uống đều phải được chuyển hóa qua gan và thận, chúng đều có một tác dụng nhất định lên cơ thể chúng ta. Khi bổ sung quá nhiều chất, dù là chất bổ thì gan và thận cũng vẫn phải gắng sức để cơ thể có thể hấp thu những chất đó. Vì thế, kể cả dùng thuốc bổ quá liều lượng cũng gây nguy hại cho cơ thể. Chưa nói đến những loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, không biết chúng có thành phần gây hại cho cơ thể hay không.
Do vậy, người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh.
PGS. TS. BS Nguyễn Văn Chi - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai:
Chỉ được phép uống thuốc kê đơn
Đầu tiên cần phải khẳng định, hiện nay thế giới không có thuốc đặc trị để chữa các triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19 và cũng không có thuốc nào có thể lọc được phổi. Bản chất, các loại thực phẩm chức năng, thuốc hậu Covid-19 hiện nay đều chỉ là hỗ trợ quá trình phục hồi Covid-19 của người bệnh. Do vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo, không nên quá hoang mang mà tin vào những lời quảng cáo trên mạng hay các bài thuốc được truyền miệng, những loại thuốc không rõ nguồn gốc mà chỉ sử dụng các loại thuốc được bác sĩ kê đơn sau khi đã thăm khám.
Nghĩa Toàn(ghi)