Nguy cơ nào sau Covid-19?

Thanh Đức 25/04/2022 06:20

Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc Covid-19 giảm rõ rệt ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Đông Địa Trung Hải, châu Âu và Đông Nam Á. Tuy nhiên, vào thời điểm này, truyền thông quốc tế cũng đã bày tỏ lo ngại những nguy cơ khi dịch Covid-19 đi qua.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trong một siêu thị tại London (Anh). Ảnh: Bloomberg

Đại diện của WHO cho biết, hết tuần thứ 2 của tháng 4, cả thế giới ghi nhận 5,59 triệu ca mắc Covid-19 mới, giảm 24% so với tuần trước. Số ca tử vong là 18.215 người, giảm 21% so với tuần trước. Tại Tây Thái Bình Dương, Đông Địa Trung Hải và châu Âu, ngay cả các nước có số ca mắc cao nhất thì vẫn thấp hơn tuần trước. Còn tại Đông Nam Á, một số quốc gia như Thái Lan, Bhutan, Indonesia vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới khá cao, nhưng nhìn chung vẫn giảm 2%-44% so với tuần trước.

Số ca mắc Covid-19 đã giảm nhiệt rõ rệt, nhưng với riêng nước Mỹ số ca mắc mới vẫn cao. Tuần gần đây nhất số ca mắc mới là 245.595, tăng 24% so với tuần liền kề trước đó. Giới chức Y tế Nhà Trắng cho biết, sự gia tăng này là do biến chủng phụ mới BA.2.12.1 của Omicron, có thể lây nhanh hơn khoảng 27% so với BA.2. Tuy nhiên không phát triển thành bệnh.

Ngày 24/4, thông tin từ WHO cho biết, tới thời điểm này đã có đầy đủ cơ sở để xác định 99,5% số ca Covid-19 trên toàn thế giới hiện nay là do biến chủng Omicron gây ra; trong khi chỉ có 0,1% là do Delta và 0,4% là do các dòng chưa được định danh. Cho dù WHO chưa tuyên bố kết thúc đại dịch tuy nhiên cũng đã đưa ra những khuyến cáo “hậu Covid”, trong đó đặc biệt lưu ý tới trầm cảm và chứng rối loạn lo âu. Hai vấn đề này đều thuộc về bệnh lý thần kinh có thể sẽ tự qua sau vài ba tháng, nhưng tốt nhất là cần được sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.

Phấn khởi trước việc Covid-19 sắp kết thúc, tuy nhiên giới chuyên gia lại bày tỏ lo ngại về vấn đề kinh tế, được cho là “hậu quả kéo theo” của đại dịch kéo dài tới hơn 2 năm.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đã đến lúc phải cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nghiêm trọng không kém năm 2008. Trước thời điểm Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (ngày 24/2), giá thực phẩm toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục và tăng 4 tháng liên tục. Trong tháng 2/2022, giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi FAO bắt đầu công bố Chỉ số giá lương thực.

Trước hết, đó là lạm phát ngày một lan rộng. Tại Mỹ, Bộ Lao động nước này cho biết lạm phát tăng liên tục trong 3 tháng. Tháng 4 này, dù chưa có số liệu chính thức nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tăng tới tăng 8,5% (tháng trước đó là 7,9%). Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981 tại Mỹ. Riêng với giá xăng, hiện đã tăng 18,3% tính từ đầu năm tới nay. Trong khi đó giá năng lượng tổng thể tăng 11%, giá dầu nhiên liệu tăng 22,3%. Một số yếu tố khác tác động đến lạm phát tại Mỹ như giá thực phẩm tăng 1%, giá nhà ở, bao gồm nhà thuê, tăng 0,5%.

Tiến sĩ Ben Ayers (Công ty dịch vụ Tài chính và Bảo hiểm Nationwide) cho rằng khó có “phép màu” nào kéo giảm mức lạm phát trong vòng 3 tháng tới. Điều này cho thấy những nỗ lực tăng trưởng của cả năm 2022 sẽ bị tác động tiêu cực.

Tại châu Âu (khu vực đồng tiền chung), lạm phát được cho là “đến muộn hơn” nước Mỹ. Tuy nhiên, trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4, tốc độ lạm phát cũng đã gia tăng. Tại thời điểm này, tính bình quân các nước khối EU lạm phát đã tới 7,5% (không tính Vương quốc Anh). Theo cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, Eurostat, giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng ở mức cao nhất kể từ năm 1997. Mức tăng cao nhất thuộc về Litva với 15,6%. Thấp nhất là Malta thì cũng tới 4,6%.

Cùng với lạm phát, nỗi lo lớn thứ hai sau dịch Covid-19 là thiếu lương thực.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đã đến lúc phải cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nghiêm trọng không kém năm 2008. Trước thời điểm Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (ngày 24/2), giá thực phẩm toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục và tăng 4 tháng liên tục. Trong tháng 2/2022, giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi FAO bắt đầu công bố Chỉ số giá lương thực.

Theo bà Ertharin Cousin- thành viên Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu và là cựu Giám đốc điều hành của FAO, nhiều yếu tố bất lợi cùng hội tụ đã tạo ra một cơn bão toàn diện, có thể dẫn đến một thảm họa về giá thực phẩm và rất có thể sẽ xuất hiện “cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu”.

Vị chuyên gia này cũng dẫn Báo cáo gần đây do Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thực hiện cho thấy số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn toàn cầu đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019. Còn ông David Beasley- Giám đốc điều hành WFP, cho biết mức độ mất an ninh lương thực hiện nay là “chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”.

Dự đoán hồi cuối năm 2021 là khi đại dịch Covid-19 kết thúc, nhân loại sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề y tế, sức khỏe. Tuy nhiên, ở thời điểm này truyền thông quốc tế cho rằng mối lo lớn nhất lại là kinh tế, trong đó lạm phát ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân, cũng như kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cùng đó, với những quốc gia đang phát triển, nguy cơ thiếu lương thực và thực phẩm đã hiện rõ, dự báo sẽ còn kéo dài khi mà sản lượng lương thực của năm 2022 giảm sút.

Thanh Đức