Dòng tiền quay trở lại ngân hàng
Sau một thời gian dài sụt giảm dòng tiền gửi từ cư dân và doanh nghiệp, thời điểm này, khối ngân hàng đã lấy lại “phong độ”, dòng tiền từ các kênh đầu tư khác đang dần quay trở lại các ngân hàng.
Tăng tiền gửi từ nhóm khách hàng dân cư
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 2 đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư, trong khi tăng trưởng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp (DN) giảm.
Cụ thể, thời điểm ngày 28/2, tiền gửi từ người dân đạt hơn 5,46 triệu tỷ đồng tại ngân hàng, tăng hơn 56.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 3,01%). Mức tăng hơn 159.600 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm nay còn lớn hơn cả mức tăng trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.600 tỷ đồng).
Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức DN cuối tháng 2 chỉ đạt hơn 5,63 triệu tỷ đồng, giảm hơn 8.800 tỷ so với cuối năm 2021. Điều này cho thấy các DN đã quay trở lại thị trường hoạt động.
Nhìn lại diễn biến tiền gửi tiết kiệm trong vòng 1 năm trở lại đây cho thấy, thời điểm đầu năm đến giữa năm 2021, nhiều ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng sụt giảm, mặc dù dư nợ tín dụng vẫn tăng. Thời điểm đó lãi suất huy động cũng chạm đáy, dao động ở mức 5,5 – 6% cho kỳ hạn dưới 9 tháng, thậm chí lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng xuống chỉ còn 3,1 - 3,3%/năm. Chưa kể, cũng trong quãng thời gian này các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản rất sôi động, có một lượng tiền dịch chuyển từ ngân hàng sang đầu tư chứng khoán và bất động sản.
Nhưng trong thời điểm hiện tại, bắt đầu từ đầu năm 2022 hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Đặc biệt khi lạm phát tăng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ mức lãi suất thực dương thì mới có thể hút dòng tiền nhàn rỗi của cư dân. Đó chính là một phần nguyên nhân khiến cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng. So với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, số liệu cuối tháng 2/2022 phát đi những tín hiệu cho thấy tiền gửi tại ngân hàng đang quay trở về quỹ đạo thông thường, chấm dứt 2 năm lạc nhịp trước đó. Cụ thể, tiền gửi của DN sẽ được rút dần ra để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, chứ không còn để quá nhiều tại ngân hàng.
Cuộc đua lãi suất mở rộng
Xu hướng nhích tăng lãi suất huy động đã được ghi nhận kể từ sau Tết Nguyên đán và ngày càng mở rộng. Tuy vậy, với nhóm các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất huy động vẫn giữ ổn định ở mức 5,5-5,6%/năm.
Theo Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất hiện đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Do đó, SSI dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ thêm từ 0,2 - 0,25% trong nửa cuối năm.
Nhiều chuyên gia duy trì quan điểm, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã lập đáy và sẽ nhích tăng. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát. Diễn biến cho thấy lãi suất huy động đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 dưới áp lực của tín dụng hồi phục trong năm 2022.
Trong khi đó ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong quý đầu năm cũng tăng trưởng trong xu hướng tích cực. Tín dụng tăng trưởng trở lại đáp ứng nhu cầu vốn cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 3,65% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế. Riêng một số ngành, lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch khách sạn, nhà hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cụ thể: Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%; vận tải kho bãi tăng 9,06%; khai khoáng tăng 6% so với cuối năm 2021.
Hiện, các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục triển khai hỗ trợ về lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các quy định về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp...