Elon Musk thành công mua lại Twitter với mức giá ngất ngưởng
Phi vụ Twitter chấp nhận "bán mình" cho tỷ phú công nghệ Elon Musk đã hoàn thành, với mức giá 44 tỷ USD.
Ngày 25/4, Twitter thông báo sẽ bán lại cho Elon Musk. Theo thỏa thuận, Musk sẽ mua lại Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, tương đương 44 tỷ USD. Twitter sẽ trở thành công ty tư nhân sau khi hoàn tất giao dịch. Thương vụ vẫn cần cổ đông và nhà chức trách phê duyệt.
Thỏa thuận đã được hội đồng quản trị Twitter thông qua và dự kiến hoàn tất trong năm nay. Tuần trước, tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới cho biết ông đã huy động 46,5 tỷ USD để mua công ty, một bước ngoặt buộc hội đồng quản trị Twitter phải xem xét nghiêm túc đề nghị của ông.
Trong thông cáo báo chí, Elon Musk khẳng định tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ và Twitter là “quảng trường thị trấn kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng với tương lai nhân loại được thảo luận”.
Ông bày tỏ mong muốn cải tạo Twitter tốt hơn bao giờ hết bằng cách nâng cấp các sản phẩm với những tính năng mới, đưa thuật toán thành nguồn mở để tăng sự tin tưởng, chống lại các bot spam. “Twitter có tiềm năng to lớn, tôi mong muốn được hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để mở khóa tiềm năng đó”, ông viết.
Tuyên bố chấm dứt một tuần kịch tính giữa Musk và Twitter từ khi tỷ phú thổ lộ ý định thâu tóm mạng xã hội. Twitter thông báo Musk sẽ gia nhập hội đồng quản trị song vài ngày sau Musk thay đổi ý định. Sau đó, ông đề nghị mua lại công ty nhưng Twitter từ chối. Dù vậy, sau khi xem xét, “chim xanh” cũng đã chấp nhận Musk.
Sự quan tâm của Musk dành cho Twitter hoàn toàn đến từ mục đích cá nhân. Ông là người dùng thường xuyên của nền tảng này, thường chia sẻ các câu chuyện cười, tương tác với 83,6 triệu người theo dõi cũng như đưa ra các thông báo kinh doanh. Chính vì điều này, ông cũng gặp một số rắc rối.
Việc ông trở thành cổ đông lớn nhất Twitter và sau đó là mua lại mạng xã hội khổng lồ này đã gây không ít bất ngờ. Thực tế, nhà sáng lập và CEO của SpaceX với Twitter đã từng "lời qua tiếng lại" với nhau.
Các nhà quản lý Twitter từng chỉ trích tỉ phú Mỹ Elon Musk vì đưa ra một số thông báo, bao gồm cả thỏa thuận riêng của Tesla trên nền tảng của họ.
Đáp lại, CEO Tesla cũng đặt câu hỏi về cam kết tự do ngôn luận của Twitter. Thậm chí, gần đây tỉ phú Elon Musk còn thực hiện một cuộc thăm dò trên Twitter và hỏi người dùng rằng họ có tin nền tảng này tuân thủ nguyên tắc tự do ngôn luận hay không. Kết quả, hơn 70% đã bỏ phiếu "không", theo Reuters.
Tỉ phú Musk là người giàu nhất thế giới, theo Tạp chí Forbes, với giá trị tài sản ròng ước tính 273,6 tỷ USD, chủ yếu nhờ cổ phần của ông trong Hãng sản xuất xe điện Tesla. Ông cũng lãnh đạo Công ty hàng không vũ trụ SpaceX.
Tháng 9/2018, SEC buộc tội Musk ra phát ngôn “sai lầm và gây hiểu nhầm” cho nhà đầu tư khi tuyên bố đang cân nhắc biến Tesla thành công ty tư nhân và đã đảm bảo đủ nguồn vốn. Musk và Tesla cuối cùng phải dàn xếp với chính phủ, nộp phạt tổng cộng 40 triệu USD cho SEC, còn Musk phải tạm thời từ bỏ vị trí Chủ tịch.
Tháng 6/2020, SEC tố Musk vi phạm vài điều khoản thỏa thuận, yêu cầu phải duyệt trước một số tweet nếu chứa thông tin kinh doanh về Tesla có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Musk đã tweet rằng giá cổ phiếu Tesla quá cao, khiến cho giá của hãng xe điện lại đi xuống.