Du lịch: Tăng tốc để trở lại đường đua

HOÀNG MAI 29/04/2022 06:26

Đã hơn một tháng kể từ khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch đối với khách quốc tế. Tuy nhiên, lượng khách đến với Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn...

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

1.Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt tại họp báo thường kỳ Chính phủ gần đây đã lý giải 5 nguyên nhân khiến du khách quốc tế chưa thực sự mặn mà với cảnh đẹp và con người mến khách của Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, 2 năm dịch Covid-19, dù muốn dù không đã khiến hoạt động đón khách du lịch bị gián đoạn, đứt gãy. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần có thời gian để các doanh nghiệp kết nối lại. Đó là chưa kể một số thị trường tiềm năng của chúng ta như thị trường châu Á; trong đó có Đông Bắc Á, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc- nơi đang thực hiện chính sách chống dịch nghiêm ngặt với “zero Covid”; đó là chưa kể tháng 3 chưa phải là mùa du lịch. Rồi căng thẳng Nga - Ukraine cũng khiến lượng khách ở 2 thị trường truyền thống này giảm sút. Tháng 3, lượng ca nhiễm Covid-19 của chúng ta cũng tăng cao; một số quốc gia đưa ra khuyến cáo cho công dân của họ về lưu ý khi du lịch Việt Nam. Tất cả những yếu tố ấy đã khiến du khách quốc tế chưa lựa chọn điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Những điều ông Việt nói hoàn toàn có cơ sở; nhưng cũng vì thực tế đó mà chúng ta mong mỏi ngành du lịch cần sớm có những giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn tạm thời này; làm sao để du khách quốc tế yên tâm trở lại Việt Nam. Bởi chỉ khi nào du khách quốc tế và du khách trong nước cùng hào hứng đi du lịch Việt Nam trở lại, chúng ta mới có thể tìm lại được sự sôi động của ngành công nghiệp không khói này, sau 2 năm lao đao vì dịch bệnh. Cần nói thêm rằng, ngành kinh tế đặc biệt này, trong năm 2019 đã đóng góp khoảng 9,2% tổng GDP của cả nước (tương đương với 32,8 tỷ đô la). Cũng năm này, chúng ta đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đều qua các năm tính đến trước khi xảy ra đại dịch.

Thống kê của cơ quan nghiên cứu cho thấy trong số các nguồn thu từ dịch vụ phục vụ khách du lịch, doanh thu từ khối kinh doanh nhà hàng – khách sạn, dịch vụ cho thuê phòng, dịch vụ ăn uống và dịch vụ đi lại chiếm tỷ trọng cao nhất; còn lại 33% là tổng doanh thu từ các dịch vụ khác. Số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 giảm chỉ còn 3,5 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019. Thống kê cũng cho thấy, khách nội địa trong năm 2020 đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động.

Thống kê năm 2021 còn cho thấy tình hình có vẻ ảm đạm hơn khi, tính chung năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm 2020; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% dừng hoạt động; chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Đương nhiên, đây chỉ là những con số khô khan và tình hình chắc chắn sẽ sáng sủa hơn khi đại dịch qua đi. Nhưng, đây là lúc đưa ra đánh giá sát để có hướng đi đúng

2.Từ các con số nêu trên, có thể thấy, năm 2022, chúng ta cũng chưa thể hy vọng vào sự khởi sắc và nguồn thu ổn định từ khách du lịch quốc tế khi mà nhiều thị trường vẫn còn đang nghe ngóng trong việc đưa khách đến Việt Nam. Nhưng, đây cũng là lúc, chúng ta cần mạnh mẽ thực hiện các giải pháp; mà theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là: Đầu tiên, cần tiếp tục làm tốt việc truyền thông về các chính sách visa, y tế, nhập cảnh cũng như cần có thêm thông tin kết nối với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để khách quốc tế có thể được tiếp cận thêm nhiều thông tin về chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, du lịch có thể kết nối trở lại, tạo ra lượng cung-cầu tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ để thu hút nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Đó là với khách quốc tế và những giải pháp này đều nhằm “kéo” khách quay lại Việt Nam. Trong khi chờ họ quay lại, chúng ta không thể ngồi yên; mà nên thúc đẩy du lịch nội địa.

Hai năm dịch bệnh, người Việt Nam đa phần “đóng cửa” ở nhà, đến giờ dịch bệnh tạm ổn, nhiều người lại có nhu cầu đi nghỉ ngơi. Đó là lợi thế cho du lịch nội địa. Giờ người ta không chỉ chọn những nơi có cảnh đẹp, có dịch vụ tốt; có nhiều thứ để ăn- chơi mà còn thêm một tiêu chí, chọn một địa phương an toàn cho kỳ nghỉ bên gia đình và bạn bè. Vì thế, du lịch an toàn giờ là một trong những tiêu chí quan trọng. Nếu khách du lịch nội địa tăng đều như dịp Giỗ Tổ vừa qua và chúng ta làm tốt công tác truyền thông khi quảng bá các điểm đến an toàn; quảng bá tốt hình ảnh khách nội địa tại các đêỉm đến chắc chắn sẽ là một “liều thuốc” tốt, kích thích các hãng lữ hành và khách quốc tế. Việc đón khách du lịch quốc tế không ảnh hưởng đến vấn đề khách nội địa.

3.Có thể thấy, Nghị quyết 128 của Chính phủ về Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Nghị quyết 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là Quyết định của Chính phủ mở cửa toàn diện ngành du lịch từ ngày 15/3/2022 đã mở đường cho ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển.

Nhưng, ta không thể kỳ vọng, du lịch có thể phục hồi và phát triển ngay lập tức như thời kỳ chưa xảy ra đại dịch. Vì thế, ta cần những chiến lược dài hơi và có sự đầu tư hết sức bài bản để đón xu hướng du lịch thế giới thời kỳ hậu Covid-19. Vậy làm sao để “đón gió” xu hướng mới, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cần phải chuyển đổi từ tư duy đến hành động chứ không thể bằng những phương thức thông thường. Cần một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.

Còn theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cần khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch. Về sản phẩm, cần phải hướng đến các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Đối với công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động E-marketing để phát huy tối đa hiệu quả cho việc phục hồi và phát triển du lịch. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch.

Có một thực tế, 2 năm đại dịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa vì không thể gánh nổi núi chi phí khi khó kiếm đủ tiền tái đầu tư. Doanh nghiệp đóng cửa, đồng nghĩa với việc nhiều nhân lực ngành du lịch phải kiếm việc khác. Giờ mở cửa trở lại, nhân lực chắc chắn rơi rớt nhiều. Người chuyển làm việc khác. Người còn ở lại với nghề chắc chắn cũng cần đào tạo lại. Thiếu nhân lực ở đâu, bổ sung ở đấy. Nhiều khu vực có lẽ còn phải tuyển mới và vì thế đào tạo từ đầu cũng là vấn đề cấp thiết. Một ngành du lịch có thu hút khách được hay không phải từ chính những sản phẩm du lịch mà họ giới thiệu với du khách và nhờ những người giới thiệu sản phẩm ấy phải thật giỏi; thật mến khách. Mùa du lịch hè 2022 đã đến, cần sự tăng tốc để du lịch trở lại “đường đua” thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách, qua đó mang lại nguồn thu cho đất nước.

HOÀNG MAI