Kỷ niệm phương Nam
Sau ngày 30/4/1975 anh em trong nghề làm báo rất háo hức được vào miền Nam công tác. Nhưng không phải phóng viên nào cũng đạt được nguyện vọng đó. Riêng tôi lại có may mắn được cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi một chuyến công tác khá dài ngày vào Nam.
Số là những năm đầu của thập niên 70 của thế kỉ trước, sau khi được Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) biệt phái sang làm biên tập tại Ban Văn nghệ (A7) của Đài Phát thanh Giải phóng (CP90) vào 3 năm (1971-1973) tôi lại trở về Tổ phát thanh Công Nhân (sau này gọi là Phòng Công nghiệp-Ban Đối nội Đài TNVN) làm nhiệm vụ theo dõi ngành Giao thông vận tải.
Chỉ sau một tháng đất nước thống nhất thì kĩ sư Nguyễn Viết Thìn - Giám đốc Công ty vận tải ô tô số 3 đã mời tôi đi theo chuyến xe chở hàng từ miền Bắc vào miền Nam. Sau khi báo cáo với cơ quan về lời mời của cơ sở. Lãnh đạo Đài TNVN quyết định cử thêm ba người nữa tham gia chuyến công tác này. Đoàn gồm bốn người là tôi, Lương Kì - phóng viên, cùng Tổ phó Tổ Công nhân Nguyễn Bích Lưu. Người thứ tư là nhà thơ Trần Mạnh Thường Tổ phó Tổ Văn xã chia ra ngồi trên cabin với các lái xe.
Đoàn lái xe của Công ty 3 cùng bốn phóng viên Đài TNVN đi thông ngày đêm, chỉ đến khi nào mệt thì nghỉ lấy sức để đi tiếp. Khỏi phải nói cảm giác khó tả của bốn chàng phóng viên đang sung sức được đi dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam. Chứng kiến bao địa danh nổi tiếng từng được nghe, được đọc, được kể như giới tuyến Hiền Lương, sông Thạch Hãn, kinh thành Huế, bãi biển Lăng Cô…
Đoàn chúng tôi vào Đã Nẵng vào lúc gần 11 giờ đêm. Sau khi làm thủ tục, ăn qua loa, đại diện Công ty 3 đưa chúng tôi đến khách sạn Thanh Thanh nằm ở một đường lớn ở Đà Nẵng. Tôi được phân ở cùng phòng với Tổ phó Tổ Văn hóa Trần Mạnh Thường.
Vừa bước vào phòng, chúng tôi đều cảm thấy khó chịu vì căn phòng lâu ngày không người ở. Anh Thường nói: “Sang bên văn nghệ Đà Nẵng ngủ nhờ chứ ngủ thế này không nhắm mắt nổi”. Thế là đang đêm chúng tôi lếch thếch đi bộ sang tận Văn nghệ Đà Nẵng ở đường Nguyễn Du xin tá túc.
Mặc dù đã quá nửa đêm nhà thơ Thanh Thảo vẫn đón tiếp chúng tôi khá nồng hậu với bát mỳ Hai tôm chưa bao giờ tôi thấy ngon như thế. Ở Đà Nẵng được mấy ngày, bốn anh em tôi có vẻ quen quen, nên ngày nào không xuống cơ sở làm việc là lại lượn ra đường phố, các chợ, nhất là chợ Cồn.
Tổ phó Nguyễn Bích Lưu của tôi nổi tiếng là người thận trọng. Ông bảo để chuẩn bị ngân sách cho chuyến đi này ông đã về quê ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) bán ba bụi tre. Thật bất ngờ đến chiều thứ ba ở Đà Nẵng anh em trong đoàn trố mắt thấy anh dắt về một chiếc xe Mô bi lét. Anh Bích Lưu cười tít mắt bảo “để cơ động đi công tác cơ sở”. Rồi anh phân công “ngày mai chú Hiếu cùng tôi đi kho xăng Nại Hiên viết bài “Lửa nhiệt tình của kho xăng sau giải phóng”.
Hôm sau chả hiểu nghĩ thế nào Lương Kì cũng ra chợ Cồn tha về một con cá ươn. Hỏi, y vênh mặt lên “9 chục đấy. Rẻ. Tuyệt chưa?”. Thấy hai vị cùng phòng mua được xe tôi cũng định ra chợ tậu một con, nhưng Trần Mạnh Thường can “còn đi xa, mang đi làm gì cho vướng”. Nghe anh nên lượt trở về đến Đà Nẵng tôi cũng mua một con cá ươn với giá 9 chục đồng.
Khi mang về nhà tôi mới hiểu những chiếc mô bi lét này đúng là cá ươn. Vì đó là loại xe mà chủ xe luôn bấn, bẩn, bận. Khi sử dụng thì dắt nhiều đi. Tôi còn mua thêm một đài quay đĩa hiệu Aiwa. Chiếc máy này về đến nhà tôi mới nhận ra chỉ còn chạy được đĩa tốc độ 45 còn hai tốc độ kia đã liệt từ lâu. Sau hơn hai năm sử dụng, tôi bán tống con cá ươn được 700 đồng và máy quay đĩa Aiwa mua 45 đồng, bán được 430 đồng.
Ở Đà Nẵng gần một tuần thì do làm việc với kho xăng Nại Hiên nên đoàn chúng tôi được chuyển tải từ Công ty ô tô 3 sang xe bồn chở xăng dầu để vào Nha Trang. Theo đoàn xe chở xăng dầu Nha Trang vượt chòm chèm 500 km vào đến Sài Gòn. Đoàn chúng tôi được bố trí ở khách sạn Arsto một trong những khách sạn lớn của Sài Thành lúc bấy giờ. Làm xong thủ tục, chúng tôi được ra thang máy để lên các phòng.
Đến Sài Gòn được hai hôm, tôi tìm đến nhà cô ruột tôi ở Võ Duy Nghi - Phú Nhuận. Ông chú rể tôi tên Cảnh, quê Thái Bình, là lính quân tiếp vụ. Nghe tôi nói là sinh viên văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô chú tôi cùng bốn cô em họ xúm lại nghe tôi kể chuyện học hành. Chú tôi còn bảo Nga con gái lớn của chú dẫn tôi đến những nhà nghệ sĩ nổi tiếng như: nhà kì nữ Kim Cương, võ sư Lý Huỳnh…
Khi đến nhà Lý Huỳnh thì tôi thấy con trai ông là Lý Hùng. Ông bảo con trai “đây là ngài kí giả Bắc Kì mới vô”. Lý Hùng lúc đó là một cậu bé mới lớn khoanh tay lại, ngoan ngoan cúi đầu “con chào chú ạ!”.
Nga dẫn tôi đến nhà Kì nữ Kim Cương. Biết tôi là kí giả, nên đón tiếp tôi rất nồng nhiệt. Bà cho biết những vở kịch của Ban kịch Kim Cương như “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo”… Hình như không hợp với xu thế xã hội bây giờ nên bà đang tìm hiểu thực tế để viết kịch bản mới hợp hơn. Với cách nghĩ như vậy nên chỉ vài năm sau bà là kịch tác gia đầu tiên của Sài Gòn viết những vở kịch có đề tài Sài Gòn đương đại như: “Chìa khóa” (về cải tạo tư bản tư doanh ở Sài Gòn), “Men trắng” (về thanh niên xung phong), “Hồi sinh” (về biệt động Sài Gòn)… Bà khuyên tôi với thực tế của một ký giả và nhà văn tôi nên viết kịch bản.
Có lẽ phần vì lời khuyên của nghệ sĩ Kim Cương, phần vì tò mò của một nhà báo có máu văn chương nên sau khi từ nhà Kim Cương về, tối nào tôi cũng từ khách sạn đi bộ ra phía ngã tư đường Nguyễn Du và đường Tự Do để lẳng lặng theo dõi những con người mưu sinh về đêm. Thực tế này tôi đã viết trong kịch ngắn “những hạt bụi ở đời”. Đầu năm 1977, tôi đã đưa cho nhà thơ Thế Lữ xem và được ông khen “lời thoại rất sinh động và có tính cách nhân vật”.
Khi Nga – cô em họ- dẫn tôi đi tìm hiểu Sài Gòn, em thường tâm sự về sự chán nản bởi phải bỏ dở chương trình ở đại học, rồi sự rủ rê của bè bạn về những chân trời lạ, về những lối sống chưa quen. Tôi có khuyên em nhiều và gửi gắm cả qua bài thơ “Sao em cứ nghĩ chuyện ra đi”, cùng với kịch bản “Những hạt bụi của đời”- bài thơ này là tác phẩm thứ hai tôi viết trong đợt công tác đầu tiên sau giải phóng miền Nam 30/4.