Chủ động 'lôi kéo' doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo
Để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn của nhiều trường đó là cần chủ động và năng động trong việc “lôi kéo” các DN tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo.
Hợp tác "win-win"
ThS Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Huế cho biết hiện nay, nhà trường đã kí kết hợp đồng nguyên tắc, biên bản thỏa thuận với trên 37 đơn vị DN lớn tại khu vực miền Trung. Hiện DN tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo: định hướng nghề nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, phát triển chương trình đào tạo, phản biện giáo trình, tham gia giảng dạy và đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh sinh viên thực tập và thi tốt nghiệp. Hỗ trợ nhà trường bố trí chương trình thực tế tại DN cho các giảng viên theo quy định. Những hoạt động mang tính chất giáo dục, cộng đồng cũng được DN và nhà trường liên kết tổ chức, đã mang lại những hiệu ứng xã hội tích cực.
Khẳng định hợp tác với DN trong quá trình đào tạo là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nhà trường, ThS Phương cho biết việc này cũng đảm bảo lợi ích của người học và giúp cho DN tiết kiệm được chi phí về lao động, chủ động trong việc tuyển dụng lao động đạt chất lượng.
Mỗi trường cần chủ động và năng động trong việc “lôi kéo” các DN tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh những chính sách, khuyến khích và hỗ trợ DN tham gia vào quá trình đào tạo và nghiên cứu ban hành một số qui định cụ thể qui định trách nhiệm của các DN đối với sự nghiệp đào tạo.
Cầu nối giữa DN và nhà trường
Theo lãnh đạo trường CĐ du lịch Cần Thơ, hiện nay, nhà trường giữ mối quan hệ truyền thống, ký kết, phối hợp với hơn 30 DN trong và ngoài địa bàn. Ngoài ra, nhà trường cũng tham gia phối hợp với các đơn vị, DN trong thực hiện đào tạo, bồi dưỡng trong khuôn khổ các chương trình, khóa học ngắn hạn dành cho người lao động trực tiếp.
Trong thúc đẩy hợp tác với DN, kinh nghiệm của trường đó là tận dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên có nhiều năm công tác trong ngành để thiết lập được nhiều mối quan hệ với các DN. Đồng thời, những cựu học sinh, sinh viên thành đạt ở các DN cũng là cầu nối vững chắc, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa DN và nhà trường.
Về đề xuất, lãnh đạo nhà trường cho hay mức học phí trên địa bàn còn khá thấp, ngân sách hỗ trợ chưa nhiều nên nguồn quỹ cho hoạt động liên kết từ nhà trường chưa có nhiều, trong khi các hoạt động tổ chức hợp tác, sự kiện để tăng cường mối quan hệ giữa DN và nhà trường cần nhiều kinh phí.
Đặc biệt, nhà trường nhận thấy trong mối quan hệ liên kết, phối hợp giữa DN và nhà trường vẫn tồn tại một số rào cản, chủ yếu tập trung ở DN vừa và nhỏ, điển hình là: nhiều DN, chưa thấy rõ được lợi ích khi thực hiện liên kết; DN chưa đầu tư nguồn lực (con người, kinh phí) cho việc liên kết; sự chủ động, quyết liệt của cả 2 bên..
Chia sẻ quan điểm này, hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Huế cũng chỉ ra thực trạng vẫn còn nhiều DN (chủ yếu vừa và nhỏ) chưa thực sự vào cuộc cùng với cơ sở đào tạo.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết chủ trương gắn kết nhà trường – DN, coi DN là một phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN đã được quán triệt. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương này, Tổng cục GDNN đã tổ chức nhiều chương trình ký kết hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN hợp tác, liên kết trong hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực.
Phối hợp cùng DN ngay từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp ra trường đúng với ngành, nghề và trình độ đào tạo. Trong đó, chủ động, tăng cường liên hệ, phối hợp với các DN đề xuất, gợi mở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động theo chính sách; xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động.