Thời cơ mới từ thương mại điện tử

T.Hằng - T.Như 27/04/2022 07:45

Quy mô thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam hiện đạt giá trị 21 tỷ USD, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trực tuyến, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá.

Thương mại điện tử có bước tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.

Chinh phục khách hàng quốc tế

TMĐT đã và đang mở đường cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh bình thường mới. Tại một cuộc hội thảo về vấn đề này diễn ra mới đây, chia sẻ về kinh nghiệm đưa hàng Việt ra thế giới, ông Lê Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty Cổ phần Khánh Trình cho biết, ông bắt đầu kinh doanh năm 2010, với sản phẩm chính là xà đơn. Năm 2015, ông đặt kế hoạch tăng khai thác tiềm năng sản phẩm bằng cách bán hàng trên website TMĐT toàn cầu.

Đầu tiên ông chọn Alibaba nhưng không thành công vì đặc thù sản phẩm: mới mẻ, chưa có thương hiệu, người mua không biết chất lượng sản phẩm nên khó thuyết phục nhà buôn nước ngoài nhập khẩu số lượng lớn...

"Dù chúng tôi đã lập website quốc tế, lập đội bán hàng nhưng không thành công. Năm 2016 tôi thử cách tiếp cận khác trên Amazon và đã thành công vì được họ có nhiều hình thức hỗ trợ, cho phép người mua nhận toàn bộ tiền khi hàng kém chất lượng, sai mô tả. Chính sách này rất thu hút người mua kể cả với thương hiệu mới vì họ tin có đơn vị hỗ trợ quyền lợi. May mắn sản phẩm xà đơn của Khánh Trình không bị cạnh tranh quá mạnh nên người mua đã tìm đến sản phẩm của Khánh Trình dù chúng tôi chưa biết cách chạy quảng cáo” - ông Trình cho biết.

Năm 2017, sản phẩm bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài qua sàn Amazon và được khách quốc tế ưa chuộng vì an toàn, chất lượng, đa năng.

“Hiện sản phẩm đến được với khách hàng hơn 70 nước. Doanh thu 3-4 triệu USD mỗi năm. Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển sâu rộng các thị trường mới như Nhật, Nga, Hàn, Australia..." - ông Trình chia sẻ.

Nếu như trước đây nhiều người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chuộng sản phẩm thương hiệu quốc tế thì nay chính hàng Việt ngày càng có xu hướng vươn xa ra thị trường quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Công thương, đến năm 2021, các thương hiệu Việt chứng minh ưu thế trước hàng ngoại khi chiếm giữ đến hơn 90% tại các cơ sở phân phối của DN trong nước. Thậm chí tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ hàng nội địa vẫn chiếm 60-96%.

Và câu chuyện vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường châu Âu cũng là minh chứng trong việc tận dụng thời cơ của TMĐT.

Phát huy những kết quả tích cực từ quả vải thiều, nhiều chương trình hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua TMĐT xuyên biên giới theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ được thực hiện. Năm 2020, năm 2021 nhờ tận dụng được thế mạnh từ TMĐT, nhiều DN sản xuất kinh doanh, người nông dân đã lật ngược được thế cờ, tăng trưởng sản lượng bán ra.

Tăng mạnh số người tiêu dùng trực tuyến

Một báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố hồi đầu năm với tên gọi “Việt Nam: TMĐT tăng tốc sau Covid-19” cho biết, sự xuất hiện làn sóng TMĐT thứ hai với 2 tín hiệu quan trọng, là: người tiêu dùng trực tuyến tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng và số lượng thương nhân tham gia chuyển đổi số tăng mạnh.

Trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, nền tảng số đã đóng góp rất lớn cho sự duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm được những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong bối cảnh phải giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch. Trong 2 năm qua đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến gia nhập thị trường.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương (IDEA) cho biết, đối với chợ truyền thống, chỉ có khoảng 100 người bán nhưng ở trên TMĐT, có tới hàng trăm nghìn đến nhiều triệu người bán. Đây là con số cho thấy, xu hướng phát triển TMĐT là rất rõ ràng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các DN Việt Nam vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.

Tuy nhiên, khi tham gia sàn TMĐT, các rủi ro cũng sẽ đi kèm khi liên tiếp gần đây các vụ lừa đảo quốc tế vẫn xảy ra.

Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, nhận diện các rủi ro pháp lý trong các giao dịch điện tử (hình thức giao dịch phổ biến khi kinh doanh TMĐT) và biện pháp phòng tránh, được ông đúc kết qua một số vụ tranh chấp thương mại.

Ông Lễ lưu ý tầm quan trọng của việc lưu giữ dữ liệu khi giao dịch TMĐT, đề phòng các trường hợp phát sinh tranh chấp.

T.Hằng - T.Như