Liên tiếp các vụ học sinh đuối nước: Người lớn cần cương quyết hơn nữa
Mới đầu mùa hè nhưng tại một số địa phương liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đuối nước. Đáng lo ngại là việc phòng tránh, sơ cứu của người dân khi gặp tai nạn đuối nước còn thấp. Có lẽ, đã đến lúc gia đình và nhà trường cần phải cương quyết hơn nữa...
Gần đây số vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra, đa phần nạn nhân đang là học sinh. Đã đến lúc gia đình và nhà trường cần cương quyết hơn nữa trong việc nghiêm cấm các em tự ý đi tắm ở ao, hồ, sông, suối… đồng thời trang bị kỹ năng ứng cứu khi gặp sự cố.
Chưa đến hè đã thấy lo
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nước ta có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đặc biệt, tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng mạnh vào mùa hè và mùa mưa lũ.
Thống kê từ đầu mùa hè đến nay, liên tiếp trên báo chí là thông tin về tai nạn đuối nước của trẻ em. Như vụ 4 nữ sinh đã tử vong do đuối nước khi rủ nhau tắm hồ tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) xảy ra chiều 25/4.
Một nhóm 6 em học sinh nữ lớp 8, Trường THCS xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã rủ nhau vào hồ nước tại xóm Tân Hữu, xã Nghĩa Lộc để tắm mát. Trong lúc tắm, cả 6 em không may bị sẩy chân rơi xuống khu vực nước sâu và chìm dưới hồ. Trong lúc hoảng loạn, 2 em may mắn thoát nạn, còn 4 em bị nước sâu nhấn chìm…
Trước đó, ngày 15/4, cháu Đ.Q.B. (11 tuổi, ngụ xã Tân Thành, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) và anh trai (15 tuổi) cùng 2 cháu khác 15 và 17 tuổi rủ nhau đến hồ nuôi cá sâu hơn 3m để tắm. Thấy 3 người anh nhảy xuống tắm, cháu B. cũng đòi xuống nhưng L. không cho.
Một cháu nói B. leo lên lưng để đưa ra ao tập bơi. Tuy nhiên, khi đang đưa ra giữa ao thì cả 2 bất ngờ bị chìm xuống nước. Cháu B. không biết bơi nên bị đuối nước tử vong.
Ngày 11/4, hai chị em (cùng mẹ khác cha) tại xã Ea Tóh (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đã tử vong khi ra vườn cắt cỏ phụ bố mẹ nhưng không may bị trượt chân ngã xuống ao (ao gia đình). ..
Mùa hè dần đến, nhu cầu được tắm mát, hạ nhiệt của các em tăng cao nên nhiều nhóm học sinh đã rủ nhau đến các khu vực ao hồ, sông suối, biển ở gần nhà để vui chơi, lao động. Mặc dù đây là những địa điểm quen thuộc với các em song khi không có sự giám sát của người lớn, khi khu vực là bãi tự nhiên không đảm bảo an toàn bởi các tổ chức, cá nhân… thì những hiểm nguy sẽ luôn rình rập.
Thậm chí, trong vụ việc xảy ra tại xã Nghĩa Lộc chiều 25/4 vừa qua, mặc dù hồ nước nơi các em gặp nạn đã được cắm biển cảnh báo nguy hiểm song người dân nơi đây vẫn thường xuyên lui tới để tắm mát mỗi khi mùa hè đến.
Quyết liệt các giải pháp
Theo PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường ĐH Y tế Công cộng, với môi trường nhiều sông, ngòi, ao hồ như ở Việt Nam và thời tiết nắng nóng kéo dài thì việc hạn chế trẻ em bơi lội là điều khá khó khăn.
Các bậc phụ huynh cần có thái độ cương quyết hơn nữa trong việc nghiêm cấm con em mình tự ý đi tắm ở những nơi không có sự giám sát của người lớn, nhắc nhở các em khi đi học, đi chơi… phải đi đến nơi, về đến chốn… Đồng thời, phụ huynh hãy chủ động tìm kiếm và đề xuất với con những khu vực vui chơi, bơi lội được phép đi, bao gồm khu vực bể bơi công cộng hoặc những địa điểm có đông người cùng bơi với sự giám sát của người lớn để nếu có xảy ra sự cố cũng ứng cứu kịp thời.
Theo ông Cường, hiện nay việc phòng tránh, sơ cứu của người dân khi gặp tai nạn đuối nước còn thấp. Trẻ thiếu kỹ năng bơi và hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, có những trẻ biết bơi nhưng chủ quan hoặc thiếu kỹ năng an toàn với nước là những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc thương tâm gần đây. Vì vậy, cần tăng cường trang bị kỹ năng ứng cứu khi gặp sự cố.
Từ vụ việc em Nguyễn Văn Dương (học sinh lớp 8D, Trường THCS Minh Lạc, xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cứu được 2 em học sinh lớp 6 cùng trường bị rơi xuống kênh gần nhà ngày 23/4 vừa qua cho thấy, cấp thiết việc tăng cường dạy bơi cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực nhiều ao hồ, sông suối…
Đồng thời, nhà trường và các tổ chức đoàn thể địa phương cần tập trung hướng dẫn các em một số kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước để khi xảy ra sự cố, các em có thể tự mình thoát nạn hoặc tìm kiếm người trợ giúp ở gần đó.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết Bộ đã có công văn về việc tăng cường phòng, chống đuối nước đối với trẻ em gửi các Sở GDĐT ngày 21/4, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, đảm bảo an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh.
Bộ GDĐT cũng chỉ đạo các Sở GDĐT chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho các em trong dịp hè. Tổ chức tốt việc bàn giao trẻ em, học sinh về gia đình, địa phương trước khi nghỉ hè.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, hiện nay Bộ GDĐT đã có bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn giáo dục phòng, chống đuối nước cho học sinh để các cơ sở giáo dục triển khai. Về phía giáo viên cần thường xuyên quán triệt, nhắc nhở trẻ em, học sinh không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình,... nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng (thời gian vào cuối mỗi buổi học).