Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ: Không thỏa hiệp với sách rác, sách có hại

THƯ HOÀNG (ghi) 03/05/2022 08:18

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ mong muốn các NXB và các công ty sách cùng thực hiện vai trò xã hội trong việc giới thiệu sách hay và tạo thói quen đọc sách nơi giới trẻ. Do vậy, NXB và các công ty sách phải luôn cố gắng đem đến cho độc giả ngày càng nhiều đầu sách hay, có giá trị, bổ ích, không thỏa hiệp với sách rác, sách có hại.

Ông Nguyễn Thành Nam.

Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng: Không nên là lời kêu gọi chung chung, cũng không giới hạn trong một mảng sách nào. Khó có thể động viên người ta “hãy đọc đi” mà không kèm theo câu trả lời cho những vấn đề: “Đọc cái gì?”, “Đọc để làm gì?”, “Đọc như thế nào?”…Tôi tin rằng bất cứ ai cũng có nhu cầu về việc học hỏi, phát triển bản thân, khơi mở tâm hồn và trí tuệ…

Vậy nếu những ai chọn cách đọc sách để đạt được những điều đó, NXB nên có sự hỗ trợ trong khả năng của mình, bên cạnh việc xuất bản sách. Cũng giống như người đầu bếp tư vấn về những món ăn giàu dinh dưỡng, đẹp mắt… để khách hàng chọn món phù hợp với mình theo từng độ tuổi và hoàn cảnh.

Những chính sách, giải pháp này, cùng với nhiều hoạt động của Đường sách, Phố sách, các câu lạc bộ đọc sách, các thư viện ở nhiều quy mô khác nhau... đã góp phần làm cho xã hội hiểu hơn vai trò của sách, cũng như tạo dần thói quen đọc sách ở người Việt Nam, đặc biệt thế hệ trẻ. Nhiều cuộc hội thảo, bàn luận về xây dựng văn hoá đọc, thói quen đọc, nhiều tổ chức thiện nguyện đã và đang ra sức mang sách đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước.

Bên cạnh đó hoạt động chọn danh mục sách để đưa vào các cấp học hay giới thiệu cho giới doanh nhân những quyển sách hay cần đọc là những hoạt động vô cùng ý nghĩa và thiết thực.

Theo ông Nam, muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng trước tiên của gia đình và nhà trường. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi con trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, hay khi cha mẹ hay người lớn người thân không bao giờ đọc sách; hãy nhớ rằng trẻ con học qua cách nhìn những gì người lớn làm.

Do đó, việc xây dựng tủ sách gia đình là khá quan trọng nếu cha mẹ muốn tạo dựng thói quen đọc sách nơi con trẻ. Có thể bắt đầu từ những quyển sách con yêu thích, phù hợp với lứa tuổi, rồi từ từ phát triển dần. Cha mẹ cũng không nên gây áp lực cho con là phải đọc sách này, phải đọc sách kia, có khi con không cảm thấy phù hợp với lựa chọn của cha mẹ. Nhiều phụ huynh có cách làm rất hay khi hằng tuần, hoặc hằng tháng, dẫn con đi nhà sách, và cho phép con chọn lựa một vài cuốn sách con thích. Hẳn nhiên, phụ huynh sẽ có cách quan sát để nhận biết sách có phù hợp với lứa tuổi của con không. Và nếu việc làm này trở thành thói quen thì khi lớn lên, phụ huynh không còn lo việc chọn sách cho con, cũng như từ đó mà tủ sách gia đình hình thành.

Đối với việc chọn sách của người trẻ, người đã đi làm bận rộn, ông Nam gợi mở, do trên thị trường hiện nay có rất nhiều sách mới được xuất bản mỗi ngày, nên bạn đọc có thể gặp rất nhiều khó khăn khi chọn sách phù hợp cho bản thân. Nếu bạn trẻ nào đã có thói quen đọc sách rồi thì việc chọn lựa sách không khó khăn đối với các bạn, bởi các bạn biết mình cần gì và muốn đọc gì.

Đối với những bạn mới, chưa có thói quen đọc, trước tiên các bạn cần phải xác định xem mình muốn đọc về đề tài gì, thể loại gì. Từ đó, các bạn có thể tham khảo các nguồn giới thiệu sách để lọc ra cho mình quyển sách phù hợp với khả năng đọc, có nội dung mình đang tìm kiếm. Các nguồn giới thiệu có thể là từ những báo chí, trang mạng chính thống, uy tín; những người có tầm ảnh hưởng và thường xuyên đọc sách (có thể là người nổi tiếng, chính trị gia, doanh nhân, thầy cô, bạn bè, những người trong các câu lạc bộ đọc sách). Đó là những bước đầu tiên.

Quan trọng là cần phải có sự bắt đầu. Càng đọc nhiều thì bạn càng hiểu rõ loại sách hợp với mình. Không có cuốn sách phù hợp cho tất cả, chỉ có cuốn sách cụ thể phù hợp với người đọc nhất định, trong hoàn cảnh cụ thể mà thôi.

Song song với hoạt động xuất bản, các NXB và công ty sách cũng tiến hành nhiều hoạt động để truyền thông, giúp nhiều người biết đến sách mới. Trong các hoạt động truyền thông, các tổ chức này còn xây dựng các hoạt động khuyến đọc, giúp ngày càng nhiều bạn đọc nhận thức đúng về vai trò của sách cũng như cách thức để chọn đúng sách, và đọc đúng cách, hiệu quả. Nếu các hoạt động khuyến đọc được làm tốt, trên diện rộng, thì bạn đọc được hưởng lợi trước tiên, và sau cùng là các đơn vị làm xuất bản sẽ đưa được nhiều sách hơn đến bạn đọc. Đây là lợi ích từ cả hai phía.

THƯ HOÀNG (ghi)