Gánh nặng bệnh không lây nhiễm
Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và bệnh tật trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ước tính rằng trong năm 2018 bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của hơn 71% số ca tử vong và 62,5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Bệnh không lây nhiễm, thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao. Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Tuy nhiên, bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được. Có 4 loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.
Theo số liệu thống kê mới được công bố từ WHO, tại Việt Nam gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới khoảng 67% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính năm 2018 cả nước có 549.000 ca tử vong do các nguyên nhân khác nhau, trong đó 77% là do bệnh không lây nhiễm.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong khi các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 diễn biến phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.
"Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 74% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Số liệu mới nhất cho thấy mỗi năm tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 81% tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính. Số liệu điều tra cũng cho thấy ước tính ở người trưởng thành tỷ lệ người mắc tăng huyết áp là 26%, tương đương khoảng 17 triệu người mắc; tỷ lệ mắc đái tháo đường là 7%, tương đương với khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh" - ông Thuấn nói.
Trong khi đó, các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội; do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng
Cũng theo ông Thuấn, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân là do sự gia tăng nhanh các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực, kèm theo là các tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu.
Cụ thể hơn, ông Thuấn nói: “Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 45%; hiện có 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với mức khuyến nghị của WHO; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng trung bình 1%/năm.”
Để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, các chuyên gia y tế cho rằng, cần tập trung vào nhóm các giải pháp như đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong xây dựng, thực thi các chính sách để kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh, tập trung vào tăng cường vận động thể lực, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt là giảm tiêu thụ muối và nước ngọt, phòng, chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá.
Đồng thời cần tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe; trong đó có truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để đi khám, chữa kịp thời, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế các tuyến, tăng cường y tế cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm và thực hiện quản lý, điều trị, chăm sóc lâu dài người mắc bệnh, tập trung giải quyết các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và các rối loạn tâm thần phổ biến.
Theo khuyến cáo của WHO, phần lớn các bệnh không lây nhiễm là hậu quả của các yếu tố hành vi nguy cơ sức khỏe được hình thành từ rất sớm trong cuộc sống, điển hình là khi còn đang trong độ tuổi học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). Do đó việc giám sát và phát triển các chương trình can thiệp để phòng ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác ở học sinh trong độ tuổi này là vô cùng quan trọng.