GS Võ Tòng Xuân – ‘Doctor Rice’
GS.TS Võ Tòng Xuân vừa được Chính phủ Nhật Bản tặng Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ.
Đây là huân chương quốc gia cao quý được trao tặng cho những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: Quan hệ quốc tế, phát triển văn hóa Nhật Bản hoặc những tiến bộ trong lĩnh vực Nhật Bản quan tâm như nông nghiệp hay phát triển phúc lợi xã hội, giữ gìn môi trường...
Cũng tại buổi tri ân, ông Watanabe Nobuhiro - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM bày tỏ: GS Võ Tòng Xuân là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác đặc biệ t trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông được bạn bè đặt biệt danh là “Doctor Rice” vì những đóng góp của ông trong phát triển ngành lúa gạo.
Kể về hành trình đến với ngành lúa gạo, GS Võ Tòng Xuân cho biết, sau năm 1971 tốt nghiệp Thạc sĩ Trường Đại học Nông nghiệp tại Los Banos (Philippines) chuyên ngành nông hóa sản xuất đường mía, ông quay trở về Việt Nam và làm việc tại Trường Đại học Cần Thơ.
Năm 1972, ông bắt đầu dạy môn học về cây lúa cho sinh viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ. Một trong những bài tập về cây lúa, mà ông yêu cầu các sinh viên cần sưu tầm các giống lúa cổ truyền của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông giao trách nhiệm cho mỗi sinh viên, khi về quê ăn tết sưu tầm 10 giống lúa, sau đó giao lại cho trường. Các giống lúa sau khi sưu tầm sẽ được sắp xếp theo từng nhóm để không bị trùng lặp.
Từ năm 1973 – 1975, giáo sư cùng các sinh viên và nhà trường đã sưu tầm được hơn 2.000 giống lúa, gồm giống lúa nổi, giống lúa mùa dài ngày, trung ngày và ngắn ngày lập thành ngân hàng giống lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra còn sưu tập được các giống lúa rẫy ở vùng Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên... và một số giống mới của Viện Lúa quốc tế IRRI (Philippines).
Theo GS Võ Tòng Xuân, ý tưởng để thành lập ngân hàng giống lúa cũng thật bất ngờ. Thời điểm đó tại Việt Nam, giai đoạn chiến tranh đang rất khốc liệt, không có điều kiện để tập hợp, sưu tầm các giống lúa, nhất là ở miền Nam. “Có phái đoàn của Bộ Phát triển Nông nghiệp của Đài Loan sang miền Nam làm việc với Trung tâm nông nghiệp tại Tiền Giang (nay là Viện Cây ăn quả miền Nam). Họ có nhu cầu tìm các giống lúa của miền Nam để mang về trồng và so sánh hiệu quả giống. Thế nhưng, thời điểm đó, miền Nam chỉ có khoảng 40 đến 50 giống, chủ yếu là lúa mùa. Tôi thấy số lượng đó không đủ, vì vậy ý tưởng sưu tầm các mẫu giống lúa bắt đầu hình thành…”, GS Võ Tòng Xuân nhớ lại.
GS Võ Tòng Xuân tự hào nhắc đến sự kiện năm 1977, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến tham quan Ngân hàng giống tại Trường Đại học Cần Thơ và đánh giá cao việc sưu tầm giống lúa. Đây chính là niềm tự hào và động lực quyết tâm để ông tiếp tục duy trì ngân hàng giống và phát huy, cống hiến cho đất nước...
Khi hỏi về những đóng góp của mình hay những kỳ tích mà bản thân làm được, giáo sư kể lại câu chuyện mà ông và tập thể Trường Đại học Cần Thơ đã đạt được trong cuộc chiến với đại dịch rầy nâu. GS Võ Tòng Xuân cũng chuyển cho tôi bản hồi ký mà ông viết lại câu chuyện trước đó, trong đó có đoạn: Chiến thắng của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều phải thán phục. Đây là sự phối hợp lực lượng rất độc đáo mà Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện được.
Cuối năm 1976 đầu 1977 tại Tân Châu (An Giang) xuất hiện rầy nâu loại biôtýp mới. Tôi đánh một điện tín ngay cho Viện Lúa quốc tế IRRI ở Philippines, và 2 tuần sau nhận được 4 bịch giống lúa mới nhất. Tôi và anh Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của 4 giống này, đã chọn được giống IR36, sau đó nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống IR36. Lúc đó giặc rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản. Hàng trăm ngàn bà con nông dân điêu đứng; nhiều người bán hết cả tủ thờ để đầu tư trừ rầy nâu nhưng vẫn thất bại, phải cột xuồng nối đuôi nhau đi sang các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để mua gạo ăn đong.
GS Võ Tòng Xuân kể thêm: Thời điểm đó tôi quyết định đề nghị Ban Giám hiệu cho đóng cửa trường trong 2 tháng để chúng tôi cho sinh viên đem phổ biến giống lúa mới IR36 kháng rầy để cứu nông dân. Chú Bảy Phạm Sơn Khai, Bí thư Đảng uỷ kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã đồng ý cho thực hiện. Hơn 2.000 sinh viên nông nghiệp và sư phạm, sau 2 ngày được huấn luyện cấp tốc 3 phương pháp: sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy, và cấy lúa 1 tép/buội, đã ra quân dưới sự hướng dẫn của cán bộ đến tất cả các địa phương đang có rầy nâu xuất hiện. Mỗi sinh viên mang 1 kg lúa giống IR36 để cấy ra 1.000 m2 (trái với tập quán của nông dân giai đoạn đó là phải cần đến 8 đến10 kg lúa giống mới cấy ra 1.000 m2).
GS Võ Tòng Xuân tự hào: Thời gian đó cả nông dân và cán bộ nông nghiệp đều rất nghi ngờ khả năng của thầy trò chúng tôi. Sau 2 tuần lễ lúa cấy đã bén rễ, nở buội, thầy trò bàn giao ruộng lúa giống IR36 lại cho nông dân chủ ruộng rồi rút quân trở về trường. Ruộng lúa IR36 tiếp tục phát triển rất tốt trong khi chung quanh đó lúa giống cũ tiếp tục bị rầy nâu tấn công đốt cháy rụi. Ba tháng sau, tất cả các ruộng IR36 chuẩn bị được gặt, nông dân phải ra đồng ngủ giữ lúa. Bà con đổi lúa giống cho nhau và tiếp tục nhân giống, và chỉ trong hai vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, đánh đuổi giặc rầy nâu, chấm dứt thảm họa của nông dân…
Dành cả đời để nghiên cứu khoa học và phát triển giáo dục, phương châm hành động của ông luôn song hành với việc giúp nông dân làm giàu và nhân thêm nhiều người say mê cây lúa giống mình. Hơn 50 năm qua, ông đã tham gia đào tạo hàng ngàn kỹ sư nông nghiệp, hướng dẫn qua truyền hình hàng triệu nông dân và cán bộ nông nghiệp trên cả nước.
Câu chuyện về việc GS ước muốn xây dựng một trường đại học đẳng cấp cho khu vực và cả nước bị dở dang cách đây gần 20 năm, nhưng khi hỏi tới ông nhắc lại như mới vừa xảy ra. Năm 1999 GS được UBND tỉnh An Giang mời về xây dựng trường đại học thứ 2 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông nhận lời ngay. “Tôi đã cùng một số kiến trúc sư nổi tiếng tham khảo những mô hình trường Đại học hiện đại của nhiều nước trên thế giới. Đề án thiết kế nổi bật nhất cũng đã được chọn. Tôi vừa lo gửi giảng viên đi du học lấy bằng tiến sĩ vừa lo vận động kinh phí để thực hiện dự án xây dựng và trang thiết bị cho trường”, GS Võ Tòng Xuân cho biết.
Tuy nhiên do không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư nên đến tận thời điểm này Trường Đại học An Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn và không thể phát triển trở thành trường đại học tầm cỡ, đây là câu chuyện dài khiến mỗi lần GS Võ Tòng Xuân tiếc nuối khi nhắc đến…
Bên cạnh mong ước đầu tư cho giáo dục đại học ông còn dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho giáo dục mầm non. Đặc biệt ông dành nhiều tâm huyết cho việc tổ chức các mô hình trường mẫu giáo song ngữ, nhất là ở vùng nông thôn. GS Võ Tòng Xuân mong muốn hoàn cảnh nào, đối tượng nào cũng được tiếp cận song ngữ không riêng gì những đứa trẻ gia đình có điều kiện ở thành phố. Vì thế, ông đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong hàng chục năm bươn chải để xây dựng một ngôi trường mẫu giáo nhằm hiện thực hóa ước mơ của đời mình.
GS Võ Tòng Xuân đang là Hiệu trưởng danh dự của Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ông vẫn tiếp tục có những đóng góp trong phát triển chính sách, an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững cho Việt Nam, mà đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Với những đóng góp vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục, GS.TS.NGND - Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân đã được các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Ramon Magsaysay năm 1993 về Phục vụ nhà nước, Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada năm 1995 về “Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới, Huy chương “Kỵ mã Nông nghiệp của Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Pháp năm 1996, Giải “Cựu sinh viên xuất sắc nhất” của Đại học Philippines tại Los Banos năm 2001, Giải “Kỷ niệm Vàng (50 năm)” của Hội Cựu sinh viên nông nghiệp Đại học Philippines tại Los Banos năm 2017, Giải thưởng Nikkei châu Á năm 2002 về Tăng trưởng vùng, Giải thưởng Derek Tribe Australia về khoa học kỹ thuật năm 2005… Đó là những ghi nhận xứng đáng cho một người đã dành trọn cuộc đời cho nghiên cứu khoa học và giáo dục.