Đưa vào diện theo dõi vụ án xảy ra tại FLC, Tân Hoàng Minh

H.Vũ 28/04/2022 08:29

Ngày 27/4, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, xác định yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực (TC) thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý

Tại buổi họp báo diễn ra vào chiều 27/4, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác PCTN, TC tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và có những chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực. Các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt trong chỉ đạo phát hiện, xử lý một số vụ việc nổi cộm, bức xúc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó, khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo. Nhất là, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, như: Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan có liên quan; Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Thông tin thêm về nội dung cuộc họp, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, công tác PCTN, TC ngày càng đi vào chiều sâu, cả lý luận và thực tiễn. Trong phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định trong công tác đấu tranh PCTN, TC. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến đấu tranh chống TC bên cạnh việc đấu tranh PCTN, nhất là việc chống TC đã được đề cập chi tiết trong Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó đấu tranh chống mọi sự suy thoái của cán bộ, đảng viên.

Khẩn trương xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm trong quý II

Trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 19 vụ án, truy tố 21 vụ án, xét xử sơ thẩm 24 vụ án, xét xử phúc thẩm 6 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 39 vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tập trung điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty Việt Á; Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Thuận; Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Buôn lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố.

Đồng thời khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm trong Quý II/2022, gồm: Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và một số địa phương liên quan; và vụ án “Nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và Bộ đội Biên phòng.

Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: Vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan; Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Vụ việc sai phạm liên quan đến Dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP. Hồ Chí Minh; Các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh và những cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực liên quan đến vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang.

Xin ý kiến Trung ương về tái lập Ban chỉ đạo PCTN, TC tại địa phương

Theo ông Nguyễn Thái Học, Bộ Chính trị đã thống nhất thông qua và trong tháng 5 sẽ trình Trung ương cho ý kiến về việc thành lập ban Chỉ đạo PCTN, TC ở địa phương. “Muốn thành lập Ban chỉ đạo PCTN, TC ở địa phương thì phải xin ý kiến của Trung ương. Nếu Trung ương cho phép sẽ hình thành Ban chỉ đạo TCTN, TC tại địa phương theo mô hình của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC” - ông Học cho biết.

Liên quan đến việc tái lập Ban chỉ đạo PCTN, TC ở cấp tỉnh, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội Chính Trung ương trả lời thêm rằng: Việc tái lập Ban chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh xuất phát từ cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực. Hành vi tham nhũng đều liên quan đến vấn đề tiêu cực. Cho nên Ban Chỉ đạo xác định là phải gắn với chống tiêu cực. Nhất là địa phương chúng ta đã có 4 tại chỗ, do đó trong PCTN, TC cũng phải tại chỗ chứ không phải cái gì cũng chờ Trung ương. Vì vậy việc tái lập sẽ tốt hơn chứ không xấu đi, và không làm tăng biên chế. Bởi trí tuệ của cả một tập thể bao giờ cũng tốt, sâu sát hơn, thấu tình đạt lý hơn.

H.Vũ