Kỹ năng thoát hiểm
Ngày 25/4, gửi thư khen các công dân có hành động dũng cảm, cứu sống người đuối nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự xúc động trước hành động nghĩa hiệp của ông Nguyễn Hữu Hiền - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Thanh Hòa (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) và em Nguyễn Văn Dương - học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Minh Lạc (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hành động của ông Hiền và em Dương và nêu rõ đây là những tấm gương sáng về tinh thần quả cảm, nghĩa hiệp, sâu đậm bản sắc văn hóa, yêu thương, sống có tình có nghĩa của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được biểu dương, khen ngợi và lan tỏa trong cộng đồng.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, khuyến cáo, tập huấn tới từng người dân, từng gia đình và nhà trường nguy cơ đuối nước, những kỹ năng cần thiết để phòng tránh và cách thức xử lý tai nạn đáng tiếc xảy ra, giúp cho cuộc sống an toàn và hạnh phúc.
Trước đó, ngày 11/4, Chủ tịch nước cũng đã biểu dương, khen ngợi Trung úy Thái Ngô Hiếu- Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai và anh Nguyễn Đức Chính - trú tại Tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có hành động dũng cảm cứu được nhiều người đang bị đuối nước.
Như vậy là chỉ trong vòng nửa tháng, Chủ tịch nước đã hai lần khen ngợi những tấm gương quên mình vì tính mạng của người bị nạn đuối nước.
Do địa hình nhiều sông hồ, kênh rạch, biển cả, từ lâu nạn đuối nước ở ta là khá nhiều. Nhất là vào mùa hè, người đi tắm nhiều, trong đó có nhiều trẻ em. Mỗi khi mùa hè tới lại có những cảnh báo, nhưng đáng tiếc là vẫn còn đó nhiều vụ đuối nước thương tâm. Cuộc sống đột ngột bị ngắt ngang. Nhiều em nhỏ cuộc đời vốn rất dài rộng phía trước nhưng do sơ xẩy mà phải chia lìa ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô. Những cái chết thương tâm do đuối nước đến với các em để lại nỗi đau đớn khôn nguôi cho cha mẹ, người thân. Và cả nỗi dằn vặt của người lớn. Phải chăng chúng ta đã không làm hết trách nhiệm với các em?
Trang bị kỹ năng sống cho trẻ em là một trong những điều cực kỳ quan trọng. Điều đó phải được làm từng ngày trong mỗi gia đình và trong trường học. Cũng không ai biết trước cuộc đời các em sẽ gặp phải những điều gì, vì thế các em cần phải biết mình sẽ làm gì để thoát hiểm. Với nạn đuối nước, chắc hẳn nếu được học bơi từ nhỏ, biết cách đối phó với những tình huống bất ngờ dưới nước thì hẳn chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều những cái chết thương tâm.
Trở lại với hành động nghĩa hiệp của ông Nguyễn Hữu Hiền - cựu chiến binh, người đã dũng cảm cứu 3 thanh niên bị đuối nước giữa sông. Ông Hiền đang đi chăn trâu khi phát hiện người gặp nạn đã lập tức lao xuống sông cứu ngay. Sau khi đưa được hai người vào bờ, ông lại tiếp tục cứu người còn lại khi đã trôi khoảng 25m. Khi cứu được thì nạn nhân đã bất tỉnh. Ông Hiền làm hô hấp nhân tạo, đưa nạn nhân từ cõi chết trở về. Ông Hiền nói một cách giản dị: Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao cứu được người.
Còn với em Nguyễn Văn Dương - học sinh lớp 8 dũng cảm cứu hai em học sinh lớp 6 khỏi đuối nước. Khi đó Dương đang học bài ở nhà, nghe tiếng kêu cứu đã chạy ra và nhảy xuống kênh để kéo hai em nhỏ lên bờ. Sau đó, bằng các kiến thức và kỹ năng được học về phòng, chống đuối nước, Dương đã cùng với người dân ép ngực, hô hấp nhân tạo nên đã cứu sống được hai em.
Như vậy, trong cả 4 vụ dũng cảm cứu người bị đuối nước trong vòng nửa tháng qua đã ngời lên tinh thần dũng cảm của những con người bình thường. Bình thường nhưng lòng tốt của họ thật vô bờ bến. Hành động nghĩa hiệp của họ lan tỏa trong xã hội, nhân lên những hành động tốt, những việc làm tốt. Qua việc họ cứu được những nạn nhân đuối nước càng cho thấy kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng cứu người bị nạn là vô cùng quan trọng. Vì thế, thêm một lần nữa xin được nói rằng các bậc cha mẹ, thầy cô giáo hãy trang bị kỹ năng sống một cách đầy đủ cho trẻ em, để mỗi người tự thoát hiểm và có thể cứu được người khác trong lúc nguy nan.